CÂU GỐC: “Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 3:23).
ĐỌC KINH THÁNH TUẦN NÀY: Rô-ma 1:16, 17, 22-32; Rô-ma 2:1-10, 17-23; Rô-ma 3:1, 2, 10-18, 23.
Trong vài chương đầu của bức thư Rô-ma, sứ đồ Phao-lô đã đưa ra một lẽ thật rất quan trọng. Sự dạy dỗ này là trung tâm của Phúc âm về Đức Chúa Giê-su: mọi người đều đã phạm tội. Chúng ta đã ở trong tình trạng này kể từ khi A-đam và Ê-và phạm tội. Tội lỗi đã làm tổn thương tất cả chúng ta. Đó là một phần của chúng ta, giống như màu mắt của mình vậy.
Chúng ta hãy coi Martin Luther viết những gì về sự dạy dỗ của Phao-lô trong sách Rô-ma. Luther là trung tâm của những sự thay đổi bắt đầu cuộc Cải chánh Chống đối (Protestant Reformation). Cuộc Cải chánh Chống đối là một sự đánh thức tôn giáo lớn bắt đầu từ thế kỷ thứ 16. Mục đích chính của phong trào này là thay đổi Giáo hội Công giáo. Sau đó, những thay đổi này đã dẫn tới sự khởi đầu của các giáo phái Tin Lành. Trong thời gian đó, Luther đã viết những lời này về sách Rô-ma, “Ý nghĩa thiêng liêng của câu ‘Mọi người đều đã phạm tội’ phải được hiểu. Phao-lô không nói về việc con người thấy mình hay người khác thế nào. Thay vào đó, ông nói về việc không ai trong chúng ta là một thí dụ hoàn hảo về sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.
Trong mắt Đức Chúa Trời, tất cả đều đã phạm tội. Bây giờ, nhiều người làm việc thiện để tránh bị trừng phạt. Một số làm việc lành để nhận được tình yêu thương, sự giàu có, hoặc sự vinh quang. Nhưng họ không làm từ một tấm lòng sẵn sàng. Kết quả là con người luôn làm việc lành vì những lý do sai lầm; nhưng bên trong, họ đầy dẫy những ước muốn tội lỗi. Sự khát khao những điều xấu xa này chống lại các việc lành.” – Phỏng trích Commentary on Romans, tr. 69.
Xem / Tải về toàn bộ bài học theo liên kết sau đây:
=> Mọi Người Đều Đã Phạm Tội (Bài Học 3, 14 Tháng 10 – 20 Tháng 10)