Chương 9: Hoàng Tử Chết – Nhưng Chiến Thắng
– Trước khi kể câu chuyện hôm nay, tôi muốn nhờ quý vị cho tôi biết mọi lý do mà quý vị nghĩ ra, về việc tại sao vị Hoàng tử phải đến và sống với dân chúng trên thế gian này?
Tèo hưởng ứng mà không đợi người lớn trả lời trước:
– Ngài đến sát dân chúng để cho họ hiểu Ngài.
Cụ trưởng ấp đáp:
– Để thắng tên phản loạn.
– Để báo cho dân chúng phản nghịch này biết rằng Đức Chúa Trời yêu thương họ. – Trung góp ý.
Thanh trả lời:
– Để chữa lành người bệnh và dạy cho người ta biết cách sống.
Thầy Lắm có vẻ thỏa lòng:
– Đúng vậy, những lý luận đều đúng cả. Tôi rất vui vì quý vị nhớ rất kỹ. Nhưng có một lý do trọng đại mà vị Hoàng tử phải xuống thế gian này, tôi chưa kể cho quý vị biết. Đó là Ngài đến để chết cho loài người.
– Chết à? Tại sao Ngài phải chết? – Cụ trưởng ấp hỏi với vẻ ngạc nhiên.
Thầy Lắm trả lời:
– Cụ còn nhớ rằng theo luật pháp của Đức Chúa Trời, hễ ai phạm tội thì phải chết? A-đam và Ê-va đã phạm tội, và kết quả là họ cùng mọi con cái họ đều phải chết. Điều ấy cũng có nghĩa là mọi người trong thế gian đều phải chết.
Thầy Lắm dẫn giải chung cho mọi người:
– Tôi đã cho quý bạn biết rồi, Đức Chúa Trời có một chương trình hết sức nhiệm mầu để cứu chuộc thế gian. Chính Con Ngài sẽ tự mang lấy tội lỗi cũ thế gian trên mình và chết thế cho chúng ta. Ngài mang lấy mọi hình phạt để chúng ta được tự do.
Khi kể cho các bạn câu chuyện này, tôi muốn các bạn nhớ rằng mọi sự thống khổ ghê gớm mà Ngài đã chiụ đựng, là một phần trong chương trình cứu chuộc nhân loại. Chúa Giê-su biết trước kẻ ác sẽ bắt và giết Ngài đi. Ngài có thể tự giải thoát, nhưng Ngài sẵn lòng chịu chết để cứu vớt chúng ta.
Tèo hả toác mồm và cặp mắt tròn xoe, hỏi:
– Thưa thầy, tại sao có người lại muốn giết Hoàng tử. Ngài rất tử tế và hiền lành. Ngài đã giúp đỡ biết bao nhiêu người. Tại sao lại có thể ghét Ngài?
Thầy Lắm đáp:
– Em biết không, họ ghét Ngài vì Ngài công bình còn họ gian ác. Kinh Thánh có chỉ rõ, người ta thích bóng tối hơn là ánh sáng. Tên trộm thích hành động trong bóng tối, nó không thích ánh sáng ban ngày bộc lộ mọi hành động của nó.
Đức Chúa Giê-su rất trong sạch và thánh khiết đến nỗi người ta tự cảm thấy mình hung ác khi họ ở gần Ngài. Rốt lại họ quyết định phải trừ Ngài đi. Vì vậy, trọn khi Ngài chữa lành người bệnh và dạy dỗ dân chúng, kẻ thù của Ngài hoạch định kế hoạch để giết Ngài. Họ không dám bắt giữ Ngài ban ngày, vì có đoàn dân đông lắm bao quanh Ngài, rất yêu Ngài, sẽ chiến đấu để bảo vệ Ngài. Rốt lại họ quyết định bắt Ngài vào lúc ban đêm.
Thói quen của Đức Chúa Giê-su là dắt các môn đồ thân tín của Ngài vào nơi yên tịnh của núi non để nghỉ đêm. Nơi ấy, trong khi các môn đồ ngủ, Ngài cầu nguyện. Bấy giờ là tối thứ Năm. Chúa biết bao giờ Ngài đã gần đến rồi. Ngài cầu xin trong thống khổ để Đức Chúa Trời có thể cất bản án này khỏi Ngài. Tuy vậy Ngài biết rõ rằng không còn phương pháp nào khác để cứu vớt loài người ngoài ra cách mang lấy tội lỗi của họ và chết thay cho họ. Ngài cầu xin, “Không do ý Con, nhưng xin do ý Cha được nên!”
Vào tối nửa đêm, sự yên tĩnh của khu vườn bị xáo trộn bởi tiếng la hét của đám đông đến bắt Chúa Giê-su. Những thủ lãnh của dân Do Thái có mặt ở đó, theo sau là lính La Mã và đoàn người đông. Họ tìm bắt Chúa mà mang gươm giáo dường như Ngài là một thú dữ. Họ trói tay Ngài lại để Ngài không thoát được.
Các môn đồ của Chúa rất kinh ngạc. Tại sao Ngài để chúng bắt Ngài? Tại sao Ngài không dùng phép lạ để tự giải thoát cho mình? Họ hoang mang vô cùng. Đức Chúa Giê-su biết rõ mọi ý nghĩ của họ, Ngài nói, “Các con há không biết rằng Ta có thể cầu xin Chúa Ta, và Ngài sẽ sai mười hai đội thiên binh tiếp cứu Ta sao? Nhưng nếu vậy làm sao Kinh Thánh được ứng nghiệm?”
Khi các môn đồ thấy Chúa đã bị bắt rồi, họ liền bỏ Ngài mà chạy trốn cả. Đức Chúa Giê-su bị điệu ra trước tòa án tôn giáo của người Do Thái, và các viên chức được triệu tập cấp bách ngay trong đêm. Các thầy tế lễ thuê người cáo gian Chúa, nhưng họ không thể trình bày lý do nào chánh đáng cả, mà lời kiện cáo của chúng cũng không ăn ý nhau. Thầy cả Cai-phe vô cùng bối rối. Làm sao ông ta lên án Chúa được khi không thể chứng minh rằng Ngài đã làm điều quấy? Rốt lại ông ra lệnh cho Chúa rằng, “Ta chỉ Đức Chúa Trời hằng sống mà thề, ngươi phải nói thật cho chúng ta biết có phải ngươi là Christ, là Con đức Chúa Trời không?”
Đức Chúa Giê-su đáp, “Thật như lời ngươi nói, nhưng ta cũng báo cho ngươi biết rằng, sau này ngươi sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đức Chúa Trời, và lấy đại quyền đại vinh mà ngự xuống giữa các đám mây trời.”
Cai-phe run lên. Trong khoảng khắc ấy, Đức Chúa Giê-su dường như là quan tòa còn ông ta là tội nhân bị lên án, nhưng ông ta vội xóa bỏ ý tưởng ấy ra khỏi tâm trí mình ngay. Sự căm thù và giận dữ đã trở lại với ông ta, khiến ông ta hét vang, “Chúng ta đâu cần thêm lời chứng nào nữa. Nó là người mà dám xưng mình là Chúa Trời. Này, các ông đã nghe lời phạm thượng của nó rồi, vậy các ông nghĩ thế nào?”
Tất cả đồng trả lời, “Nó đáng tội chết.”
Cuộc xử án Chúa diễn ra trong lúc ban đêm và chỉ có một phần các thầy tế lễ có mặt là việc không hợp lệ. Tuy vậy, Chúa Giê-su cũng bị đưa qua phòng tra khảo và bị đối xử như tên trọng tội. Người ta lại chế giễu người với lời nói rằng, Ngài sẽ ngự xuống giữa mây trời. Họ nhạo báng về sự giáng sinh hèn hạ của Ngài. Họ lấy áo cũ trùm lên đầu Ngài, vả lên mặt Ngài và nói, “Hỡi Christ, hãy nói tiên tri về chúng ta đi. Nói thử coi ai đã đánh đập ngươi đó?”
Sau đó, họ lột khăn trùm ra, và một tên đê tiện bước tới nhổ nước miếng lên mặt Ngài. Thiên sứ của Đức Chúa Trời đã trung thành ghi chép mọi nét nhìn, mọi lời nói, mọi hành động phạm thượng đến Chúa của họ. Rồi ngày nào đây những kẻ tội ác đã khinh khi, sỉ vả Chúa sẽ nhìn thấy sự vinh hiển rực rỡ của Chúa, sáng hơn cả ánh mặt trời, khi Ngài trở lại.
Người Do Thái không có quyền lên án tử cho bất cứ ai, nên họ đưa Chúa Giêsu ra trước quan Tổng trấn La Mã tên Phi-lát để được chấp thuận đề nghị tử hình. Quan Phi-lát xét và không thấy Chúa Giê-su phạm lỗi nào cả. Trong khi đến nhìn nét mặt cao quý của bị cáo, ông biết đây không phải là người thường, nhưng là Chúa Trời. Phi-lát biết rằng mình phải tha Chúa nhưng lại sợ người Do Thái. Ông cũng biết nếu làm trái ý họ, họ sẽ làm hại ông nên ông tìm cách dung hòa.
Người Do Thái có thói quen, mỗi năm vào một ngày lễ quan trọng của tôn giáo, họ thả một tội nhân. Lúc bấy giờ, người La Mã có giam giữ một người Do Thái tên Ba-na-ba, vốn là tên cướp giết người và mang án tử hình. Phi-lát đặt con người hung ác này đứng kề bên người hiền lành là Giê-su và nói, “Các ngươi muốn ta tha cho ai? Ba-na-ba hoặc Giê-su cũng gọi là Christ?” , “Xin tha tên Bana-ba cho chúng tôi. Ba-na-ba!”. Phi-lát hỏi, “Ta phải làm chi với Giê-su này?” Họ thét lên, “Đóng đinh nó đi! Đóng đinh nó đi!” “Này, ngươi có làm điều ác đâu? Ta không thấy người phạm tội gì đáng chết cả. Thôi để ta đánh đòn ngươi rồi thả ngươi ra.”
Phi-lát tưởng rằng với hình phạt này người Do Thái sẽ bằng lòng và thả Giêsu ra, nhưng họ gào lên, giọng quả quyết, “Đóng đinh nó đi! Đóng đinh nó đi!”. Họ bắt Giê-su vốn đã mệt mỏi, đuối sức và mình đầy thương tích, rồi đánh đập Ngài trước mặt đám đông. Sau đó, họ lấy áo đỏ bầm mặc cho Ngài và đội mão gai lên đầu Ngài. Họ hô to, “Hoan hô vua của dân Do Thái.” Họ quỳ gối xuống, giả bộ như thờ lạy Ngài, rồi nhổ nước bọt lên mặt Ngài, thỉnh thoảng có người cướp cây gậy mà người ta đặt vào tay Ngài, đánh mạnh lên mão gai đội phủ chân mày của Ngài. Những mũi gai đâm vào màng tang làm máu chảy dài xuống gò má, nhuộm đỏ râu Ngài.
Chính tên phản tặc đả thúc đẩy đoàn dân xử tệ vị Hoàng tử. Nó muốn hủy hoại chương trình cứu chuộc thế gian của Đức Chúa Trời. Nếu Sa-tan có thể làm cho Chúa Giê-su tức giận hoặc dùng quyền lực thiên thượng để tự giải thoát, tức nó đã thắng và thế gian sẽ thuộc về nó luôn. Nhưng Đức Chúa Giê-su không hề thất bại lần nào cả. Ngài mang lấy mọi sự đau đớn và ngược đãi với sự kiên nhẫn lạ lùng.
Phi-lát ngồi lên ghế xử án, chỉ vào Đức Chúa Giê-su và nói, “Này hãy nhìn Vua các ngươi.” Nhưng đám dân la rộ lên, “Hãy đem nó đi! Đóng đinh nó đi! Đóng đinh nó đi!”
Khi Phi-lát thấy không thể nào giải thoát Đức Chúa Giê-su mà không gây sự thù hằn với người Do Thái, ông thả Ba-na-ba và giao Đức Chúa Giê-su cho họ đóng đinh.
Khi cây thập tự đã được lo sẵn để đóng đinh Ba-na-ba được đặt trên cái lưng đẫm máu của Chúa Giê-su thì mặt trời đã lên cao. Hôm ấy là ngày thứ sáu. Hai người khác, đồng đảng của Ba-na-ba cũng phải vác thập tự và chịu đóng đinh với Ngài. Cây thập tự quá nặng nề sánh với tình trạng kém sức của Chúa Giê-su. Ngài té xỉu xuống mặt đường. Không ai muốn giúp Ngài cả, nhưng sau rốt có một người Phi Châu tỏ ý cảm thương nên bị bắt buộc phải vác thập tự cho Ngài.
Họ đưa Ngài đến ngọn núi tên núi Sọ và đóng đinh Ngài tại đấy. Họ căng tay Ngài ra và đóng đinh vào tay và chân Ngài. Chúa không hề chống trả nhưng mồ hôi đẫm ướt trán Ngài. Chúa không thù ghét những kẻ bắt bớ mình, trái lại Ngài cảm thương họ. Họ không biết rằng họ đang giết vị Hoàng tử của họ tức là Chúa của các từng trời và cả trái đất. Ngài kêu lên, “Xin tha tội cho họ vì không biết điều họ làm.”
Người ta đỡ cây thập tự lên rồi dựng đứng xuống cho cái lỗ đã đào sẵn, và điều này đã làm cho Con Đức Chúa Trời vô cùng đau đớn. Quan tổng trấn ra lệnh cho người ta treo một tấm bảng ở trên đầu của Chúa Giê-su, để như vầy, “Người này là vua dân Do Thái.”
Trong khi Chúa chịu đau đớn trên cây thập tự, dân chúng ở phía dưới cười nhạo Ngài và nói, “Nếu ngươi là con của Đức Chúa Trời hãy tự cứu mình đi thì chúng ta mới tin.” “Nó cứu người khác mà không tự cứu mình được…” Thật đúng vậy. Ngài không tự cứu lấy mình vì Ngài muốn cứu chuộc thế gian. Ngài phải chịu lấy sự hình phạt của tội phản loạn để những ai muốn được tha tội có thể được tha. Chính vị Hoàng tử chịu đau đớn nhiều hơn bất cứ một người nào đã từng chịu. Nhưng sự đau đớn nhất không phải ở cơ thể Ngài, mà lòng Ngài bị tan nát vì thống khổ. Ngài đã bị phân cách khỏi cha mình, một thân trơ trọi trong thế gian phản loạn, trút bỏ chính sự sống của mình để cứu vớt giống người ghét bỏ Ngài. Ngài bị cám dỗ để e sợ rằng cái chết của Ngài sẽ trở nên vô ích. Cả cái gánh nặng tội ác của thế gian – mà Cha Ngài lại rất ghét tội lỗi – đã dày vò Ngài đến phải chết. Ngài sợ rằng vì mang lấy sự hình phạt của tội ác mà Ngài có thể bị phân cách cùng cha vĩnh viễn. Trong cơn đau đớn, Ngài kêu lên, “Hỡi Đức Chúa Trời ôi, sao Ngài lìa bỏ Con?”
Trong trọn khoảng thời gian ấy, Đức Chúa Cha cũng cùng đau đớn với Con Ngài. Cha rất muốn cứu Ngài nhưng phải để Ngài chết hầu cứu vớt nhân loại. Nghe tiếng Con kêu than, thấy Ngài chịu đau đớn mà không thể cứu giúp được là điều làm cho Đức Chúa Cha vô cùng chua xót. Đây là tình yêu thương vô lường – tình yêu của Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con đã cứu vớt giống người phản loạn. Và giờ đây, khi Con Đức Chúa Trời sắp chết, niềm hy vọng lại phục hồi trong lòng Ngài. Ngài nhìn thấy – trong tâm trí – hằng đoàn người lìa bỏ lãnh thổ của tên phản loạn mà chiếm lấy chỗ đứng trước ngôi Đức Chúa Trời. Ngài nghĩ đến những con người quý báu này, được chuộc bằng huyết Ngài, và Ngài biết chắc rằng mình đã thắng. Ngài đã hoàn thành nhiệm vụ mà Ngài xuống thế để làm. Tên phản loạn không thể xúi giục Ngài phạm tội hoặc làm cho Ngài nói một lời giận dữ tuy phải chịu đựng sự đau đớn cùng tột này. Ngài kêu lên cùng Cha trong đắc thắng, “Mọi sự đã xong rồi! Thưa Cha, Con xin giao linh hồn Con trong tay Cha.”
Sau đó, Ngài gục đầu xuống và tắt hơi.
Một vài môn đồ đỡ xác Ngài xuống và đưa vào phần mộ vừa mới đục xong bên sườn núi. Họ lăn hòn đá lấp cửa mộ ra và chôn cả niềm hy vọng mình vào đấy. Họ nghĩ rằng sẽ chẳng bao giờ được thấy mặt Đức Thầy của họ nữa.
Nhưng lúc ấy trên nước của Đức Chúa Cha có sự vui mừng lớn, Đức Chúa Con đã đắc thắng kẻ phản loạn qua sự chết của Ngài. Qua hành động nhận lấy sự hình phạt của tội phản loạn, Ngài đã mở cửa của sự tha thứ. Mọi người nào muốn, đều có thể nhờ cửa ấy mà được giải thoát. Con đường về trời đã mở toang rồi.