Home / Dưỡng linh / Niềm tin & Cuộc sống / Phải Thờ Lạy Đức Chúa Trời Như Thế Nào? (Chương 17 – Hoàng Tử & Phản Thần)

Phải Thờ Lạy Đức Chúa Trời Như Thế Nào? (Chương 17 – Hoàng Tử & Phản Thần)

Chương 17: Phải Thờ Lạy Đức Chúa Trời Như Thế Nào?

Thầy Lắm rất lo lắng về Thanh và sự lo sợ tăng thêm khi không thấy Thanh có mặt với nhóm người hội họp lại hôm sau. Liếc mắt thấy có mẹ em, thầy liền hỏi thăm em. Bà ta đáp:

– Nó lên Sài Gòn tìm việc làm rồi. Nó nói đời sống ở đây chán quá. Tôi không hiểu được được thái độ của nó mấy lúc sau này.

Thầy Lắm hiểu nhưng ông không nói gì cả. Mẹ của Thanh nói tiếp:6

– Tôi rất lo lắng vì nó. Nó có mấy thằng bạn xấu ở Sài Gòn và tôi sợ rằng khi sống chung với chúng, nó sẽ đáng bạc và rượu chè với chúng quá. Ở nhà thì nó là thằng bé rất tốt, nhưng khi đi khỏi nhà với tụi kia, chúng tôi không biết nó sẽ làm gì.

Thầy Lắm trầm tĩnh nói:

– Tôi biết việc gì xảy ra cho Thanh. Nó chẳng những đi khỏi làng đâu, nó chạy trốn khỏi Đức Chúa Trời đó. Tuy vậy, tôi hy vọng mãnh liệt rằng nó sẽ trở lại… Thôi bây giờ đã đến giờ chúng ta họp rồi đó.

– Chúng ta cần phải nghiên cứu bốn điều răn đầu kỹ hơn, vì những điều này không giống như điều luật của Phật giáo hay các giáo phái khác. Đây là điều luật của Đấng tạo dựng nên thế gian. Không một thần hay người nào có quyền nói như Chúa ở đây. Chúng ta hãy nghiên cứu điều răn thứ nhất trước. “Không được thờ ai khác ngoài Ta là Đức Chúa Trời.” Ở đây Chúa cho chúng ta biết Ngài là Đấng duy nhất mà người ta phải thờ lạy. Ngài là vị Thần đã dựng nên chúng ta, và khi chúng ta phạm tội. Ngài cứu chuộc chúng ta. Không có một vị thần nào khác có thể nói như vậy. Ngài dựng nên mọi vật mà người ta thờ lạy ngày nay như mặt trời, mặt trăng, sông, cây, ngay cả những vĩ nhân trên thế giới. Chúa muốn chúng ta thờ lạy Ngài chứ không phải những vật do Ngài dựng nên.

Ông Ba góp ý:

– Tôi để ý thấy Chúa cấm làm tượng ảnh.

– Phải đấy. Điều ấy rất rõ đó chứ? “Không làm tượng chạm cho mình, cũng không làm tượng nào giống như vật trên trời cao kia hoặc nơi đất thấp này, hoặc trong nước, dưới đất. Đừng quỳ lạy trước những hình tượng đó cũng đừng hầu việc chúng nó.”

Trung hỏi:

– Tại sao Chúa không thích hình tượng?

– Vì Chúa rất lớn và vinh hiển đến không tượng ảnh nào chỉ rõ được Ngài ra sao. Tượng ảnh chỉ làm giảm và hạ thể Chúa tôi.

Các bạn thấy không, tên phản loạn muốn người ta quên Chúa thật. Khi họ nhìn các tượng bằng gỗ hoặc bằng đá, mà nhiều tượng rất xấu xí, và các tượng ấy đều làm mất giá trị những thợ tạo nên chúng, họ quên đi Đức Chúa Trời rất lớn là Đấng ngồi trên ngai trời và cai trị cả bầu trời, đất, biển. Đức Chúa Trời của chúng ta đã hướng dẫn hằng triệu vì sao đi trên con đường đã chỉ định cho chúng. Chúa thật cao quý dường bao. Làm sao chúng ta có thể làm được tượng ảnh Ngài, dầu là dùng vàng, bạc, hay đá.

Trong Kinh Thánh có nói thế này về hình tượng: “Hình tượng có miệng mà không nói; có mắt mà chẳng thấy; có tai mà không nghe; có lỗ mũi mà chẳng ngửi; có tay, nhưng không rờ rẫm; có chân, nào biết bước đi; cuống họng nó chẳng há ra tiếng nào… Không biết đi nên phải khiêng. Đừng sợ các thần ấy, vì không có quyền làm họa hay làm phước.” (Thi thiên 115:5, 7 ; Giê-rê-mi 10:5, 6).

Cụ trưởng ấp góp ý:

– Chúng tôi biết rằng hình tượng không có quyền lực gì cả, mà chỉ dùng hình tượng để nhắc nhở đến vị thần mà chúng tôi thờ thôi.

– Nhưng thưa cụ, Đức Chúa Trời không muốn chúng ta dùng hình tượng Ngài để nhớ đến Ngài. Có một cách khác và tốt hơn để nhớ đến Đức Chúa Trời chúng ta.

Trung hỏi:

– Thưa thầy, cách gì vậy thầy?

– Bằng cách giữ ngày Sa-bát. Điều răn thứ tư cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời dựng nên thế gian trong sáu ngày và nghỉ trong ngày thứ bảy. Điều ấy cũng ra lệnh cho chúng ta giữ ngày thứ bảy làm ngày thánh để nhắc chúng ta rằng Đức Chúa Trời đã tạo nên thế gian này. Trung ơi, chữ đầu tiên trong điều răn thứ tư là gì? Hãy xem trong sách Xuất Ê-díp-tô Ký đoạn 20 câu 8.

Trung tìm và đọc:

– “Hãy nhớ.”

Thầy Lắm hỏi:

– Em biết tại sao Chúa phán “hãy nhớ” không? Vì Ngài biết rằng người ta sẽ quên. Ngày nay hầu hết dân chúng ta trên thế giới quên rằng Đức Chúa Trời đã dựng nên họ. Nếu họ giữ ngày Sa-bát luôn, họ sẽ nhớ đến Ngài. Bây giờ hãy xem lại điều răn ấy. Chúng ta phải giữ ngày nào?

– Ngày thứ bảy. – Trung đáp.

Thầy Lắm hỏi:

– Ngày đó là ngày nào?

– Ngày thứ bảy trong tuần lễ.

Cụ trưởng ấp nói:

– Nhưng tôi thấy người có đạo Chúa giữ ngày thứ nhất kia mà!

– Nhiều người theo đạo Chúa nói rằng họ giữ ngày thứ nhất vì Chúa sống lại trong ngày ấy. – Thầy Lắm giải thích. – Nhưng cụ không thể tìm được bất cứ chỗ nào trong Kinh Thánh dạy phải giữ ngày thứ nhất cả, hay chỗ nào có chép lại việc Chúa đổi ngày thờ phượng qua ngày thứ nhất. Thói quen giữ ngày thứ nhất xâm nhập vào hội thánh sau thời kỳ của Đấng Christ và các sứ đồ.

Các bạn ơi, ta nên dùng sách này là sách của Đức Chúa Trời làm quyển chỉ dẫn an toàn cho chúng ta. Không thể nào theo tập quán và giáo lý của loài người cách an toàn được.

Đây có năm lý do tại sao tôi giữ ngày thứ bảy làm ngày nghỉ.

  1. Đức Chúa Trời dựng nên thế gian trong sáu ngày và Ngài nghỉ trong ngày thứ bảy. Ngài đã lập ngày ấy thành ngày thánh để thờ lạy. (Sáng thế Ký 2:2,3 ; Mác 2:27).
  2. Đức Chúa Trời ra lệnh cho chúng ta giữ ngày thứ bảy trong luật pháp Ngài. (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:8-11).
  3. Đức Chúa Giê-su giữ ngày Sa-bát làm gương cho chúng ta. (Lu-ca 4:16 ; I Giăng 2:6).
  4. Các môn đồ của Đức Chúa Giê-su đều giữ ngày thứ bảy sau khi Chúa phục sinh. Nếu ngày ấy thay đổi, họ tất biết. (Công vụ các Sứ đồ 13:14, 42, 44).
  5. Dân sự của Đức Chúa Trời sẽ giữ ngày Sa-bát trong nước Ngài. (Ê-sai 66:22, 23).

Ông Ba nói sau khi thầy Lắm dứt:

– Những lý do ấy thật chánh đáng. Nếu chúng ta muốn giữ theo gương Chúa Giê-su, chúng ta phải giữ ngày Chúa đã giữ.

Thầy Lắm hỏi:

– Nếu giữ ngày ấy trong nước Chúa thì chúng ta khởi sự giữ bây giờ chứ, phải không?

Ông Ba lại hỏi:

– Nhưng chúng tôi phải giữ như thế nào?

Thầy Lắm đề nghị:

– Bây giờ chúng ta hãy xem lại điều răn thứ tư đi. Tôi thấy thật ra trong đó có tới hai điều, một điều cho sáu ngày và một điều cho ngày thứ bảy. Chúng ta hãy đọc câu 9 trước.

“Ngươi hãy làm hết công việc mình trong sáu ngày.” Đó là lệnh truyền làm việc. Chúng ta không thể thụ hưởng sự nghỉ ngơi nếu không làm việc trước. Các bạn có để ý rằng chúng ta phải làm hết (hay là mọi) công việc mình trong sáu ngày. Nếu chuyên cần chúng ta có thể làm được điều này.

Nhưng về ngày thứ bảy, Chúa phán dạy rằng: “Ngươi chớ làm công việc chi hết.” Điều này có nghĩa là chúng ta không nên trồng tỉa, gặt hái, mua bán, giặt áo quần, dọn dẹp nhà cửa cùng những công việc thường ngày khác trong ngày thứ bảy. Mọi việc này phải làm xong trong sáu ngày.

Cha của Thanh hỏi:

– Chớ bộ giữ ngày Sa-bát không mất tiền sao?

– Xét cho kỹ thì không. Chúng ta sẽ được sức khỏe dồi dào hơn người làm việc mà không nghỉ. Chúng ta sẽ cảm thấy tươi tắn và đầy sinh lực để làm việc trong trọn sáu ngày kia.

– Nếu không làm việc thì chúng ta có thể làm gì trong ngày thứ bảy? – Trung hỏi.

– Ồ, có nhiều việc lắm. Đức Chúa Trời muốn chúng ta họp chung lại với nhau để thờ lạy Ngài. Chúng ta có thể hội họp lại như chúng ta đang làm đây, họp trong nhà hay ngoài trời cũng được. Hầu hết người Cơ đốc đều cất nhà thờ để họp lại với nhau mỗi ngày Sa-bát. Tôi ao ước rằng sau này các bạn họp lại với nhau để cất lên một nhà hội ngay trong làng này. Tôi biết chắc rằng Đức Chúa Trời sẽ ban phước cho các bạn nếu các bạn làm vậy.

Ngoài ra còn có những việc khác mà chúng ta có thể làm được trong ngày Sabát. Khi học về đời sống của Đức Chúa Giê-su, chúng ta thấy Ngài đi các nơi để làm việc lành trong ngày Sa-bát. Ngài chữa bệnh trong ngày Sa-bát. Chúng ta có thể để thì giờ đi thăm viếng và đem sự vui mừng đến kẻ bệnh tật, thiếu thốn ở quanh ta.

Trong ngày Sa-bát, tôi thích đưa con cái tôi ra ngoài cánh đồng ngắm xem những vật mà Đức Chúa Trời tạo nên. Chúng tôi nhìn xem thử có bao nhiêu loài hoa dại. Chúng tôi ngắm nhìn các loài chim. Chúng tôi nhìn lên bầu trời bao la, nhìn áng mây to lớn và cảnh chiều tà tuyệt đẹp. Mọi vật này đều nhắc nhở chúng tôi đến Đức Chúa Trời là Đấng tạo dựng và thương yêu chúng tôi. Con cái chúng tôi rất yêu mến ngày Sa-bát.

Ông Ba nói lên ý nghĩ của mình:

– Tôi nghĩ giữ ngày Sa-bát mỗi tuần là ý hay lắm. Thật có lợi cho chúng ta nếu có ngày nghỉ ngơi và thờ phượng Chúa Trời.

Cụ Sáu đứng dậy, tiến đến thầy Lắm và nói:

– Tôi rất thích ý của thầy nêu ra về việc cất một nhà hội ở đây. Nếu mọi người đồng giúp đỡ, tôi tin rằng chúng ta có thể cất một ngôi nhà thờ thật đẹp chỗ này.

Thầy nghĩ thế nào?

Ông nội của Tèo – cụ Phan – bày tỏ ý kiến:

– Tôi sẵn sàng giúp. Tôi biết chằm lá để lợp nhà.

Tèo hăng hái xin phép:

– Cho cháu giúp với nội. Cháu đã thấy nội làm nhiều lần rồi và cháu biết chắc cháu có thể làm được.

Cụ trưởng ấp nói:

– Được lắm, chúng ta hãy hợp lực với nhau. Nào các ông bà khác biết làm gì nữa?

Ông Ba đáp:

– Tôi có rất nhiều tre. Tôi có thể phụ làm vách.

Một người khác bày tỏ ý kiến:

– Tôi nghĩ sườn nhà phải làm bằng gỗ, nhưng gỗ mắc tiền quá đi.

Trung nói:

– Ở đây hướng tây có mấy cây gáo kìa!

Cụ Sáu đáp:

– Mấy cây của ông Hai Sún. Tôi không biết ông ấy có bằng lòng cho chúng ta không?

Mẹ của Thanh góp lời:

– Anh ấy là anh họ của tôi. Để tôi xin thử. Chắc anh ấy sẽ cho chúng ta vì anh ấy có lòng tốt lắm.

Cha của Thanh hỏi:

– Hôm nào mình khởi công được?

Cụ trưởng ấp đề nghị:

– Một tuần lễ nữa tính từ hôm nay. Được chứ? Với 10 người đàn ông có tài sức và Tèo, chúng ta chỉ phải làm xong trong một ngày thôi.

– Được lắm – Cụ Phan nói. – Để tôi có đủ thì giờ chằm lá.

Sự hăng hái lan tràn như cháy rừng.

Ông Ba lại hỏi:

– Mình sẽ cất nhà ở đâu đây?

Bà Ba đáp:

– Tôi thích cất dưới bóng cây dừa ấy.

Cụ Sáu nói:

– Đất của tôi đấy.

Cha của Thanh dỗ ngọt:

– Thôi mà cụ, cụ cũng cần đóng góp chứ. Thôi, cứ cúng miếng đất ấy cho rồi.

Cụ Sáu ngẫm nghĩ rồi nói:

– Thôi được. Mà này thầy giáo à, thầy nghĩ thế nào về việc ấy? Thầy giúp tôi chứ? – Cụ choàng vai thầy Lắm và tiếp. – Nè, tại sao vậy? Thầy không được khỏe à?

Thình lình mọi người nhìn lại thầy Lắm, để ý thấy cặp mắt thầy đầy lệ. Cả phút qua mà thầy chưa nói được lời nào cả. Mọi người ngồi xuống với sự yên lặng thẹn thùng. Sau rốt, chế ngự được cảm xúc mình, thầy Lắm lên tiếng:

– Được chứ, tôi sẽ giúp các bạn. Tôi chỉ quá vui đó thôi chứ không gì đâu.

Tèo cười:

– Vui quá mà thầy khóc! Ha… ha…

Check Also

Cứu Cấp

Vào tháng Giêng năm 2010, Wesley Autrey đang chờ đợi chiếc xe điện ngầm ở …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *