Home / Dưỡng linh / Lời sống hằng ngày / Sự Sụp Đổ Của Ba-by-lôn (Bài 6 – Nghiên Cứu Sách Đa-ni-ên)

Sự Sụp Đổ Của Ba-by-lôn (Bài 6 – Nghiên Cứu Sách Đa-ni-ên)

 BÀI 6. SỰ SỤP ĐỔ CỦA BA-BY-LÔN

Sau khi khỏi bệnh điên, vua Nê-bu-cát-nết-sa sống được ít lâu rồi băng hà vào khoảng năm 562-561 T.C. Nước liền bị suy đồi, và hai mươi năm sau đế quốc Ba-by-lôn rực rỡ và vĩ đại ấy đã bị xâm chiếm trong thời vua cuối cùng là Bên-xát-sa. Vua là cháu ngoại của Nê-bu-cát-nết-sa và đồng trị vì với cha mình là Na-bô-nít. Bên-xát-sa cai trị ở Ba-by-lôn, còn Na-bô-nít chỉ huy một đạo binh ngoài thành để chống lại Si-ru, người Phe-rơ-sơ (Ba-tư) muốn xâm chiếm nước.

Sau khi vua Nê-bu-cát-nết-sa qua đời, người Mê-đi và Ba-tư thoát khỏi ách nô lệ của Ba-by-lôn. Dưới sự chỉ huy của tướng Si-ru (cháu của Đa-ri-út), họ lấn chiếm các nước cách mau chóng. Năm 540 T.C., họ lấy được miền trung Á Châu, Ạcmê-ni, Ly-đi và hết thảy các nước ở phía bắc cho đến Biển Đen, cùng Sy-ri và Á-rạp. Sau đó, Si-ru quay về Ba-by-lôn, đương đầu với đạo quân của Na-bô-nít. Na-bô-nít bị bại trận phải trốn vào trong một đồn ở phía tây bắc Ba-by-lôn. Bên-xát-sa ở trong thành, cố chống đỡ với số tàn quân còn lại. Dầu thành Ba-bylôn bị đạo quân của Si-ru bao vây, 2 những người trốn trong thành tưởng rằng mình được an toàn, vì thành này kiên cố lắm. Các mũi tên của người Mê-đi không bắn vô thành được vì tường thành quá cao, đến 100 thước. Trong thành tích trữ đủ lương thực để sống 20 năm. Vua Bên-xát-sa kiêu ngạo và tự phụ, thết tiệc và uống rượu say sưa với các tướng lãnh và đại thần.

ĐÊM CUỐI CÙNG CỦA BA-BY-LÔN

1. Kinh Thánh đã nói tiên tri thế nào về Ba-by-lôn? (Giê-rê-mi 25:12).

a. Vương quốc Ba-by-lôn sẽ tồn tại vĩnh viễn
b. Vua Bên-xát-sa sẽ băng hà vào năm 70 tuổi
c. Chúa sẽ phạt vua Ba-by-lôn và dân sự

Đức Chúa Trời vô cùng kiên nhẫn đối với nhân loại. Lòng kiên nhẫn của Ngài được bày tỏ rõ ràng qua cách Ngài đối xử với Nê-bu-cát-nết-sa. Tuy nhiên, nếu thời gian trôi qua mà vẫn không có dấu hiệu đáp ứng nào, thì cửa ân điển sẽ đóng lại. Định luật này xảy đến cho cá nhân cũng như cho các dân tộc. Chúa đã rất nhẫn nại với Ba-by-lôn. Ngài đã ban nhiều điềm chiêm bao và làm nhiều phép lạ. Nê-bu-cát-nết-sa đã đáp ứng, nhưng những vua kế vị đã coi thường sự cảnh cáo, vì thế triều đại Ba-by-lôn phải cáo chung. Đa-ni-ên đoạn 5 miêu tả đêm cuối cùng của Ba-by-lôn. Trong bài học này, chúng ta sẽ theo dõi các biến cố quan trọng trong đêm cuối cùng này.

2. Trong đêm cuối cùng của Ba-by-lôn, vua Bên-xát-sa đã làm gì? (Đa-ni-ên 5:1).

a. Vua thảo luận cùng với các quần thần về đánh trận
b. Vua dọn tiệc đãi đại thần
c. Vua đến vấn an bà Thái hậu

3. Đức Chúa Giê-su phán gì về đặc điểm của thời đại chúng ta? (Lu-ca 21:34-36).

a. Con người chìm đắm trong u mê
b. Con người sẽ tốt hơn
c. Khoa học phát triển nhanh

4. Sứ đồ Gia-cơ nói gì về những ngày sau rốt trên thế gian? (Gia-cơ 5:5)

a. Con người sẽ cơ cực
b. Con người ăn uống, tiêu xài xa xỉ
c. Con người chạy theo tà thần

5. Bên-xát-sa đã nghịch lại Chúa như thế nào? (Đa-ni-ên 5:1- 4).

a. Ngợi khen các thần
b. Vua dùng những vật thánh của đền thờ để uống rượu
c. Cả 2 câu (a) và (b) đều đúng

Bên-xát-sa chắc phải hiểu biết nhiều về Đức Chúa Trời. Vua đã nghe các sự tích về sự điên loạn của vua Nê-bu-cát-nết-sa, về pho tượng lớn và về lò lửa hực. Tuy biết các việc ấy, vua vẫn ngoan cố không nhìn nhận Đức Chúa Trời chân thật.

Hầu hết các nhân vật cao cấp trong chính quyền Ba-by-lôn đều đến dự bữa tiệc linh đình do vua Bên-xát-sa đãi. Trong lúc say sưa, vua truyền lệnh cho quân hầu đem đến các bình đã bị tịch thu từ đền thánh của Đức Chúa Trời ở Giê-ru-sa-lem. Để thách thức Chúa, giới lãnh đạo Ba-by-lôn đã ngang nhiên uống rượu trong các bình thánh của Ngài. Họ tôn vinh các thần bằng vàng, bằng bạc, dùng chính các bình thánh đã được đặc biệt dành riêng để tôn vinh Đức Chúa Trời. Ở đây ta thấy việc pha trộn sự thờ phượng Đức Chúa Trời với sự thờ tà thần. Đây là giọt nước cuối cùng làm tràn cái ly, là hành động phạm thượng tối hậu chọc giận Đức Chúa Trời. Hành động này đã vượt ra ngoài giới hạn của Chúa, đem lại cơn thạnh nộ của Ngài, và dẫn đến sự sụp đổ của Ba-by-lôn.

6. Trong lúc họ đang uống rượu, hiện tượng kinh hãi gì xảy ra? (Đa-ni-ên 5:5).

a. Lửa từ trời rơi xuống
b. Rượu biến thành máu
c. Có bàn tay người hiện ra viết chữ trên tường

7. Phản ứng của vua Bên-xát-sa thế nào? (Đa-ni-ên 5:6).

a. Vua coi thường
b. Vua biến sắc mặt và bối rối
c. Vua đứng tim chết

Vua kinh hoảng, vô cùng lo sợ, toàn thân run rẩy khi chứng kiến những ngón tay thình lình xuất hiện viết một ngôn ngữ bí ẩn trên tường hoàng cung.

8. Vua truyền gọi ai đến để giải thích các chữ viết trên tường? (Đa-ni-ên 5:7).

a. Bà thái hậu
b. Đa-ni-ên
c. Các thuật sĩ và thầy bói

Bên-xát-sa đã không thuộc những bài học trong quá khứ, không noi gương Nê- bu-cát-nết-sa. Vua cho gọi chính các thuật sĩ là những người không thể giải nghĩa giấc mộng của vua Nê-bu-cát-nết-sa.

9. Các thuật sĩ phản ứng ra sao? (Đa-ni-ên 5:8).

a. Họ không hiểu ngón tay viết gì
b. Họ giải ý nghĩa các chữ cho vua
c. Họ bỏ trốn

Chúng ta hãy theo dõi đầy đủ diễn biến lột mặt nạ các nhà thông thái của Ba-by-lôn. Trong Đa-ni-ên đoạn 2, họ không thuật lại được điềm chiêm bao của Nê-bu-cát-nết-sa, trong khi Đa-ni-ên làm được điều đó. Trong đoạn 4, họ không giải nghĩa được giấc mộng, nhưng Đa-ni-ên đã giải được. Bây giờ, họ cũng hoàn toàn mất tín nhiệm, vì nếu không đọc được các chữ kia thì làm sao họ có thể hiểu được ý nghĩa.

LỜI GIẢI THÍCH CỦA ĐA-NI-ÊN

10. Ai đề nghị vua gọi Đa-ni-ên? (Đa-ni-ên 5:10-12).

a. Các thuật sĩ
b. Vua Nê-bu-cát-nết-sa
c. Bà thái hậu

Vì một lý do nào đó, bà thái hậu đã không có mặt trong phòng tiệc khi hiện tượng lạ thường xảy ra. Có thể bà là vợ vua Nê- bu-cát-nết-sa, có lẽ bà cũng biết Đức Chúa Trời, và đó là lý do tại sao bà đã không có mặt trong bữa tiệc sa đọa trụy lạc đêm 5 hôm đó. Nhưng ngay sau khi nghe tin kinh hãi xảy ra, bà lập tức đến phòng tiệc và đề nghị vua gọi Đa-ni-ên, người mà bà tin có đủ khả năng để giải nghĩa dòng chữ trên tường.

11. Vua đã dùng từ nào để gọi Đa-ni-ên? (Đa-ni-ên 5:13).

a. Đại thần
b. Phu tù
c. Tôi tớ

Đa-ni-ên là một nhà lãnh đạo tài ba tại Ba-by-lôn trong bảy mươi năm. Danh tiếng đạo đức, kiến thức chính trị, và sự khôn ngoan của ông ai cũng biết và đã nhiều lần ảnh hưởng tới quốc gia. Nhưng Bên-xát-sa, một người say rượu, muốn hạ phẩm giá Đa-ni-ên bằng cách gọi ông là một người phu tù Giu-đa. Nhưng trong câu sau, vua lại nhìn nhận ông là một người có “ánh sáng, sự thông minh, và khôn ngoan lạ thường” (câu 14).

12. Vua Bên-xát-sa hứa phong chức gì cho Đa-ni-ên? (Đa-ni-ên 5:16).

a. Làm đầu các quan
b. Nghị viên
c. Dự chức thứ ba trong việc chánh trị nhà nước

Vì Ba-by-lôn đã có hai nhân vật lãnh đạo là Bên-xát-xa và Na-bô-nít, Đa-ni-ên được hứa cho làm nhân vật đứng hàng thứ ba. Nhưng không ai có thể mua chuộc Đa-ni-ên được! Nguyên động lực của ông là phụng sự và tôn vinh Đức Chúa Trời. Ông cũng lợi dụng dịp này để nói cho vua biết Chúa đã nhiều lần cứu Ba-by-lôn, và cho nhiều cơ hội để biết ý Ngài. Cửa tình thương đã mở trong bảy mươi năm, sắp sửa đóng lại. Người Ba-by-lôn đã quá cứng lòng, và Đức Chúa Trời không thể làm gì cho họ được nữa, trừ ra bỏ mặc họ cho sự ước muốn ích kỷ của họ.

13. Tội của Bên-xát-sa là gì? (Đa-ni-ên 5:22).

a. Vua phạm thượng đến Đấng Rất Cao
b. Vua biết điều gì là đúng, nhưng không làm theo
c. Vua ca ngợi các thần

Vua biết điều gì là đúng, nhưng không làm theo! Ông đã xây lưng lại sự sáng mà Đức Chúa Trời đã ban cho. Ông lựa sự tối 6 tăm thay vì sự sáng. Đa-ni-ên cương trực nhắc vua Bên-xát-sa biết lý do vì sao vua Nê-bu-cát-nết-sa bị mất trí, và chắc chắn Bên-xát-sa có quen thuộc với Đức Chúa Trời.

14. Vua đã làm điều gì phạm đến Chúa? (Đa-ni-ên 5:23).

a. Vua đã lên mình nghịch cùng Chúa
b. Vua tôn vinh các thần khác và không thờ lạy Đức Chúa Trời
c. Cả câu (a) và (b) đều đúng

Người Ba-by-lôn đã công khai chống nghịch Đức Chúa Trời. Chính hành động ngang ngược lấy các bình dành cho việc thờ phượng Chúa để pha trộn với việc thờ tà thần làm Ngài nổi giận.

15. Ý nghĩa của dòng chữ trên tường là gì? (Đa-ni-ên 5:25-28).

a. Vua không nên dùng đồ thánh để đãi tiệc
b. Đức Chúa Trời báo vua chuẩn bị ra tranh chiến
c. Đức Chúa Trời thấy vua không xứng đáng, sẽ lấy nước khỏi tay người

Đa-ni-ên giải thích dòng chữ trên tường như sau: Mê-nê: “Đức Chúa Trời đã đếm nước vua và khiến nó đến cuối cùng.” Tê-ken: “Vua đã bị treo trên cái cân, và thấy là kém thiếu.” U-phác-sin: “Nước vua bị chia ra, được ban cho người Mê- đi và người Phe-rơ-sơ.”

Giờ đã đến cho vua và các đại thần phải gặt hái kết quả của sự chống nghịch Đức Chúa Trời. Họ sẽ phải nghe bản án mà Ngài sắp tuyên bố. Ngày phán xét đã đến. Cũng như Bên-xátsa, mỗi người chúng ta cũng sẽ bị phán xét.

Đức Chúa Trời tuyên bố sự sụp đổ của Ba-by-lôn. Chính đêm đó, 12 tháng 10 năm 539 T.C., nước Ba-by-lôn bị thất thủ vào tay người Mê-đi và Ba-tư.

16. Bao lâu sau đó thì lời tiên tri được ứng nghiệm? (Đa-ni-ên 5:30, 31).

a. Ngay lập tức
b. Ngay đêm đó
c. Đêm hôm sau

Ngay trong lúc đại tiệc đang tiến hành thì sự sụp đổ của Baby-lôn đã bắt đầu. Dân Ba-by-lôn biết quân đội Mê-đi và Batư đang bao vây ngoài thành, nhưng họ không hề nao núng. Họ cảm thấy rất an toàn trong bốn bức tường thành kiên cố vì tường thành Ba-by-lôn rất vững chắc, không gì xuyên thủng hay ai vượt qua được. Trong thành dự trữ đủ lương thực cho một cuộc bao vây lâu dài. Sông Ơ-phơ-rát chảy ngang thành Ba-by-lôn cung cấp một nguồn nước trong mát liên tục. Tuy nhiên, Si-ru, tư lệnh quân Mê-đi và Ba-tư, đã thực hiện một kế hoạch công binh vô cùng táo bạo và tài tình. Ông cho lính dẫn nước sông Ơ-phơ-rát chảy đi ngả khác. Rồi ông cho quân đi bộ dọc theo lòng sông xuyên dưới chân tường để tiến vào thành, qua các cổng nội mà lính canh Ba-by-lôn đã quên đóng trong khi ăn uống say sưa. Kinh thành Ba-by-lôn hùng vĩ đã thất thủ, và Đa-ri-út, người Mê-đi lên làm vua ở Ba-by-lôn.

17. Tiên tri Giê-rê-mi đã nói trước về số phận Ba-by-lôn thế nào? (Giê-rê-mi 51:11).

a. Ba-by-lôn sẽ bị hủy diệt
b. Ba-by-lôn sẽ bị chia rẽ
c. Ba-by-lôn sẽ thịnh vượng

Khi quyền thế Ba-by-lôn còn cực thịnh, các tiên tri đã nói trước từ lâu về đêm thê thảm này và về sự Si-ru xâm chiếm nước họ. Tại sao Ba-by-lôn bị thất thủ? Chúa phán “Đây là sự báo thù của Đức Giê-hô-va, Ngài trả thù về đền thờ của Ngài” (Giê-rê-mi 51:11).

18. Tiên tri Ê-sai đã nói trước thế nào về Ba-by-lôn? (Ê-sai 13:20).

a. Có nhiều dân ngoại sẽ đến định cư
b. Dịch bệnh lan tràn mọi nơi
c. Không một ai ở đó nữa

Ba-by-lôn đã trở nên nơi hoang vu, một nơi đổ nát đời đời, không người ở, đúng như lời tiên tri đã dự ngôn.

Lỗi lầm lớn nhất trong cuộc đời là gì? Đó là không học từ lỗi lầm của mình. Còn quyết định ngu xuẩn nhất là gì? Đó là khinh thường những lời cảnh cáo của Chúa, tiếp tục không nghe tiếng nói của lương tâm, từ chối lời khuyên dạy của Ngài, và bỏ đi những cơ hội Ngài ban cho. Bên-xát-sa có nhiều cơ hội để phụng sự Chúa. Ông ngoại của vua đã hiến dâng đời mình cho Chúa. Tiên tri Đa-ni-ên đã sống ở Ba-by-lôn và làm chứng cho lẽ thật bảy mươi năm. Sự sáng của lẽ thật đã chiếu trên vua, nhưng vua đã ngu xuẩn từ chối. Ngày phán xét đã đến với Bên-xát-sa, và một điều chắc chắn là, sẽ có một ngày phán xét cho mỗi người chúng ta.

TÓM LƯỢC

1) Đức Chúa Trời là Đấng phán xét mọi người, mọi dân tộc. Có một đường ranh giới vô hình mà nếu vượt qua, ta sẽ gánh hậu quả tai hại. Có một đêm cuối cùng cho mỗi người trên đất. Khi tội lỗi ta đầy tràn, thì Đức Chúa Trời sẽ tuyên bố, “Đủ rồi.”

2) Đức Chúa Trời đối xử với Bên-xát-sa—cũng như với mỗi người chúng ta—như là một người có trách nhiệm. Ngài cho phép vua sự tự do lựa chọn và gánh lấy hậu quả về sự lựa chọn của mình. Khi không còn hy vọng để thay đổi, khi người ta đã cố tình bám theo con đường tội lỗi, thì Ngài phải tôn trọng sự lựa chọn của họ và lìa bỏ họ.

3) Thật đáng buồn là nhiều khi con cái không học sự khôn ngoan và kinh nghiệm nơi cha mẹ mình. Thật là một ơn phước khi con cái trở nên tốt, mặc dầu cha mẹ là người xấu. Mỗi người phải tự lựa chọn con đường của mình. Sự lựa chọn này định đoạt số phận đời đời của họ.

4) Lời tiên tri nói trước về sự dấy lên và sụp đổ của các đế quốc. Trải qua các cuộc đấu tranh giữa các quốc gia, Đức Chúa Trời vẫn cai trị và điều khiển mọi việc trên thế gian. Ngài thực hiện ý định Ngài là sửa soạn một dân sự cho ngày Đấng Christ tái lâm và lập nước vinh hiển đời đời trên đất.

QUYẾT ĐỊNH
o Tôi muốn lựa chọn đường lối của Đức Chúa Trời vì Ngài biết điều gì tốt nhất cho tôi.

Nghiên cứu sách Đa-ni-ên
Kiểm Tra 6

1) Vua Bên-xát-sa làm gì trong đêm cuối cùng tại Ba-by-lôn?
________________________________________________

2) Vua làm ba điều gì để chống lại Chúa?

a. Vua _____ _____ trước mặt đại thần.
b. Vua dùng các ly thánh để ______ ______ .
c. Vua ______ ______ các thần bằng vàng, bằng bạc . . .

3) Ngón tay đã viết gì trên tường?
________________________________________________

4) Nước nào chiếm được Ba-by-lôn?
________________________________________________

5) Những bài học trong đoạn 5 là gì?
________________________________________________
________________________________________________
________________________________________________
________________________________________________
________________________________________________

Tải về bài học (pdf) theo liên kết sau đây:

Bai 06 – Su Sup Do Cua Ba-by-lon

Tải về file trắc nghiệm (pdf) theo liên kết sau đây:

Trac Nghiem 06 – Danien

Check Also

Cứu Cấp

Vào tháng Giêng năm 2010, Wesley Autrey đang chờ đợi chiếc xe điện ngầm ở …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *