Trong quyển Cái Cười của Thánh Nhân, nhà văn Saddharma Punduri thuật chuyện một anh mù tự phụ như sau:
Có người kia sinh ra đã mù. Sống trong một gian phòng, nhưng vì anh không thấy gì cả, nên anh phủ nhận tất cả những gì người chung quanh quả quyết là có, Tôi không tin, vì tôi không thấy.”
Một vị lương y đem lòng thương hại, đi tìm cho ra thứ linh dược trên núi về trị cho anh lành bệnh. Anh ta sung sướng tự phụ nói, “Giờ đây tôi thấy được tất cả mọi vật chung quanh tôi rồi!”
Nhưng có người bảo anh ta, “Bạn ơi! bạn chỉ thấy được những vật chung quanh bạn trong căn phòng nhỏ này thôi, nhưng có là bao! Ngoài kia, còn có mặt trời, mặt trăng, cùng các tinh tú hằng hà sa số. Còn biết bao bông hoa đẹp đẽ, mầu sắc lộng lẫy huy hoàng mà bạn chưa thấy.”
Anh chàng không tin. “Làm sao có được những cái đó. Tôi không thấy những vật đó, nên tôi không tin.”
Trên đây là một chuyện ngụ ngôn nhằm răn dạy những ai phủ nhận những gì mắt mình không thấy. Chung quanh ta có vô số vật thể mà mắt thường không thấy được. Chúng có thật đó, nhưng ta không nhìn thấy, hoặc vì quá nhỏ như vi trùng, hoặc quá xa ngoài tầm mắt của ta như các tinh tú xa thẳm trong vũ trụ bao la.
Anh mù này tiêu biểu cho những người vô thần, không tin có Đức Chúa Trời. Lý luận của họ thật giản dị, “Tôi không thấy nên tôi không tin.” Trái lại, đối với những người hữu thần, thì họ tin có Đức Chúa Trời, tin Ngài đã dựng nên vũ trụ và muôn vật, trong đó có địa cầu và loài người.
1. MỌI LOÀI THỌ TẠO ĐỀU DO ĐẤNG SÁNG TẠO DỰNG NÊN
Kinh Thánh có ghi chép công việc Đức Chúa Trời dựng nên trời đất. Nhưng người vô thần hỏi, “Làm sao tôi tin Đức Chúa Trời dựng nên trời đất trong khi tôi chưa từng thấy Ngài bao giờ?” Câu hỏi ấy thật hay. Chúng ta biết rằng mọi vật đều có khởi điểm. Hãy lấy cái ghế để làm ví dụ. Cái ghế tự nhiên mà có chăng? Nó có thình lình xuất hiện trong nhà bạn không?
Bạn trả lời, “Không, tôi mua nó ở tiệm bán đồ gỗ.”
Song cái ghế từ đâu mà có?
Bạn đáp, “Hẳn nhiên người thợ mộc nào đó đã làm nên.”
Bạn có thấy người thợ mộc ấy không?
Bạn đáp, “Không.”
Có người hỏi rằng, “Làm sao bạn biết có người thợ mộc?”
Câu hỏi hơi buồn cười. Sự kiện có cái ghế chứng minh phải có người làm nên. Nếu không, thì đã không có cái ghế.
Khi thấy một chiếc xe hơi, bạn hỏi, “Xe ấy hiệu gì? Hãng nào sản xuất?” Chiếc xe hơi tự nhiên mà có được chăng? Lẽ dĩ nhiên là không. Vậy khi bạn thấy mặt trời, mặt trăng, chim cá, núi non hùng vĩ trùng trùng điệp điệp. . . bạn ắt phải hỏi, “Ai đã tạo nên chúng?”
2. THÂN THỂ CON NGƯỜI CHỨNG MINH HÙNG HỒN PHẢI CÓ ĐẤNG TẠO HÓA
Một ngày nọ, Tâm hỏi một người vô thần là ông có bao giờ nghĩ rằng Đức Chúa Trời hiện hữu chăng.
Người vô thần đáp, “Có chứ!”
Câu trả lời này làm Tâm ngạc nhiên.
Ông giải nghĩa, “Cách đây nhiều năm, lúc đứa con đầu lòng của chúng tôi ra đời, tôi bắt đầu tin nơi Đức Chúa Trời. Khi nhìn đứa bé sơ sinh đẹp đẽ nằm trong nôi, rờ những ngón tay bé nhỏ xinh xắn, và nhìn đôi mắt ngây thơ vô tội, tôi thấy đây là một phép lạ. Trong nhiều tháng tôi cảm thấy hình như mình không còn là vô thần nữa. Đứa con nhỏ đã dần dần thuyết phục tôi rằng phải có Đức Chúa Trời.”
Sự huyền diệu của thân thể con người cho ta biết phải có Đấng Tạo Hóa. Các khoa học gia khám phá rằng bộ óc con người lưu giữ vô số dữ kiện. Bộ óc có khả năng giải quyết mọi nan đề, từ chuyện biết thưởng thức những vẻ đẹp trong thiên nhiên, đến các vấn đề trong lòng như yêu, thương, giận, ghét. . .
Thân thể chúng ta là công trình tuyệt tác của Đức Chúa Trời. Không một máy bơm nào có thể so sánh với trái tim của con người. Không một màng lưới điện toán nào có thể ngang hàng với hệ thống thần kinh của chúng ta. Không một máy truyền hình nào hữu hiệu như cặp mắt, đôi tai, hay giọng nói của con người. Không một hệ thống điều hòa không khí nào có thể làm việc được như lỗ mũi, làn da, hay bộ máy hô hấp của chúng ta. Không một hãng xưởng nào có thể so sánh được với lá gan, điều hành tới hơn năm trăm công việc khác nhau. Sự phức tạp của thân thể con người là “công trình” lạ lùng vĩ đại của Đấng Tạo Hóa—Đức Chúa Trời.
Thân thể con người là một bộ máy hoàn hảo tuyệt vời, tất cả đều liên hệ với nhau theo một hệ thống cực kỳ tinh xảo. Hai lá phổi, trái tim, hệ thống thần kinh, và các bắp thịt, tất cả đều làm những công việc hết sức phức tạp. Không những thế, mỗi bộ phận còn liên hệ vào sự hoạt động hỗ tương với các bộ phận khác.
Có người cho rằng loài người ngẫu nhiên mà có. Nhưng theo định luật toán học thì không thể có sự ngẫu nhiên. Nếu bạn lấy mười đồng xu, đánh dấu từ một đến mười, rồi bỏ mười đồng này vào trong một cái túi, trộn lẫn nhau, rồi rút ra từng đồng một. Bạn có thể rút ra từng đồng theo thứ tự từ một tới mười không? Theo luật toán học, bạn chỉ được một dịp may trong l0 tỷ lần mà thôi. Kể cũng như xuống biển mò kim vậy.
Thế thì, có bao nhiêu dịp may để dạ dày, khối óc, trái tim, mạch máu, gan, phổi, tay, chân, v. v. kết hợp với nhau theo đúng thứ tự, và hoạt động nhịp nhàng? Chính vì thế mà sự diệu kỳ của thân thể chúng ta chứng minh rằng phải có Đấng Tạo Hóa—một Đức Chúa Trời toàn năng toàn tri.
3. THIÊN NHIÊN BÀY TỎ ĐẤNG TẠO HÓA
Những bằng chứng về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời không phải chỉ giới hạn trong việc tạo dựng thân thể con người. Công việc của tay Ngài còn bày tỏ trong thiên nhiên. Khi nghiên cứu về nguồn gốc của muôn vật, người ta tự hỏi: Vũ trụ tự nhiên xuất hiện chăng? Địa cầu có thể tự tạo không? Không thể được! Mọi vật đều phải có Đấng tạo nên. Khi bạn chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên: đóa hoa đầy hương sắc, cây cao ngất trời, đồng cỏ xanh tươi, chim hót líu lo. . . bạn không thể phủ nhận sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa toàn năng.
Hãy ngước mắt nhìn lên bầu trời lúc hoàng hôn. Ráng chiều rực rỡ nhuộm ánh lửa hồng, ở hướng tây nơi vầng kim ô vừa lặn. Đó là Đức Chúa Trời, Đấng Họa Sĩ đại tài, vẽ lên bầu trời một bức tranh huy hoàng tuyệt tác. Người nào nhìn vẻ tuyệt vời của cảnh chiều tà mà bảo rằng không có Đức Chúa Trời?
Khi màn đêm buông xuống, Đấng Họa Sĩ vĩ đại của mọi họa sĩ tài ba, tô điểm bầu trời với những vì sao lóng lánh, xuất hiện trên nền trời như những hột kim cương quý giá. Đã bao giờ bạn thử đếm sao chưa? Các nhà thiên văn khám phá rằng, trong những đêm trời quang đãng, mắt ta có thể trông thấy lối hai ngàn ngôi sao. Với thiên lý kính, ta có thể chụp hình được 1,000,000,000 (một tỷ) ngôi sao.
Diệu kỳ hơn nữa là những thiên thể ấy không phải là những vật bất động. Mặt trăng vận hành chung quanh trái đất. Trái đất quay trên trục nó một vòng mỗi 24 tiếng đồng hồ, và vận hành chung quanh mặt trời với tốc độ 66,000 dặm một giờ. Mặt trời di chuyển độ 750 dặm một phút. Mặt trời của ta chỉ là một trong số hằng tỷ tinh tú chuyển động không ngừng trong giải ngân hà. Giải ngân hà cũng có hằng tỷ mặt trời sáng rực rỡ như mặt trời của chúng ta. Nhưng giải ngân hà này cũng chỉ là một trong hằng tỷ giải ngân hà khác, đương vận hành với tốc độ kinh khủng mà chúng ta không thể tưởng tượng được, theo quỹ đạo cố định, trong một không gian bao la vô tận.
Thưa các bạn, ngoài Đức Chúa Trời còn ai có thể sáng tạo được những thiên thể rất phức tạp trong vũ trụ bao la này? Ngoài Đấng Tạo Hóa toàn năng, còn ai có thể hướng dẫn vô số tinh tú vận hành cực kỳ chính xác như vậy mà không xảy ra một tai nạn hay một sự va chạm nào? Khi các khoa học gia phóng một phi thuyền lên không gian nặng độ một tấn, ta cho rằng đó là một chuyện tuyệt vời, và không ngớt lời ca tụng kỳ công của con người. Nhưng địa cầu của chúng ta nặng 6,600,000,000,000,000,000,000 (6,600 tỷ tỷ) tấn, và mặt trời của chúng ta lớn đến nỗi có thể chứa được 1,000,000 (1 triệu) trái đất!
Như thế đủ thấy con người nhỏ bé đến mực nào! Và Đức Chúa Trời vĩ đại biết bao! Nhiều khoa học gia ngày nay tin vào Đức Chúa Trời. Tiến sĩ vật lý Arthur Compton, được giải thưởng Nobel, bình luận như sau, “Đối với tôi, đức tin bắt đầu khi tôi ý thức rằng có một Đấng Toàn Năng tạo nên vũ trụ và loài người. Tin tưởng vào điều này không có chi khó, vì nơi nào có chương trình thì phải có một tác giả tạo nên nó. Một vũ trụ có trật tự, diệu kỳ chứng minh có Đấng Tạo Hóa.” Kinh Thánh chép, “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất” (Sáng thế Ký 1:1).
Tiến sĩ Arthur Conklin, nhà sinh vật học nổi tiếng viết, “Nếu nói rằng sự sống khởi đầu từ một sự ngẫu nhiên, thì cũng như nói rằng bộ tự điển bách khoa toàn hảo là kết quả của một tiếng nổ trong nhà in.”
Chúng ta biết rằng loài người không thể sáng chế được một vật gì từ chỗ không không. Ta có thể xây cất, biến chế, hoặc lắp ráp một vật gì, nhưng không thể tạo nên một con kiến nhỏ bé nhất, hay một đóa hoa đơn giản nhất. Những vật sống động quanh ta chứng minh rằng Đức Chúa Trời đã sáng tạo và bảo tồn. Chỉ có một câu trả lời có thể tin được về nguồn gốc của các loài thọ tạo—đó là Đức Chúa Trời đã tạo nên muôn vật.
Người Việt Nam từ xưa đã tin Trời hay Ông Trời là Đấng Tạo Hóa:
“Trời sinh Trời dưỡng,”
“Trời sinh voi sinh cỏ.”
Người ta cầu khẩn với Trời:
“Lạy Trời mưa xuống,
Lấy nước tôi uống,
Lấy ruộng tôi cày,
Lấy đầy bát cơm,
Lấy rơm đun bếp.”
Những câu ca dao trên đây công nhận Trời là Đấng Tạo Hóa. Trong đạo Cơ Đốc, chúng ta xưng Đấng Tạo Hóa là Đức Chúa Trời. Ngài là Đấng đầy tình thương, đã tạo dựng, nuôi dưỡng và bảo tồn chúng ta. Ngài dạy chúng ta gọi Ngài bằng Cha, vì Ngài yêu thương chúng ta như một người Cha thật tốt đối với con cái mình. Ngài quan tâm đến mọi nhu cầu cần thiết, và những niềm vui nỗi buồn của chúng ta. Nếu chúng ta muốn, Ngài sẽ nắm tay và dìu dắt chúng ta trên đường đời.
4. ĐỨC CHÚA TRỜI TƯƠNG GIAO VỚI LOÀI NGƯỜI
Đức Chúa Trời muốn có mối tương giao mật thiết với chúng ta. Kinh Thánh chép ngày xưa Ngài từ trời xuống nói chuyện mặt đối mặt với Môi-se thế nào, thì ngày nay Ngài cũng muốn nói chuyện với quí bạn thể ấy. Ngài ban cho ta một khát vọng về tôn giáo. Không một con vật nào xây bàn thờ để thờ phượng. Nhưng bất cứ nơi nào có loài người là nơi đó có sự thờ phượng. Trong tâm linh mỗi người cần phải có sự tôn thờ một Đấng nào đó.
Trong thập niên 1990, rất nhiều khoa học gia ở Liên Xô quay về với Đức Chúa Trời. Một giáo sư đại học ở St. Petersburg tuyên bố một câu tiêu biểu cho những người vô thần đã hoán cải, “Tôi đã tìm kiếm ý nghĩa của cuộc đời trong các công trình nghiên cứu khoa học, nhưng không thấy điều gì đáng tin cậy. Các khoa học gia chung quanh tôi cũng cảm thấy thâm tâm trống rỗng.
Nhìn lên vũ trụ bao la khi nghiên cứu về thiên văn học, và sự trống rỗng trong tâm hồn, tôi cảm thấy rằng đời sống phải có ý nghĩa gì. Rồi, khi tôi nhận được quyển Kinh Thánh bạn tặng và bắt đầu đọc, khoảng trống trong tôi được lấp đầy. Kinh Thánh là nguồn tin cậy của tâm hồn tôi. Tôi đã chấp nhận Đức Chúa Giêsu là Cứu Chúa, và đã tìm được sự bình an và thỏa mãn thật trong cuộc đời.”
Trong thâm tâm, mỗi người đều có khát vọng về Đức Chúa Trời. Khi một cá nhân nghe theo ước vọng ấy mà tìm Đức Chúa Trời, thì sẽ gặp Ngài. Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa cao cả sẽ thỏa mãn mọi nhu cầu và khát vọng của lòng người. Bạn ơi, hãy ngước mắt nhìn lên, bạn sẽ thấy Đức Chúa Trời từ ái đang âu yếm nhìn xuống bạn.
Tải về bài học (pdf) theo liên kết sau đây:
Hữu Thần Hay Vô Thần? (Bài 2 – Con Đường Sống)
Tải về file trắc nghiệm (pdf) theo liên kết sau đây:
Trắc Nghiệm Bài Hữu Thần Hay Vô Thần? (Bài 2 – Con Đường Sống)
Bài học 3 sẽ giải đáp câu hỏi:
CHÚA BÀY TỎ NGÀI BẰNG CÁCH NÀO?
Tiếng Nói Hy Vọng, P.O. Box 5704, El Monte, CA 91734