Home / Trường Sa-bát / GIÓP (Bài Học Sa-bát Quý 4, 2016)

GIÓP (Bài Học Sa-bát Quý 4, 2016)

CÂU HỎI MUÔN ĐỜI

Trái ngược với các lời tuyên truyền xuyên tạc ngông cuồng đang thịnh hành hiện nay, Cơ Đốc nhân chúng ta được trang bị đầy đủ các lập luận hợp lý để hỗ trợ cho niềm tin vững chắc nơi Thượng Đế của mình. Mặc dầu một số tư tưởng gia lỗi lạc nhất trên thế giới tuyên bố rằng thuyết tiến hóa có thể giải thích được hết mọi điều kỳ lạ, mỹ lệ và khó hiểu nhất của sự sống, nhiều người hiện đại vẫn nhận thấy khó có thể chấp nhận giả thuyết ấy. Nhiều giả thuyết “khoa học” phỏng đoán vũ trụ xuất hiện từ cõi “hư vô”, nhưng số đông người ta nghĩ rằng nếu vạn vật đến từ một Đấng Tạo Hóa thì nghe có vẻ có lý và tự nhiên hơn là đến từ “hư vô”, vì điều này nghe thật phi lý và đầy mâu thuẫn.

Mặc dầu luận lý và chứng cớ rõ ràng đứng về phía người hữu thần chúng ta trong cuộc tranh biện về nguồn gốc vũ trụ, sự chào đời của điều ác và tội lỗi trên thế gian vẫn luôn luôn là cái gai nhọn, bắt buộc chúng ta đối diện với một câu hỏi muôn đời: Nếu Đức Chúa Trời có thật, toàn thiện, bác ái, và toàn năng, tại sao có quá nhiều đau khổ trên đời?

Sách Gióp mà chúng ta sẽ học trong ba tháng tới là một cố gắng để đối phó với câu hỏi muôn đời này. Nên lưu lý sách Gióp cũng là một trong các cuốn sách đầu tiên của Thánh Kinh. Như thế chúng ta thấy, ngay từ buổi ban đầu, Đức Chúa Trời đã ban cho nhân loại một số lời giải đáp cho nan đề vô cùng hóc búa và trọng đại này.

Nhưng trong sách Gióp chỉ có một số lời giải đáp, chứ không phải là tất cả. Có lẽ không đơn độc một sách nào của Kinh Thánh có đủ khả năng giải đáp hết mọi thắc mắc; thậm chí ngay cả toàn bộ Kinh Thánh cũng vậy. Tuy nhiên, ít nhất sách Gióp đã vén mở phần nào bức màn huyền bí, để hé lộ sự hiện hữu của một Thượng Đế ngoài tầm giác quan của con người (ngay cả các giác quan được hỗ trợ bởi các dụng cụ khoa học). Thật ra, sách Gióp chỉ cho chúng ta thấy điều mà nhiều sách khác của Kinh Thánh cũng chỉ ra: luôn luôn có sự quan hệ chặt chẽ giữa thế giới tự nhiên, là thực tại giải thích được bằng khoa học, và thế giới siêu nhiên, là thực tại không giải thích được. Tiểu sử thăng trầm của ông Gióp là một thí dụ về nguyên lý quan trọng và lời cảnh báo mà sứ đồ Phao-lô đã đưa ra sau nhiều thiên niên kỷ: “Vì chúng ta đánh trận, chẳng phải cùng thịt và huyết, bèn là cùng chủ quyền, cùng thế lực, cùng vua chúa của thế gian mờ tối này, cùng các thần dữ ở các miền trên trời vậy” (Ê-phê-sô 6:12).

Tuy sách Gióp phần lớn là câu chuyện về cuộc đời của một cá nhân, nó cũng là câu chuyện về cuộc đời của mỗi một chúng ta, vì tất cả chúng ta đều bị đau khổ, cũng một cách dường như rất phi lý như trường hợp ông Gióp. Ngay cả sự việc bốn người bạn đến thăm ông cũng phản ảnh hoàn cảnh của chúng ta, vì ai trong chúng ta đã không từng cố gắng tìm hiểu tại sao người khác bị sầu đau?

Tuy nhiên, chúng ta sẽ bỏ sót một điểm vô cùng then chốt trong sách Gióp, nếu giới hạn tầm nhìn của mình chỉ trong đề tài con người đang đau khổ cố gắng tìm hiểu nỗi đau khổ của người khác. Chúng ta đừng bỏ sót bối cảnh đầy ý nghĩa của câu chuyện, ấy là cuộc đấu tranh vĩ đại giữa thiện và ác để ráo riết tranh giành linh hồn mỗi người. Trận chiến dữ dội ấy đã bộc phát từ thiên đàng, và giờ đây là cuộc cận chiến đang diễn ra kịch liệt ngay giữa tâm hồn, lý trí, và thân xác của mỗi thành viên nhân loại.

Các bài học trong ba tháng này tập trung vào cuộc đời ông Gióp, khảo sát sự đau khổ của ông từ xa tới gần. Chúng ta biết chuyện đời ông đã chấm dứt như thế nào, cũng như bối cảnh toàn diện của câu chuyện. Là người đọc, chúng ta có một số kiến thức về sách Gióp và về Kinh Thánh, và dùng kiến thức ấy để cố gắng hiểu càng nhiều càng tốt lời giải đáp cho hai câu hỏi sau đây: 1) Tại sao chúng ta đang sống trong một thế giới đầy những xấu xa và ác độc? 2) Làm thế nào để chúng ta có thể đối phó với một thế giới bất toàn như vậy?

Tất nhiên, ngay cả sau khi học xong sách Gióp một lần, rồi học trở lại lần nữa, qua sự trợ lực của các sách khác trong Kinh Thánh, nan đề muôn đời về sự đau khổ vẫn còn đó, vẫn chưa được giải tỏa, nhưng chúng ta có thể nắm chắc một điều, ấy là lời giải đáp tối hậu cho nghi vấn muôn đời nằm trong tay Đức Chúa Giê-su, mà qua đó “trong Đấng Christ, chúng ta được cứu chuộc bởi huyết Ngài” (Ê-phê-sô 1:7). Xuyên qua Ngài, mọi câu trả lời sẽ được truyền đạt.

Ông Clifford R. Goldstein là chủ bút các loạt bài học Trường Sa-bát lớp Tráng Niên của Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm và đã làm việc tại Toàn Cầu Tổng Hội từ năm 1984.

==> Download bài học tại đây (file pdf): Sách GIÓP (Bài Học Sa-bát Quý 4, 2016)

Mục Lục

Bài 1, ĐOẠN KẾT (24 Tháng 9 – 30 Tháng 9)
Bài 2, THIỆN ÁC ĐẤU TRANH (1 Tháng 10 – 7 Tháng 10)
Bài 3, “GIÓP HÁ KÍNH SỢ ĐỨC CHÚA TRỜI LUỐNG CÔNG SAO?” (8 Tháng 10 – 14 Tháng 10)
Bài 4, THƯỢNG ĐẾ VÀ SỰ ĐAU KHỔ CỦA NHÂN LOẠI (15 Tháng 10 – 21 Tháng 10)
Bài 5, CÁI NGÀY ĐÁNG NGUYỀN RỦA (22 Tháng 10 – 28 Tháng 10)
Bài 6, PHẢI CHĂNG SỰ PHỈ BÁNG KHÔNG CÓ LÝ DO (29 Tháng 10 – 4 Tháng 11)
Bài 7, TRỪNG PHẠT ĐÍCH ĐÁNG (5 Tháng 11 – 11 Tháng 11)
Bài 8, HUYẾT VÔ TỘI (12 Tháng 11 – 18 Tháng 11)
Bài 9, TIA HY VỌNG (19 Tháng 11 – 25 Tháng 11)
Bài 10, CƠN GIẬN CỦA Ê-LI-HU (26 Tháng 11 – 2 Tháng 12)
Bài 11, TỪ GIỮA CƠN GIÓ TRỐT (3 Tháng 12 – 9 Tháng 12)
Bài 12, ĐẤNG CỨU CHUỘC CỦA ÔNG GIÓP (10 Tháng 12 – 16 Tháng 12)
Bài 13, CÁ TÁNH CỦA ÔNG GIÓP (17 Tháng 12 – 23 Tháng 12)
Bài 14, NHỮNG BÀI HỌC TỪ SÁCH GIÓP (24 Tháng 12 – 30 Tháng 12)

Tác giả:
Clifford Goldstein

Dịch giả:
Nguyễn Trung Hậu

Ban hiệu đính:
Mục sư Nguyễn Khắc Vinh
Kezia Tuyết Nguyễn
Nguyễn Đăng Hưng
Lâm Kim Tuyết

Trình bày:
Nguyễn Đăng Hưng

Mọi liên lạc, thư từ xin gởi về:
Mục sư Nguyễn Khắc Vinh
Tiếng Nói Hy Vọng
P.O. Box 5704, El Monte, CA 91734
Tel. (626) 454-1304
www.TiengNoiHyVong.org

Check Also

Cuộc Khủng Hoảng Về Danh Tánh (Bài Học 1, 26 Tháng 12 – 1 Tháng 1, 2021)

CÂU GỐC: “Bây giờ hãy đến, cho chúng ta biện luận cùng nhau. Dầu tội …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *