Home / Dưỡng linh / Lời sống hằng ngày / Niềm Hy Vọng Thế Giới (Bài 7 – CON ĐƯỜNG SỐNG)

Niềm Hy Vọng Thế Giới (Bài 7 – CON ĐƯỜNG SỐNG)

Cách Denver, Colorado, độ 80 cây số là dãy núi Great Continental Divide. Trong dãy núi này có đường hầm danh tiếng Moffat chạy xuyên qua ngọn núi James, cách đỉnh núi 1,000 mét và cao hơn mặt biển độ 4,000 mét.

Những giọt nước mưa rơi trên triền đông đỉnh James lăn xuống khe Boulder, chảy ra Đại Tây dương, qua ngã vịnh Mễ- tây-cơ là nơi tung hoành của những trận cuồng phong dữ dội.

Những giọt nước mưa rơi trên triền tây đỉnh James, lăn xuống khe Fraser, tìm đường ra biển cả mênh mông nhưng lặng sóng, mà Balboa là người đã khám phá ra đại dương này, đặt tên là Thái Bình dương.

Mỗi người chúng ta khác nào những giọt nước mưa rơi trên đỉnh James. Chúng ta đứng giữa hai ngả đường. Bên trái là con đường bất phục tùng dẫn đến sự chết và diệt vong. Bên phải là con đường vâng phục dẫn đến sự sống và bình an đời đời. Ê-sai 48:18 viết, “Ước gì ngươi đã để ý đến các điều răn ta! thì sự bình an ngươi như sông, và sự công bình ngươi như sóng biển.”

Nhân loại luôn cảm thấy cô đơn từ khi A-đam và vợ ăn trái cấm. Mặc cảm về tội lỗi làm họ hổ thẹn và sợ hãi, đã khiến hai người chạy trốn khi Chúa đến thăm họ (Sáng thế Ký 3:8). Vô phước thay, chúng ta cũng rất quen thuộc với những cảm xúc này. Điều gì khiến có sự phân rẽ giữa chúng ta và Đức Chúa Trời? Chính tội lỗi đã phân rẽ chúng ta khỏi Ngài (Ê-sai 59:2). Ngài không tránh A-đam và Ê-va, chính họ đã chạy trốn Ngài.

1. MỘT TIA HY VỌNG

Sau khi A-đam và Ê-va phạm tội, Đức Chúa Trời không bỏ họ, nhưng ban cho họ một tia hy vọng. Ngài phán cùng con rắn là Ngài sẽ làm cho nó cùng người nữ, dòng dõi nó cùng dòng dõi người nữ nghịch thù nhau. “Người sẽ giày đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chân người” (Sáng thế Ký 3:15). Ngài có ý định gì khi hứa như vậy? Dòng dõi người nữ là ai? Chắc chắn lúc đó Ngài đã có chương trình để cứu nhân loại, và một người thuộc dòng dõi của Ê-va sẽ tranh chiến với Sa-tan.

2. NỐI LẠI NHỊP CẦU ĐÃ GÃY

Tội lỗi đem lại sự đau khổ và cô đơn cho nhân loại. Đức Chúa Trời rất đau lòng khi thấy A-đam và Ê-va quay lưng lẩn trốn Ngài. Ngài buồn rầu khi nhân loại bị chìm trong đau khổ. Ngài muốn chữa lành vết thương lòng của chúng ta, bởi vậy, Ngài không đứng nhìn từ bên kia bờ vực thẳm phân rẽ chúng ta 3 với Ngài, mà Ngài quyết định bắc nhịp cầu ngang qua vực sâu của tội lỗi và sự chết để chúng ta có thể đến với Ngài.

Vì thế Đức Chúa Trời đã ban Con Một của Ngài cho nhân loại, đó là Đức Chúa Giê-su, Chúa Cứu Thế, là Đấng đã phó sự sống, chịu án tử hình thay cho chúng ta. Sự sống, sự chết và sự sống lại của Ngài khiến chúng ta được tha thứ và được cứu. Điều này bày tỏ cho cả vũ trụ thấy rõ bản tính thật của Ngài và Sa-tan. Thân thể đầy thương tích của Ngài trên thập tự giá như một cái thang đã cứu loài người thoát khỏi hố sâu tội lỗi. Tình yêu của Đức Chúa Trời chính là nhịp cầu cứu rỗi, khiến cho những ai tin nơi Đấng Christ có thể bước qua chiếc cầu này để vào thiên quốc.

3. BẢY ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ ĐỨC CHÚA GIÊ-SU

Sau đây là bảy điều kỳ diệu về Đức Chúa Giê-su. Không một người phàm nào có thể hội đủ những điều này.

(1) Đức Chúa Giê-su Từ Trời Xuống

Đức Chúa Giê-su đã hiện hữu từ khi nào? Ngài phán, “Trước khi chưa có Áp-ra-ham, đã có Ta” (Giăng 8:58). Ngài tuyên bố “Đã có Ta!” Ngài đã có từ trước vô cùng. Dù được sanh ra bởi một trinh nữ, nhưng Ngài không phải là một người thường. Ngài là Đức Chúa Trời nhập thể. Trước khi Ngài giáng sinh, một thiên sứ đã hiện đến cùng Giô-sép trong giấc chiêm bao mà phán rằng, “Người [Ma-ri] sẽ sanh một con trai. . . . Rồi người ta sẽ đặt tên con trai đó là Em-ma-nu-ên, nghĩa là: Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta” (Ma-thi-ơ 1:21, 23).

Hơn 500 năm trước khi Chúa giáng sinh, đã có hơn ba trăm lời tiên tri về Ngài. Kinh Thánh nói sẽ có một Con Trẻ sanh ra, là “Đấng Mưu luận, là Đức Chúa Trời Quyền năng, là Cha Đời đời, 4 là Chúa Bình an” (Ê-sai 9:5).

Hết thảy những lời tiên tri này đều ứng nghiệm 500 năm sau. Điều này chứng tỏ Kinh Thánh là lời của Đức Chúa Trời. Lời đó giúp ta tin Đức Chúa Giê-su là Đức Chúa Trời toàn năng, và Ngài cũng là Đấng Tạo Hóa của vũ trụ. Chính Ngài đã dựng nên chúng ta và sẵn sàng đến thế gian để cứu chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết (Giăng 1:1-3, 14).

(2) Đức Chúa Giê-su Sống Một Cuộc Đời Vô Tội

Kinh Thánh viết rằng Đức Chúa Giê-su bị thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng hề phạm tội (Hê-bơ-rơ 4:14, 15). Ngài không chỉ dạy chúng ta đừng phạm tội và phải sống đời trong sạch, chính Ngài đã sống như con người để làm gương cho chúng ta, giúp ta có thể sống như Ngài đã sống.

Sa-tan liên tục cám dỗ Đức Chúa Giê-su để cho phạm tội. Nơi đồng vắng, nó đã dụ dỗ Ngài dữ dội (Ma-thi-ơ 4:1-11). Trong vườn Ghết-sê-ma-nê, đêm trước khi Ngài chịu chết, áp lực của sự cám dỗ mạnh mẽ đến nỗi mồ hôi Ngài nhỏ xuống như máu (Lu-ca 22:44).

Nhưng Chúa Giê-su đã đứng vững trước mọi cám dỗ mà “chẳng phạm tội.” Vì Ngài đã sống đời phàm nhân nên từng trải hết thảy mọi khó khăn và thử thách ở đời, vì thế Ngài cảm thông những nỗi khó khăn, những sự cám dỗ đến với chúng ta. Ngài “cảm thương sự yếu đuối chúng ta” (Hê-bơ-rơ 4:15).

Đức Chúa Giê-su sống một cuộc đời đầy tốt lành và hoàn toàn vô tội. Nhưng muốn cứu chuộc thế gian, Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng vô tội thành tội lỗi vì chúng ta. Đức Chúa Giê-su đã chiến thắng mọi thử thách và sống cuộc đời trong sạch. Ngài ban cho chúng ta đời sống vô tội của Ngài để thay thế cho đời 5 sống tội lỗi của chúng ta. Nhờ đó chúng ta có thể trở nên vô tội như Ngài (II Cô-rinh-tô 5:21).

(3) Đức Chúa Giê-su Chết Để Cất Đi Tội Lỗi

Bao nhiêu người đã phạm tội? Tất cả mọi người đều phạm tội (Rô-ma 3:23). Hậu quả của tội lỗi là gì? Hậu quả của tội lỗi là sự chết. Không ai có thể cứu chúng ta khỏi sự chết này ngoài Đức Chúa Giê-su. Kinh Thánh nói sự ban cho (món quà) của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Giê-su (Rô-ma 6:23).

Tại sao Đức Chúa Giê-su phải chết? Ngài tình nguyện chết thế cho chúng ta. Khi thấy Đức Chúa Giê-su, Giăng Báp-tít nói, “Kìa, Chiên Con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian đi!” (Giăng 1:29). Tất cả chúng ta đã phạm tội và phải chết, nhưng Đấng Christ đã chết thế cho chúng ta. Ngài trở nên “tội lỗi vì chúng ta.” Ngài chịu án tử hình thế cho chúng ta.

Đức Chúa Giê-su đã hy sinh cuộc đời hoàn hảo của Ngài như một món quà đầy tình yêu thương cho chúng ta. Tình yêu ấy vượt quá sự thông hiểu của con người hữu hạn. Chúng ta lấy một ví dụ để hiểu thêm phần nào tình thương siêu việt ấy. Bạn gặp một người ăn xin ốm yếu, quần áo rách tả tơi và bẩn thỉu. Bạn động lòng thương xót nên cởi bộ quần áo sạch sẽ, mắc tiền của mình đổi lấy quần áo người ấy. Đấng Christ đã đổi cho chúng ta món quà quý giá hơn thế rất nhiều. Ngài đổi đời sống vô tội của Ngài để lấy đời sống hoen ố tội lỗi của chúng ta.

Thỉnh thoảng ta nghe hay đọc trong báo chí những anh hùng sẵn sàng hy sinh sự sống mình cho người khác. Cách đây ít lâu, một chiêu đãi viên hàng không bị phỏng nặng mà chết vì cô ta đã quên mình để cứu sống nhiều hành khách trên phi cơ bị phát hỏa. Gần đây có chuyện một đứa bé bị chết ngạt trong khói vì cố cứu hai đứa em mình. Có người nhảy xuống sông để cứu những người bị 6 chết đuối, rồi chính mình lại bị kiệt sức mà chết. Đọc những chuyện anh hùng đầy dũng cảm này, lòng ta vô cùng cảm động, và mến phục những người xả thân làm việc nghĩa. Cũng một thể ấy, Đức Chúa Giê-su là vị anh hùng của cả nhân loại. Ngài đã xả thân vì mọi người! Ngài đã chết vì bạn để bạn có thể sống cuộc đời hạnh phúc vĩnh cửu với Ngài.

(4) Đức Chúa Giê-su Sống Lại Từ Trong Mồ Mả

Cái chết của Đức Chúa Giê-su trên thập tự giá không phải là chấm dứt câu chuyện về Ngài. Nếu Ngài không sống lại thì đức tin của chúng ta là vô ích vì Ngài không thể cứu chúng ta khỏi sự chết (I Cô-rinh-tô 15:17, 18).

Mô-ha-mét, Phật Thích ca, hay Khổng Tử đã để lại cho hậu thế những triết lý cao cả. Họ đã ảnh hưởng hằng triệu người, nhưng họ không chiến thắng sự chết và không có quyền ban sự sống. Họ vẫn còn nằm trong mồ mả. Còn Đức Chúa Giê-su sau ba ngày nằm trong mồ đã sống lại. Ngài tuyên bố, “Ta là sự sống lại và sự sống” (Giăng 11:25).

Chúa Giê-su vẫn còn sống! Và Ngài sống đời đời (Khải huyền 1:9). Vì có quyền năng trên sự chết, Ngài sẽ giải cứu chúng ta khỏi sự chết, và ban cho chúng ta sự sống đời đời.

(5) Đức Chúa Giê-su Đã Lên Trời

Bốn mươi ngày sau khi sống lại, Đức Chúa Giê-su từ giã các môn đồ để trở về trời (Công vụ các Sứ đồ 1:9). Ngài hứa, “Ta đi sắm sẵn cho các ngươi một chỗ” (Giăng 14:2). Ôi! Lời hứa quý báu thay! Ngài đã thăng thiên và sắm sẵn một chỗ cho bạn.

(6) Đức Chúa Giê-su Làm Đấng Cầu Thay

Đức Chúa Giê-su đã đến thế gian, đã sống, đã chết, đã sống lại, và Ngài thăng thiên chỉ với mục đích duy nhất là để 7 hoàn tất sự cứu rỗi chúng ta (Khải huyền 1:17, 18). Bây giờ ở trên trời, Ngài làm Đấng Cầu thay (Hê-bơ-rơ 7:25), hay là Đấng Trung Bảo của chúng ta (Hê-bơ-rơ 8:6). Ngài thường xuyên đem sự cứu rỗi đến cho mọi người.

(7) Đức Chúa Giê-su Sẽ Trở Lại

Trước khi về trời, Ngài đã hứa gì? “Ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với Ta” (Giăng 14:3). Khi trở lại, Ngài sẽ giải cứu chúng ta khỏi tội lỗi, bệnh tật, đau khổ, và sự chết. Ngài sẽ đem chúng ta lên đến một thế giới mới để có một cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu.

4. TÌNH YÊU ĐƯỢC THỂ HIỆN BẰNG VIỆC LÀM

Đức Chúa Cha được tỏ bày cách vinh hiển nhất khi Con Ngài bị treo trên thập tự giá “Giờ đã đến; xin làm vinh hiển Con, hầu cho Con cũng làm vinh hiển Cha” (Giăng 17:1).

Mọi người sẽ thấy rõ là “Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16).

Trong cả Kinh Thánh không chỗ nào hình ảnh Đức Chúa Trời được bày tỏ rõ ràng như ở đây. Đức Chúa Trời là sự yêu thương, nên Ngài mới quyết định—một quyết định vô cùng cao cả—nhập thể, và chết thế cho loài người. “Đấng Christ chết vì tội lỗi chúng ta” (I Cô-rinh-tô 15:3). Ngài chết để ban cho những ai chấp nhận Ngài được sự sống đời đời, một cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu trên thiên quốc.

Tại sao Đức Chúa Trời làm như vậy? Tất cả chỉ vì tình yêu thương. Ngài yêu thương chúng ta là những kẻ được tạo nên theo hình ảnh của Ngài nên Ngài không thể để chúng ta chết mất. Loài người phạm tội nên phải chết (Rô-ma 6:23). Nhưng Ngài “không muốn cho một người nào chết mất” (II Phi-e-rơ 3:9).

Chính vì thế Đức Chúa Trời nhập thể qua hình hài Chúa Giê-su, xuống thế gian gánh lấy tội lỗi chúng ta. Mặc dù vô tội, Ngài chịu hình phạt như một kẻ có tội, thế cho chúng ta. Nhờ sự chết của Ngài mà một ngày kia thế giới được phục hồi, trở thành 8 toàn thiện như lúc ban đầu.

Chuyện kể rằng một người lính trẻ vác cây cờ đi trước đạo binh để tiến vào đất địch, trực diện với kẻ thù. Vị tướng chỉ huy la lên, “Đem cây cờ lại đây, đồ điên!” Cuối cùng, đạo binh tiến tới chỗ cây cờ, mặc dù bị quân địch bắn tơi bời. Họ thấy người lính trẻ đã chết, nhưng lá cờ đang phất phới cách oai hùng trong gió lộng.

Giống như người lính oai hùng kia cắm cờ trên đất địch và đã bị tử trận, Đức Chúa Giê-su của chúng ta đã vác thập tự giá lên núi Sọ để chịu hành hình. Bởi sự hy sinh vô giá trên cây thập tự, Ngài đã phục hồi tất cả những gì nhân loại đã mất. Mục đích Đức Chúa Giê-su đến thế gian là “tìm và cứu kẻ bị mất” (Lu-ca 19:10).

Chúng ta thấy tình yêu thương của Đức Chúa Trời thật vô tận. Sự hy sinh cao cả của Đức Chúa Giê-su đã tạo nên nhịp cầu bắc ngang qua sự hờ hững, sự phân rẽ của chúng ta với Ngài. Ngài đang giơ bàn tay ra để kéo bạn qua hố sâu tội lỗi vào trong vòng tay yêu thương của Ngài. Bạn có muốn đáp lại, “Ôi! Đức Chúa Giê-su, con yêu mến Ngài. Cảm tạ Ngài đã hy sinh tất cả vì con. Xin Ngài ngự vào lòng con và cứu con”?

Bài học 8 sẽ giải đáp câu hỏi:

CHÚA LÀM GÌ CHO BẠN?

Trắc Nghiệm 7

1. Xin đánh dấu X trước câu nào trúng:
___ Sau khi phạm tội, Chúa không bỏ A-đam và Ê-va.
___ Chúa có chương trình để cứu nhân loại.

2. Xin điền vào những chỗ trống:
Đức Chúa Trời đã ban __________ __________ Ngài cho nhân loại.
Đức Chúa Giê-su đã ________ sự sống Ngài cho chúng ta.
Đức Chúa Giê-su đã _________ thế cho chúng ta.

3. Câu nào trúng, xin viết chữ T; câu nào sai, viết chữ S:
___ Đức Chúa Giê-su đã hiện hữu từ thuở đời đời.
___ Đức Chúa Giê-su không phải là Đức Chúa Trời.
___ Đức Chúa Giê-su sống cuộc đời vô tội.
___ Đức Chúa Giê-su chết thế cho chúng ta.
___ Đức Chúa Giê-su đã sống lại.
___ Đức Chúa Giê-su không lên trời.
___ Đức Chúa Giê-su đang cầu thay cho chúng ta.
___ Đức Chúa Giê-su không trở lại thế gian.

4. Chúa đã chết để bày tỏ tình yêu Ngài. Bạn làm gì để đáp lại tình yêu ấy?

Tải về bài học (pdf) theo liên kết sau đây:

Niềm Hy Vọng Thế Giới (Bài 7 – CON ĐƯỜNG SỐNG)

Tải về file trắc nghiệm (pdf) theo liên kết sau đây:

Niềm Hy Vọng Thế Giới (Bài 7 – CON ĐƯỜNG SỐNG)

Check Also

Cứu Cấp

Vào tháng Giêng năm 2010, Wesley Autrey đang chờ đợi chiếc xe điện ngầm ở …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *