Chương 5. Đấng Hòa Giải
Những chữ đầu tiên trong sách Khải huyền chúng ta đang nghiên cứu là “Sự mặc thị của Đức Chúa Giê-su Christ.” Đó là tại sao những lời tiên tri của Giăng được gọi là Khải huyền. Đây là sự khải thị từ Đức Chúa Giê-su về chính Ngài. Vài câu sau, để không còn chút nghi ngờ về nhân vật chính của sách này, Giăng đã giới thiệu Đức Chúa Giê-su Christ là, “Đấng làm chứng thành tín, sanh đầu nhất từ trong kẻ chết và làm Chúa của các vua trong thế gian! Đấng yêu thương chúng ta, đã lấy huyết mình rửa sạch tội lỗi chúng ta. . . đáng được sự vinh hiển và quyền năng đời đời vô cùng” (Khải huyền 1:5, 6).
Đức Chúa Giê-su Christ là nhân vật chính của sách Khải huyền. Ngài hiện diện trên khắp các trang sách này. Hãy chú ý cách Ngài được diễn tả:
• Khải huyền 1:8 _ “là An-pha và Ô-mê-ga” (là Đầu tiên và Cuối cùng), luôn luôn hiện hữu.
• Khải huyền 5 _ là Đấng duy nhất có thể mở quyển sách phán xét và cứu chuộc chúng ta.
• Khải huyền 12:5 _ là Con Trai, sinh ra bởi người nữ đồng trinh, là Đấng Cứu Thế quyền phép.
• Khải huyền 14:14 _ là Con người với lưỡi liềm bén trong tay để gặt mùa màng cuối cùng.
• Khải huyền 15 _ là Đấng chiến thắng, được ngợi khen với Đức Chúa Cha giữa biển bằng pha-ly.
• Khải huyền 19:7-9 _ là Chàng Rể sửa soạn tiệc cưới cho dân Ngài.
• Khải huyền 19:11 _ là Đấng Giải Cứu, cỡi ngựa bạch đến cứu chúng ta.
• Khải huyền 19:16 _ là Vua của các vua và Chúa của các chúa.
• Khải huyền 21 _ là Đấng làm mọi sự nên mới, dựng nên trời mới và đất mới.
• Khải huyền 22:12, 20 _ là Đấng lặp lại lời hứa chắc chắn, “Này, ta đến mau chóng.”
Như vậy, Đức Chúa Giê-su đã hiện ra nhiều lần trong sách Khải huyền, nhưng một hình ảnh được nhắc đến nhiều hơn hết: Đức Chúa Giê-su là Chiên Con của Đức Chúa Trời. Ngài được gọi là Chiên Con cả thảy 27 lần trong Khải huyền. Trong Khải huyền 5:6 Giăng nói, “Tôi lại thấy chính giữa ngôi. . . Chiên Con ở đó như đã bị giết.” Trong Khải huyền 13:8 gọi Chiên Con là Đấng “đã bị giết từ buổi sáng thế.” Trong đoạn 14, Chiên Con lại xuất hiện; những kẻ được chuộc bao quanh ngôi Ngài và ngợi khen Ngài đời đời. Trong đoạn kế tiếp, những kẻ trung tín đứng trên biển pha ly, và hát bài ca của Chiên Con, kêu lên rằng, “Công việc Chúa lớn lao và lạ lùng thay! Hỡi Vua của muôn đời, đường lối Ngài là công bình và chân thật!” (Khải huyền 15:3).
Đức Chúa Giê-su, Chiên Con của Đức Chúa Trời, là trung tâm của sách Khải huyền. Và điều kỳ diệu hơn hết là Chiên Con đối diện với mọi điều gian ác, hiểm độc, tượng trưng bằng con thú bảy đầu, con rồng sắc đỏ, người nữ tà dâm, một vương quốc bại hoại gọi là Ba-by-lôn, và nhiều tai họa khác. Nhưng cuốn sách này có một sứ điệp tuyệt vời cho chúng ta: Khi quyền lực của ma quỷ hiệp lại để tranh chiến với Chiên Con, thì Chiên Con sẽ thắng chúng và tất cả chúng ta cũng sẽ chiến thắng với Ngài! “Chúng chiến tranh cùng Chiên Con, Chiên Con sẽ được thắng, vì là Chúa của các chúa, Vua của các vua; và những kẻ được kêu gọi, những kẻ được chọn cùng những kẻ trung tín đều ở với Chiên Con, cũng thắng được chúng nữa” (Khải huyền 17:14).
Chiên Con Của Đền Thánh Bị Giết. Chiên Con bị giết là hình ảnh của Đấng Christ bị đóng đinh trên thập tự giá. Trong Cựu Ước, sự hy sinh của Ngài được tiêu biểu bằng nhiều nghi lễ khác nhau trong đền thờ Hê-bơ-rơ. Khi một người phạm tội, Đức Chúa Trời đã truyền những lời chỉ dạy sau đây trong Lê-vi Ký 5:5, 6, “Vậy, khi nào ai mắc tội về một trong các điều nầy, thì phải xưng mình phạm tội chi, rồi vì tội mình đã phạm, dẫn đến Đức Giê-hô-va một con cái trong bầy súc vật nhỏ. . . đặng làm của lễ chuộc tội.”
Hãy trở lại đền thánh hay đền tạm và thử tưởng tượng một nghi lễ có ý nghĩa gì đối với người phải tranh đấu với tội lỗi: tội nhân đem một con chiên nhỏ, trong sạch, không tì vết. Khi người ấy dẫn con chiên đi qua các đường phố, bao nhiêu bạn bè, người thân và khách lạ đều biết người đi đâu, để làm gì. Người đem con chiên đến đền thờ để làm của lễ chuộc tội cho mình. Con chiên vô tội, không tật nguyền ấy sẽ bị cắt cổ. Tội nhân làm điều này bởi vì trong lòng người một cảm giác tội lỗi nung đốt. Nơi đền thờ, người đứng chờ với những tội nhân khác. Người nhìn các thầy tế lễ cử hành nghi lễ cổ truyền này. Rồi một thầy tế lễ tiến tới, đã đến phiên người. Người đặt tay trên đầu con chiên và xưng tội mình, tránh nhìn đôi mắt vô tội của chiên. Rồi người nâng đầu chiên, đưa dao lanh lẹ cắt cổ chiên, máu chiên tuôn trào xuống đất. Con chiên đạp một cái và gục xuống. Thầy tế lễ dùng thau hứng lấy máu, và người phụ tá đem xác chiên đến bàn thờ và rưới huyết chung quanh bàn thờ. Họ đặt con chiên lên bàn thờ và đốt lửa; một luồng khói đen bay lên, tan loãng trong bầu trời xanh, và tội nhân cảm thấy được tha thứ. Của lễ hy sinh vô tội chỉ về sự tha thứ thiên thượng.
Đó là nghi lễ tại bàn thờ của lễ thiêu mà người Do Thái thời xưa đã làm nơi đền thánh. Ngoài sự đau buồn là tội lỗi dẫn đến sự chết (Rô-ma 6:23 và Gia-cơ 1:15), có hai điều phước hạnh trong nghi lễ Chúa truyền.
1. Người ta nhận trách nhiệm về tội mình đã phạm. Người ta can đảm đứng lên nhận tội và xưng tội. Không chối cãi hay bào chữa. Con người ngày nay thường phủ nhận tội mình và tìm cách bào chữa. Lẽ thật căn bản về tội lỗi của nhân loại là càng phủ nhận, người ta càng không bao giờ thoát khỏi quyền lực của tội mình đã phạm. Đó là lý do tại sao người ta dẫn con chiên đến đền thờ vì họ nhận trách nhiệm về tội mình.
2. Nhưng họ còn chấp nhận một điều khác nữa là chính cá nhân không thể tự chuộc tội cho mình. Giết con chiên không tì vết là một hành động của đức tin—một người khác sẽ lãnh tội và chuộc tội cho mình.
Rô-ma 6:23 nói rõ ràng, “Tiền công của tội lỗi là sự chết.” Trong Cựu Ước, khi tội nhân xưng tội, thì tội của người, theo nghĩa hình bóng, được chuyển sang đầu chiên. Chiên lãnh tội thế cho người. Tội nhân được sống. Con chiên phải chết. Con chiên chỉ về Đức Chúa Giê-su, “Chiên Con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian đi” (Giăng 1:29). Huyết của thú vật không thể cứu ai khỏi tội (Hê-bơ-rơ 10:4), nhưng chỉ về Đấng duy nhất có thể cứu chúng ta khỏi tội (Hê-bơ-rơ 10:10-14).
Sự dày vò của tội lỗi kín giấu có thể hủy hoại sức khỏe chúng ta. Sự tha tội thật sự phải đến từ một Đấng duy nhất mà thôi: Đó là Đức Chúa Trời. Khi chúng ta phạm tội, sự tha tội phải đến từ Đấng ban Luật pháp. Vì thế, Đấng Christ đã đổ huyết Ngài trên thập tự giá như Chiên Con không tì vết của Đức Chúa Trời. Ngài đã gánh lấy tội lỗi chúng ta và ban cho chúng ta sự công bình của Ngài. Sứ đồ Phao-lô giải nghĩa rõ ràng trong II Cô-rinh-tô 5:21, “Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta nhờ Đấng đó mà được trở nên sự công bình của Đức Chúa Trời.” Đấng Christ không hề phạm tội. Ngài sống một cuộc đời vô tội, trọn vẹn; nhưng Ngài trở nên tội lỗi bằng cách gánh lấy tội lỗi chúng ta.
Hãy đọc trong Rô-ma 6:23 một lần nữa. Câu này nói rằng, “sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Giê-su Christ, Chúa chúng ta.” Ê-phê-sô 2:8, 9 nhấn mạnh điều này, “Nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình.”
Nhưng tin vui mừng hơn hết là: Sự tha thứ—sự sống đời đời—là một món quà, một tin vui tuyệt diệu nhất. Không có ân điển, chúng ta đều đi vào con đường cùng. Xin hãy để món quà nhiệm mầu của Đức Chúa Giê-su biến đổi đời bạn. Bạn đã tìm được sự an bình và tha thứ trong đời mình chưa? Bạn đã đến chân thập tự giá để giải quyết vấn đề tội lỗi mình chưa? Hãy đến cùng Chiên Con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian.
TRẮC NGHIỆM – 5
1. Có những người phủ nhận tội mình, nói rằng, “Ta giàu, ta nên giàu có rồi, không cần chi nữa; song ngươi không biết rằng mình _____ _____ , ______ ______ , _______ ________ , _______ _______, và ______ _____.”
(Hãy xem Khải huyền 3:17.)
2. o Đúng o Sai
Đức Chúa Trời muốn gây ấn tượng sống động cho dân sự trong thời Cựu Ước về nguyên nhân và hậu quả của tội lỗi và sự chết, khi Ngài dạy họ bất cứ người nào, từ thường dân đến vua chúa, phải xưng tội mình trên đầu con sinh tế và tự tay mình giết con sinh tế ấy để chuộc tội mình.
(Hãy xem Lê-vi Ký 4:22-30.)
3. Kinh Thánh nói rõ ràng, “Tiền công của ______ ______ là ____ _______ ; nhưng sự ______ ______ của Đức Chúa Trời là _____ _______ đời đời trong Đức Chúa Giê-su Christ, Chúa chúng ta.”
(Hãy xem Rô-ma 6:23.)
4. Những kẻ sợ hãi không muốn đến cùng Chúa đã quên lời hứa của Ngài, “Ta đã đến, hầu cho chiên được _____ _______ , và được _____ _______ dư dật.”
(Hãy xem Giăng 10:10.)
5. Nhiều người làm cho sự cứu rỗi trở nên phức tạp, nhưng Kinh Thánh nói rất đơn giản rằng, “Ai có Đức Chúa Con thì có ______ _________ ; ai không có Con Đức Chúa Trời thì ________ _____ sự sống.”
(Hãy xem I Giăng 5:12.)