Home / Hội Thánh - Điểm Nhóm / HT Orlando / Phân Biệt Các Bản Luật Pháp Trong Kinh Thánh

Phân Biệt Các Bản Luật Pháp Trong Kinh Thánh

Khi dựng nên vũ trụ, Đấng Tạo Hóa xếp đặt muôn vật trong một trật tự, một định luật bất di bất dịch. Trái đất vận hành theo một quỹ đạo quanh mặt trời trong một thời gian chính xác. Mặt trăng là một hộ tinh, vận hành trong một quỹ đạo quanh trái đất trong một thời gian nhất định. Con người căn cứ trên sự vận hành nầy mà làm ra lịch, tính thời tiết, tính năm, tháng, ngày, giờ, phút, giây. Ngoài ra còn có các thiên thể khác cũng vận hành theo một quỹ đạo trong thái dương hệ thống nầy. Nếu Thượng Đế không làm ra một định luật vật lý thiên nhiên, thì làm sao có thể giữ được những thiên thể ấy có thể quay trong một trật tự cố định bất biến. Nếu địa cầu chạy gần lại mặt trời một chút, thì mọi vật trên mặt đất sẽ bị thiêu đốt tiêu tan. Hoặc giả địa cầu đi xa mặt trời hơn một chút, thì mọi vật trên mặt đất sẽ bị chết vì băng giá. Ngoài ra, còn có những luật từ trường, luật hấp dẫn của Issac Newton v.v… Nếu không có hấp dẫn lực, con người sẽ bay ra khỏi mặt đất.

Đối với loài người, vì những phúc lợi và sự an toàn, Thượng Đế cũng ban cho loài người những luật lệ, gọi là những Điều Giới Luật, Điều Răn hay là Luật pháp của Đức Chúa Trời. Trong Kinh Thánh có 5 loại Luật Pháp:

1. Luật Thiên Nhiên: Luật vật lý thiên nhiên, luật vận hành các thiên thể trong vũ trụ. Luật phân định thời tiết v.v…

2. Luật Dân Sự: gồm những hình luật, hộ luật, áp dụng cho việc cai trị dân chúng thời Cựu Ưóc.

3. Luật Nghi Lễ: Luật lễ nghi dạy cách dâng tế lễ và nghi thức thờ phượng trong đền thờ v.v… Luật nầy khởi sự từ khi A-đam phạm tội, cảm thấy mình lõa lồ, Đức Chúa Trời bèn lấy da thú kết thành áo che thân cho A-đam. Con vật vô tội đã chết thay cho người có tội, làm hình bóng về Đức Chúa Jêsus sẽ đến. Một số lễ nghi thời Cựu Ước không còn áp dụng trong thời đại này.

4. Luật Sức Khỏe: Dạy về vệ sinh, sự tiết chế và dinh dưỡng để giữ gìn sức khỏe cho dân chúng. Luật nầy cho đến nay vẫn còn có giá trị, rất cần thiết cho đời sống và sức khỏe của chúng ta. Ví dụ trong vấn đề dinh dưỡng, Chúa phán dạy chúng ta không nên ăn thịt những loài thú vật không tinh sạch, điển hình như con heo chẳng hạn. Đa số trong chúng ta không hiểu tại sao Chúa cấm không nên ăn thịt heo. Ngày nay, khoa học chứng minh rằng mỡ thú vật là tác nhân gây ra chứng nghẹt tim mạch, số tử vong về chứng bệnh động tim rất cao. Ngoài ra, thịt heo còn chứa biết bao nhiêu loại ký sinh trùng khác nữa. Vì thế, nhiều người đã tự động bỏ ăn thịt heo, và những loại thịt có nhiều mỡ để giữ gìn sức khỏe theo lời khuyên của Bác sĩ.

5. Luật Luân Lý: Bản Luật Pháp Mười Điều Răn. Bản Hiến Pháp của Đức Chúa Trời bất di bất dịch.

Tóm lại, trong Kinh Thánh có hai bộ Luật cần phải được phân biệt: Luật của Đức Chúa Trời và Luật của Môi-se. Nếu không nhờ có ánh sáng Phúc âm soi dẫn, có thể dễ gây nhiều ngộ nhận và nhầm lẫn. Khi luận về sự xưng công bình bởi đức tin và công việc làm, thánh đồ Phao-lô viết: “Vậy chúng ta nhơn đức tin mà bỏ luật pháp hay sao? Chẳng hề như vậy! Trái lại, chúng ta làm vững bền luật pháp” (Rô-ma 3:31). Đây là Bản Luật Pháp Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời không thể hủy bỏ, trái lại, chúng ta phải giữ và làm cho nó vững bền.

** Luật của Đức Chúa Trời thì Chúa xác định rõ là Luật của Ngài. Sách Truyền đạo 12:13 chép: “Khá kính sợ Đức Chúa Trời và giữ các Điều Răn Ngài…” Ngài cũng cảnh cáo những người không giữ Luật Pháp của Ngài, Ê-sai 5:24 chép: “Vậy nên, như lửa đốt gốc rạ và rơm cháy thiêu trong ngọn lửa thể nào, thì rễ họ cũng mục nát và hoa họ cũng bay đi như bụi đất thể ấy; vì họ đã bỏ luật pháp của Đức Giê-hô-va vạn quân, và khinh lời của Đấng Thánh…”

** Còn luật của Môi-se thì Kinh Thánh ghi rõ là luật của Môi-se, như thánh đồ Phao-lô nói: “…về mọi đều theo luật pháp Môi-se chẳng có thể được xưng công bình” (Công vụ các Sứ đồ 13:39b).

Luật lễ nghi trong nhà thờ, sách Lu-ca 2:22 chép: “theo luậtpháp Môi-se, Giô-sép và Ma-ri đem con trẻ lên thành Giê-ru-sa-lem để dâng cho Chúa.”

Về luật lao động, sách 1 Cô-rinh-tô 9:9 chép: “Vì chưng có chép trong luật pháp Môi-se rằng: Ngươi chớ khớp miệng con bò đang đạp lúa.”

Trong thời cai trị dân Y-sơ-ra-ên, Môi-se đã đặt thêm luật để thích ứng cho việc cai trị trong thời đại của ông, vì cớ các tội phạm tăng cao. Sách Ga-la-ti 3:19 chép: “Luật pháp đã đặt thêm, vì cớ những sự phạm pháp…” Ngày nay, Luật của Môi-se đã bị hủy bỏ, vì theo lời thánh đồ Phao-lô, chẳng có thể được xưng công bình.

PHÂN BIỆT LUẬT CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI VÀ LUẬT CỦA LOÀI NGƯỜI

1. Nội dung

a- Luật của Đức Chúa Trời là luật Luân lý, gồm Mười Điều Giới Luật.

Khi dân Y-sơ-ra-ên được giải phóng ra khỏi cảnh nô lệ tại Ai-cập, Đức Chúa Trời đưa Môi-se là người lãnh đạo lên núi Si-nai, còn dân sự nhóm lại tại chân núi Hô-rếp để nghe Chúa truyền các mạng lịnh, luật lệ và sự giao ước của Ngài. Vả, cả núi lửa cháy cho đến tận trời; có sự tối tăm và mây giăng đen kịt. Từ trong lửa “Ngài truyền cho các dân sự biết sự giao ước của Ngài, tức là Mười Điều Răn, khiến các ngươi gìn giữ lấy, và Ngài chép Mười Điều Răn ấy trên hai bảng đá” (Phục-truyền 4:13). Kinh Xuất Ê-díp-tô Ký 31:18 chép: “Khi Đức Giê-hô-va đã phán xong cùng Môi-se tại núi Si-Nai, bèn cho người hai bảng chứng bằng đá, bởi ngón tay Đức Chúa Trời viết ra”. Đây là Luật Pháp Mười Điều Răn, Luật Luân lý của Đức Chúa trời, do chính miệng Chúa đã phán, do chính ngón tay Chúa đã viết trên hai bảng đá. Trong Kinh Thánh chỉ ghi lại có hai lần Chúa đã dùng ngón tay của Ngài để viết ra:
Lần thứ nhứt Chúa viết Mười Điều Răn trên hai bảng đá tại núi Si-nai.
Lần thứ hai, Vua của Canh-đê là Bên-xát-xa, trong một đêm hoan lạc, đã lấy các dụng cụ bằng vàng và khí mạnh trong đền thờ của Đức Chúa Trời tại Giê-ru-sa-lem, và vua cùng các đại thần, các hoàng hậu và cung phi mình dùng mà uống rượu. Chính giờ đó, có những ngón tay hiện ra, viết trên tường của cung vua, vua trông thấy phần bàn tay ấy đang viết. Bấy giờ vua biến sắc mặt, các ý tưởng làm cho vua bối rối; các xương lưng rời khớp ra, và hai đầu gối chạm vào nhau. Và ngay trong đêm đó, vua người Canh-đê là Bên-xát-xa bị giết, và nước bị phân chia. (Đa-ni-ên 5)

b- Luật của Môi-se là Luật Lễ nghi tôn giáo, truyền mạng lịnh và luật lệ:

Ma-la-chi 4:4 “Các ngươi khá nhớ lại luật pháp của đầy tớ ta là Môi-se, mà ta đã truyền cho nó tại Hô-rếp, tức là những luật lệ và mạng lịnh cho cả Y-sơ-ra-ên”. Thật là rõ ràng, đây là luật của Môi-se mang nội dung truyền mạng lịnh và luật lệ cho dân sự.

2. Ai chép Luật pháp?

a- Luật của Đức Chúa Trời do chính Đức Chúa Trời chép.
Xuất Ê-díp-tô Ký 31:18 “Khi Đức Giê-hô-va đã phán xong cùng Môi-se tại núi Si-nai, bèn cho người hai bảng chứng bằng đá, bởi ngón tay Đức Chúa Trời viết ra”

b- Luật của Môi-se do Môi-se chép
Phục truyền luật lệ Ký 31:24a “Khi Môi-se chép những luật pháp nầy…” do Môi-se chép.

3- Chép ở đâu?

a- Luật của Đức Chúa Trời được chép trên hai bảng đá và bảo phải gìn giữ:
Phục truyền 3:18 Ký 4:13 “Ngài rao truyền cho các ngươi biết sự giao ước của Ngài, tức là Mười Điều Răn, khiến các ngươi gìn giữ lấy, Ngài chép Mười Điều Răn ấy trên hai bảng đá”

b- Luật của Môi-se được chép trong Cuốn sách.
Phục Truyền 31:24b “…Môi-se chép những lời luật nầy trong một cuốn sách..”

4- Luật pháp được lưu trữ tại đâu?

a- Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời được lưu giữ trong một cái hòm làm bằng cây si-tim gọi là hòm giao ước.
Phục truyền 10:4-5 “Ngài viết trên hai bảng nầy lời Ngài đã viết lần trước, tức là Mười Điều Răn mà Đức Giê-hô-va từ giữa lửa tại trên núi, …Môi-se đi xuống núi, để hai bảng vào hòm mà Môi se đã đóng… y như Đức Giê-hô-va đã phán dặn”

b- Luật của Môi-se thì để phía bên hòm giao ước
Phục truyền 31:26 “Hãy lấy cuốn sách luật pháp nầy, để bên hòm giao ước của Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi…”

5- Công dụng của các bộ luật

a- Luật Pháp của Đức Chúa Trời chỉ cho con người nhận bíết tội lỗi mình.
Rô-ma 3:20 “Vì chẳng có một người nào bởi việc làm theo luật pháp mà sẽ được xưng công bình trước mặt Ngài, vì luật pháp cho người ta biết tội lỗi.” Vậy, tội lỗi là gì? Chúa phán: “Còn ai phạm tội tức là trái luật pháp, vì sự tội lỗi tức là sự trái luật pháp” 1 Giăng 3:4
Hậu quả của tội lỗi là gì? Chúa dạy: “Vì tiền công của tội lỗi là sự chết” Rô-ma 6:23

b- Luật của Môi-se chỉ dạy dân sự cách dâng các của lễ, dâng sinh tế, dâng lễ chuộc tội, cùng các nghi lễ tôn giáo. (Xin xem sách Lê-vi Ký)

6-/ Đức Chúa Jêsus với các bản Luật Pháp và lời tiên tri

a- Khi Đức Chúa Jêsus thi hành chức vụ của Ngài dưới thế gian, Ngài đã giữ trọn vẹn Mười Điều Răn, và dạy mọi người cũng làm như vậy. Ngài phán: “Các ngươi đừng tưởng ta đến đặng phá luật pháp hay là lời tiên tri; ta đến không phải để phá, song để làm cho trọn. Vì ta nói thật cùng các ngươi, đương khi trời đất chưa qua đi, thì một chấm một nét trong luật pháp cũng không qua đi được cho đến khi mọi sự được trọn. Vậy, ai hủy một điều cực nhỏ nào trong những điều răn nầy, và dạy người ta làm như vậy, thì sẽ bị xưng là cực nhỏ trong nước thiên đàng; còn như ai giữ những điều răn ấy, và dạy người ta nữa, thì sẽ được xưng là lớn trong nước thiên đàng.” (Ma-thi-ơ 5:17) Chúa Jêsus xác định là bản Luật pháp Mười Điều Răn không hề bị hủy bỏ, trái lại Ngài khuyên phải giữ cho trọn vẹn.

b- Luật của Môi-se trong thời Cựu Ước qui định lễ nghi thờ phượng, cách dâng của lễ. Dùng con chiên không tì vít làm sinh tế để chuộc tội. Đến thời Tân Ước, khi Đức Chúa Jêsus là Chiên Con thật của Đức Chúa Trời. Vì tội lỗi của con người mà Ngài phải chết thay trên cây thập tự. Khi Ngài trút hơi thở cuối cùng trên Thập tự giá, thì bức màn trong đền tạm, ngăn giữa nơi Thánh và nơi chí Thánh bị xé làm đôi. Nghĩa là bắt đầu từ đây, Ngài là Chiên Con của Đức Chúa Trời không tì vít đã chết thay tội cho chúng sinh, và Ngài cũng là Thầy Tế Lễ Thượng phẩm đi thẳng vào trong nơi Chí Thánh để cầu thay tội cho chúng ta. Kể từ khi Đức Chúa Jêsus thọ hình đến nay, người ta không còn dùng con chiên làm sinh tế chuộc tội nữa. Tội nhân chỉ cần nhận huyết vô tội của Đức Chúa Jêsus thì tội sẽ được tha. Kinh Cô-lô-se 2:14 chép: “Ngài đã xóa tờ khế lập nghịch cùng chúng ta, các điều khoản trái với chúng ta nữa, cùng phá hủy tờ khế đó mà đóng đinh trên cây thập tự” Thật là rõ ràng. Kể từ khi Đức Chúa Jêsus chết trên đồi Gô-gô-tha, việc dâng sinh tế không còn nữa, luật của Môi-se đã bị hủy, và đã đóng đinh nó trên cây thập tự với sự chết của Chúa Jêsus.

Bây giờ chỉ còn bản Luật pháp của Đức Chúa Trời là còn tồn tại. Chúng ta tin Chúa, chúng ta phải giữ giới luật của Chúa. Nhờ luật pháp mà tội lỗi của con người được phô bày. Mười Điều Răn không thể cứu chúng ta, nhưng cho chúng ta thấy được tội lỗi. Chỉ có huyết của Đức Chúa Jêsus mới xóa được tội lỗi của chúng ta mà thôi. Ví dụ một người soi mặt mình trong gương, gương phản chiếu thấy mặt bị dơ. Nhờ gương, ta đi lấy nước để rửa vết dơ trên mặt. Chiếc gương không thể tẩy xóa vết nhơ. Cùng một thể ấy, Luật pháp của Chúa cho biết tội. Bản luật pháp gồm có những giới luật. Hễ phạm một trong những giới luật là bị phạm tội. Chúng ta đang sống trong một quốc gia thượng tôn pháp luật. Mọi người đều hưởng tự do đồng đều, nhưng tự do trong luật lệ. Luật lưu thông qui định người lái xe chạy bên lề mặt, nếu trái luật, chạy bên lề trái tất nhiên sẽ bị tai nạn, có khi bị chết.

Ý NGHĨA CỦA BẢN MƯỜI ĐIỀU RĂN
Bốn điều răn đầu qui định nghĩa vụ của con người đối với Đức Chúa Trời
1- Không thờ tà thần
2- Không thờ hình tượng
3- Không thề thốt
4- Nhớ ngày Sa-Bát là ngày thánh của Chúa

Sáu điều sau qui định bổn phận của con người đối với con người
5- Hiếu kính cha mẹ
6- Cấm giết người
7- Cấm điều tà dâm
8- Cấm trộm cướp
9- Cấm nói dối
10- Cấm tham lam.

Tóm lại, bản Mười Điều Răn qui định chúng ta phải kính Chúa, yêu người. Đức Chúa Jêsus phán rằng: hết thảy luật pháp và lời tiên tri đều tùy thuộc vào hai điều luật ấy, Yêu Đức Chúa Trời và Yêu người. Trong lúc Chúa Jêsus đi giảng dạy, có đám người Pha-ri-si và thầy dạy luật tìm cách bắt bẻ Ngài. Họ hỏi Chúa: Thưa Thầy, trong luật pháp, điều răn nào lớn hơn hết? Đức Chúa Jêsus đáp rằng: “Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi. Ấy là điều răn thứ nhứt và lớn hơn hết. Còn điều răn thứ hai đây, cũng như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình. Hết thảy luật pháp và lời tiên tri đều bởi hai điều răn đó mà ra. (Ma-thi-ơ 22:35-40) và Mác 12:28-31 và Phục truyền 6:5.

Nếu chúng ta làm môn đồ của Đức Chúa Jêsus, chúng ta phải giữ Điều Răn của Ngài vậy. Không ai thực tình yêu mến Đức Chúa Jêsus mà đi thờ hình tượng, chửi thề, bỏ ngày thứ Bảy là ngày thánh của Chúa, bất hiếu với cha mẹ, hoặc phạm một điều trong bản luật pháp. Nếu có ai nói rằng tôi kính Chúa mà làm nghịch lại lời Chúa dạy, không tuân giữ ngày Sa-Bát Thánh của Ngài? Có thể nào nói tôi yêu người, trong lúc đó lại bất hiếu với cha mẹ!

Vậy, chúng ta hãy nghe lời kết của lý thuyết nầy: Khá kính sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều răn Ngài; ấy là trọn phận sự của ngươi. Vì Đức Chúa Trời sẽ đem đoán xét các công việc, đến đổi việc kín nhiệm hơn hết, hoặc thiện, hoặc ác cũng vậy” (Truyền đạo 12:13-14

Thi sĩ Thế Lộc cảm tác mấy vần thơ “Kính Chúa, Yêu Người” như sau:
Jêsus Ngài xuống thế gian đây
Cứu độ tha nhân, dặn điểm nầy:
Kính Chúa, một lòng làm việc tốt
Yêu người, muôn vẻ kết tình ngay
Gặp cơn thử thách, đừng nao núng
Được dịp thăng hoa, chớ đổi thay
Giữ trọn hai điều ta thỏa mãn
Ki-tô thuyết giáo, thuyết thời nay.

Kính thưa quí vị thính giả,
Chúng tôi xin thân ái kính mời toàn thể quí vị đến thờ phượng Chúa, tìm hiểu chân lý và lẽ thật vào mỗi sáng thứ Bảy
từ 10 đến 12 giờ trưa
Tại Thánh Đường Cơ Đốc Phục Lâm
Số 4417 N. Powers Drive
Orlando, Florida điện thoại số (407) 298-1119

Nếu muốn xem và nghe lại các bài thuyết giảng, xin mở mạng lưới toàn cầu của Hội Thánh Cơ-Đốc www.vietnamsda.com

Hoặc nếu muốn nghiên cứu Thánh Kinh Hàm Thụ tại gia miễn phi, xin goi thư về địa chỉ
Orlando Vietnamese SDA Church
P.O Box 608595
Orlando, Florida 32860-8595

Chúng tôi xin kính chào tạm biệt với quí vị thính giả và xin hẹn tái ngộ với quí vị vào lần phát thanh kỳ tới.

Check Also

Cứu Cấp

Vào tháng Giêng năm 2010, Wesley Autrey đang chờ đợi chiếc xe điện ngầm ở …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *