CÂU GỐC: “Vậy, chớ lo lắng chi về ngày mai; vì ngày mai sẽ lo về việc ngày mai. Sự khó nhọc ngày nào đủ cho ngày ấy” (Ma-thi-ơ 6:34).
ĐỌC KINH THÁNH NGHIÊN CỨU TUẦN NÀY: Rô-ma 1:18-20; Gióp 12:7-10; Khải huyền 4:11; Cô-lô-se 1:16, 17; Ma-thi-ơ 6:34; Gióp 10:8-12; Rô-ma 3:1-4.
Không như các sách khác của Kinh Thánh, sách Gióp không đề cập đến đất nước và dân tộc Do Thái. Trong các sách khác, ví dụ như Sáng thế Ký, Đức Chúa Trời đã hứa với ông Áp-ra-ham rằng Ngài “sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn” (Sáng thế Ký 12:2). Và trong sách Khải huyền, sứ đồ Giăng đã mô tả kế hoạch của Đức Chúa Trời cho “thành thánh”, Giê-ru-sa-lem (Khải huyền 22:19). Suốt cả Kinh Thánh, Đức Chúa Trời đã trực tiếp hay gián tiếp tham dự trong sự quan hệ giữa Ngài và dân sự Ngài, và ảnh hưởng của Ngài được cảm thấy trong mỗi cuốn sách của Thánh Kinh.
Nhưng trong sách Gióp, không có dấu hiệu của các điểm kể trên, cũng như không có lời đề cập đến cuộc vượt thoát khỏi xứ Ê-díp-tô. Tại sao? Một lý do là sách Gióp được ông Môi-se viết trong thời gian ông chăn chiên ở đồng vắng Mê-đi-an, và cũng là lúc ông viết sách Sáng thế Ký. Lúc ấy cuộc vượt thoát khỏi xứ Ê-díp-tô chưa xảy ra (xin đọc trang 1140 quyển số 3 bộ The SDA Bible Commentary).
Tuy nhiên có lẽ có một lý do khác quan trọng hơn. Một trong các chủ đề của sách Gióp là sự đau khổ của nhân loại, là một đề tài không biên giới, không giới hạn trong phạm vi một nhóm người nào hay một thời điểm nào. Dân tộc Do Thái hay các dân tộc khác, tất cả mọi người gồm cả chúng ta đều trải nghiệm phần nào nỗi đoạn trường của ông Gióp bằng cách này hay cách khác, là hậu quả của cuộc sống tù đày trong trần đời tội lỗi. Sự đau khổ của ông Gióp cũng tiêu biểu là sự đau khổ của mỗi chúng ta.
Xem / Tải về bài học theo liên kết sau đây:
=> Thượng Đế và Sự Đau Khổ Của Nhân Loại (Bài Học 4, 15 Tháng 10 – 21 Tháng 10)