Một câu chuyện lý thú trong huyền thoại Hy Lạp cảnh cáo người ta coi chừng kẻ lừa gạt đội lốt tôn giáo. Dân Hy Lạp, vì không thắng nổi dân Trojan, nên đã dùng mưu mô lừa gạt. Họ đã làm một con ngựa gỗ khổng lồ và kéo đến cửa thành Troy và tuyên bố rằng đó là của lễ dâng cho nữ thần Athena. Nhưng lính võ trang Hy Lạp đã trốn trong bụng con ngựa. Người Hy Lạp đặt con ngựa ngay ngoài tường thành Troy rồi bỏ đi.
Dân Trojan rất vui mừng nhận của lễ tượng trưng cho ơn phước và coi đó như biểu tượng sự chiến thắng do các thần ban cho họ. Nhưng đêm đó, khi con ngựa được kéo vào trong thành, hàng chục lính Hy Lạp nhảy ra khỏi bụng ngựa do một cửa bí mật. Những lính này mở cửa thành để những lính Hy Lạp khác tiến vào thành. Họ đốt thành phố. Dân Trojan đã chấp nhận sự giả dối và bị thất trận vì sự lừa gạt. Một của lễ dâng cho các thần, một biểu tượng tôn giáo mà họ đã vui mừng tiếp nhận, nhưng thật ra là một phần trong kế hoạch lừa gạt của kẻ thù.
Có phải ngay trong hội thánh Đấng Christ cũng có một con ngựa Trojan chăng? Có phải hằng triệu người bị lừa gạt mà không hề hay biết chăng? Có thể chúng ta đã chấp nhận một lễ vật gọi là “dâng cho Chúa” mà thật ra chỉ là một sự giả mạo đội lốt lẽ thật. Tôi xin nói rõ ràng: Sự lừa gạt lớn lao nhất của Sa-tan là tôn giáo. Sa-tan đã che đậy sự sai lầm như là sự thật. Hắn là kẻ thù xảo trá và làm bất cứ việc gì để phỉnh gạt chúng ta—kể cả việc thay thế ngày Sa-bát của Mười Điều răn bằng một ngày thờ phượng giả tạo!
Nhưng huyền diệu thay, Kinh Thánh đã nói trước việc đó. Đức Chúa Trời đã thấy trước rằng một quyền lực đối nghịch đã cả gan định thay đổi luật pháp thánh của Ngài! Sa-tan biết rằng nếu hắn có thể thay đổi mười điều răn mà Đức Chúa Trời đã viết bằng chính ngón tay của Ngài trên hai bảng đá, thì hắn có thể mở cửa cho mọi sự gian dối khác tràn ngập vào hội thánh của Ngài. Vậy chúng ta hãy xem sự kiện này xảy ra như thế nào…
Chiêm Bao Lạ Lùng Của Đa-ni-ên. Trong chương 3, chúng ta đã học về chiêm bao lạ lùng của vua Nê-bu-cát-nết-sa về một pho tượng lớn, được ghi chép trong Đa-ni-ên đoạn 2. Bây giờ chúng ta đọc đoạn 7, trong đó Đa-ni-ên có một giấc mơ và người đã thấy bốn “con thú” lên từ biển. Điềm chiêm bao mầu nhiệm đó có nhiều ý nghĩa quan trọng cho chúng ta ngày nay. Đoạn 7 sách Đa-ni-ên lặp lại đoạn 2, nhưng có nhiều chi tiết được thêm vào, và nhìn sự vật trên một khía cạnh khác. Giấc mơ của Đa-ni-ên bắt đầu từ thời Ba-by-lôn, đưa chúng ta qua suốt thời Ba-by-lôn, Mê-đi Ba-tư, Hy Lạp và La Mã—bốn đế quốc của thế giới. Điềm chiêm bao đó dẫn chúng ta tới thời kỳ sơ khởi của Cơ Đốc Giáo, và cho thấy sau sự chết của Đấng Christ và các sứ đồ trong những thế kỷ đầu tiên, một quyền lực đã dấy lên định ý thay đổi ngày Sa-bát.
Xin hãy đọc Đa-ni-ên 7:1-8 và xem hình trang sau đây. Xin lưu ý con thú thứ tư không thể miêu tả được; nó không giống con sư tử, con gấu, con beo, hoặc bất cứ con vật nào mà Đa-ni-ên đã thấy! Con thú thứ tư là một con thú rất kinh khiếp, rất mạnh, có răng bằng sắt và có mười sừng. Giữa mười sừng đó, Đa-ni-ên thấy một cái sừng khác mọc lên. Cái “Sừng Nhỏ” này trở thành một quyền lực mạnh. Đa-ni-ên 7:8 nói, “Nầy, cái sừng đó có những mắt in như mắt người, và một cái miệng nói những lời xấc xược.” Và cái Sừng Nhỏ này cố gắng thay đổi Điều răn và Luật pháp của Đức Chúa Trời.
Giải Nghĩa Các Biểu Tượng. Một số người cho rằng lời tiên tri được giải thích tùy theo ý mỗi người. Nhưng trong II Phi-e-rơ 1:20 cho biết rằng chẳng có lời tiên tri nào trong Kinh Thánh lấy ý riêng giải nghĩa được. Như vậy, có nghĩa là chúng ta không nên giải nghĩa lời tiên tri theo ý mình, vì lời của Đức Chúa Trời tự giải nghĩa lấy. Ngài cho ta thấy rõ trong sách Đa-ni-ên 7:17, 23, “Bốn con thú lớn đó là bốn vua sẽ dấy lên trên đất. . . . Con thú thứ tư sẽ làm nước thứ tư trên đất.” Như vậy, những con thú này không phải là bốn vị vua riêng biệt, nhưng thật ra là bốn triều đại hoặc bốn đế quốc kế tiếp nhau trên thế giới. Quả vậy, Kinh Thánh nói rằng con thú thứ tư là đế quốc thứ tư trên đất. Ngày nay, chúng ta dùng con thú hay con vật như là biểu hiệu. Chúng ta biết rằng con voi biểu hiệu cho Đảng Cộng hòa, con lừa cho Đảng Dân chủ, con gấu tiêu biểu cho nước Nga, con sư tử cho Anh quốc, chim phụng hoàng cho Hoa Kỳ. Đức Chúa Trời dùng thú vật để tiêu biểu cho các quốc gia, và chúng ta cũng vậy.
Như thế, những triều đại nào hoặc đế quốc nào được tiêu biểu bởi những con thú trong chiêm bao của Đa-ni-ên? Đoạn 2 và 7 của Đa-ni-ên cho thấy nhiều sự trùng hợp đặc biệt. Thí dụ, phần chót của pho tượng có mười ngón chân, và con thú cuối cùng có mười sừng. Bốn loại kim khí và bốn con thú biểu hiệu cho bốn đế quốc. Con thú thứ tư là đế quốc La Mã sụp đổ vào năm 476 S.C. và bị phân chia thành mười quốc gia ở Âu châu, được biểu hiệu bằng mười cái sừng. Sự phân chia này xảy ra sau sự chết của Đấng Christ, và sau hội thánh các sứ đồ. Trong Đa-ni-ên 7:8, tiên tri thấy mười cái sừng là sự phân chia La Mã ra làm mười nước, và thấy giữa các sừng đó mọc lên một cái Sừng Nhỏ có “mắt in như mắt người, và một cái miệng nói những lời xấc xược.”
Cái Sừng Nhỏ Bí Mật. Quyền lực này dấy lên từ đâu? Không phải ở Á châu, Phi châu, hoặc Nam Mỹ, nhưng ở giữa mười cái sừng, có nghĩa là giữa Đế quốc La Mã, giữa thành La Mã. Quyền lực ấy dấy lên khi nào? Đa-ni-ên 7:24 cho biết rằng nó xuất hiện sau khi La Mã sụp đổ và bị phân chia vào năm 476 S.C. Cái sừng đó có “mắt in như mắt người.” I Sa-mu-ên 9:9 nói rằng tiên tri được gọi là “tiên kiến” vì người nhìn sự việc với sự khôn ngoan và thấy trước của Đức Chúa Trời. Nhưng cái sừng nhỏ đó không có mắt của Đức Chúa Trời, mà là mắt của con người. Quyền lực đó không dựa vào sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời mà dựa vào sự khôn ngoan của loài người.
Một điều về cái Sừng Nhỏ làm cho nó khác biệt với những sừng khác một cách rõ rệt. Đa-ni-ên 7:24 nói rằng quyền lực của cái sừng nhỏ có tính cách “khác biệt” hay “khác với các sừng kia.” Sự phân chia của đế quốc La Mã trở thành những quốc gia hiện đại của Tây Âu và tất cả đều có tính cách chính trị. Cái sừng nhỏ này “khác biệt” vì nó là một quyền lực tôn giáo (hay ít ra cũng là một sự hòa hợp chính trị và tôn giáo).
Đa-ni-ên 7:8, 11, 20 nhấn mạnh rằng cái “sừng nhỏ” có “miệng nói những lời xấc xược.” Những bản dịch mới gọi là “những lời khoe khoang,” “những lời nói kiêu ngạo.” Sau hết, Đa-ni-ên 7:25 cho biết rằng “vua đó sẽ nói những lời phạm đến Đấng Rất Cao.” Đức Chúa Trời nói rõ ràng cho ta biết quyền lực đó, quyền lực tôn giáo này, “khác biệt” với các quyền lực chính trị tại Âu châu, quyền lực đó dấy lên tại La Mã, sau khi đế quốc La Mã bị phân chia. Nó sẽ lớn tiếng đưa ra nhiều đòi hỏi, và đặt ra nhiều luật lệ. Nó sẽ nói cách khoe khoang, kiêu ngạo, tự cho có quyền bất khả ngộ (không thể lầm lạc) để thay đổi Luật pháp Đức Chúa Trời và ngày thờ phượng của Ngài!
Chúng ta biết rằng hội Công giáo La Mã chịu trách nhiệm về sự thay đổi đã được nói trước vì hai lý do sau đây: (1) Chỉ có tổ chức này mới có thể làm điều đó, (2) họ đã thú nhận làm điều đó! Quyển Giáo lý cho Người Mới theo đạo (The Convert’s Catechism) viết theo thể vấn đáp là cuốn cẩm nang chính thức cho các tín đồ mới, trang 50 có nói rằng, “CÂU HỎI: Ngày nào là ngày Sa-bát? TRẢ LỜI: Thứ Bảy là ngày Sa-bát. CÂU HỎI: Tại sao chúng ta giữ Chủ Nhật thay vì ngày thứ Bảy? TRẢ LỜI: Chúng ta giữ Chủ Nhật thay vì ngày thứ Bảy, bởi vì hội Công giáo đã chuyển sự long trọng từ ngày thứ Bảy qua Chủ Nhật.” Đã nhiều lần, trong những văn thư chinh thức, giáo hội này tiếp tục nhận là họ đã thay đổi ngày đó!
Lời Truyền Khẩu Không Đáng Kể. Tư tưởng phổ thông cho rằng lời truyền khẩu nếu lâu đời và được nhiều người theo thì phải được tôn trọng. Như vậy, thì nghề mãi dâm, “một nghề có lâu nhất trên trái đất này,” đáng được chúng ta tôn trọng sao? Nhưng thật ra, một tập quán dù có lâu đời cũng không liên quan gì đến giá trị của tập quán ấy. Một sự lầm lạc cổ truyền chỉ chứng tỏ rằng chúng ta đi sai đường đã quá lâu rồi! Hơn nữa, nếu chúng ta chấp nhận giá trị của một tập quán được nhiều người theo, thì thật ra không có sự cạnh tranh; ngày thứ Bảy Sa-bát của Chúa sẽ thắng, vì đã được giữ từ khi tạo thế!
Đức Chúa Giê-su nói quan điểm của Ngài như thế nào về lời truyền khẩu loài người trong Ma-thi-ơ 15:3, 6, 9 và Ngài nói rõ ràng đó là sự thờ phượng “vô ích.”
Câu Hỏi Về Uy Quyền. Người ta hỏi tôi, “Ông Mark, một ngày thì có gì quan trọng? Vấn đề không phải là ngày mà là sự lựa chọn người chủ tể. Chúng ta không chỉ bàn đến vấn đề ngày tháng mà thôi. Chúng ta đang nói về vấn đề người chủ tể và sự trung tín với người chủ mà chúng ta lựa chọn. Ai là chủ tể của chúng ta? Đức Chúa Giê-su hay những nhà lãnh đạo hội thánh. Ngày thì không quan trọng, nhưng Kinh Thánh là quan trọng. Chúng ta sẽ theo lời truyền khẩu loài người hay Lời Đức Chúa Trời? Sự lựa chọn là của bạn. Sứ đồ Phi-e-rơ tuyên bố cách mạnh dạn rằng, “Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta” (Công vụ các Sứ đồ 5:29).
Nghiên Cứu Đa-ni-ên 7:25. Khi Đức Chúa Trời nói tiên tri rằng quyền lực của cái sừng nhỏ sẽ “định ý đổi những thời kỳ và luật pháp,” đó là nói về “luật pháp Chúa.” Còn luật lệ thế gian như luật lưu thông, luật thuế vụ, thì thay đổi thường xuyên nên không ai để ý tới nữa, và không được ghi chép trong Kinh Thánh. Chỉ có một trong Mười Điều răn của Đức Chúa Trời có liên quan đến thời gian, đó là điều răn thứ tư nói về ngày thứ Bảy là ngày Sa-bát. Nhưng tại sao lời tiên tri lại nói cái sừng nhỏ “định ý” thay đổi luật pháp? Có một quyền lực thế gian nào thật sự thay đổi được Luật pháp viết bằng chính ngón tay của Đức Chúa Trời chăng? Không, nhưng cái sừng nhỏ đã dám “định” thay đổi Luật pháp Đức Chúa Trời! Bản dịch Anh ngữ của Kinh Thánh Công giáo, đó là bản Kinh Thánh Douay, đã dịch Đa-ni-ên 7:25 như sau, “Và nó nghĩ rằng nó có thể thay đổi thời gian và luật pháp.”
Từ Sách Sáng Thế Ký Đến Sách Khải Huyền. Vị hồng y đầu tiên được hội Công giáo đề cử tại Hoa Kỳ là James Gibbons, Tổng giám mục tại Baltimore. Hồng y Gibbons được tôi coi như là một trong những anh hùng khi tôi lớn lên trong hội Công giáo. Ông là một học giả thông minh, và là tác giả quyển Đức Tin Của Tổ Phụ Chúng Ta đã được bán hằng triệu cuốn tại Hoa Kỳ. Sau đây là lời ông viết, trang 89, trong sách đó, “Bạn có thể đọc Kinh Thánh từ Sáng thế Ký đến Khải huyền, và bạn sẽ không tìm thấy một hàng chữ nào cho phép giữ Chủ Nhật làm ngày thánh. Kinh Thánh dạy phải giữ ngày thứ Bảy, ngày mà chúng tôi (người Công giáo) không bao giờ coi là ngày thánh cả.”
TRẮC NGHIỆM – 12
1. Chúng ta cần bác bỏ bất cứ lời tuyên bố nào nói rằng Đức Chúa Trời đã thay đổi Luật pháp Mười Điều răn vì Ngài đã phán Ngài chẳng “________ _________ đã ra khỏi môi miệng ta.”
(Hãy xem Thi thiên 89:34; Xuất Ê-díp-tô Ký 20:1-17; đặc biệt là câu 1.)
2. Bất cứ quan niệm nào cho rằng Đức Chúa Giê-su đã đổi ngày Sa-bát của điều răn thứ tư đều mâu thuẫn với lời phán rõ ràng của Ngài, “Đương khi ________ ________ chưa qua đi, thì một chấm một nét trong luật pháp cũng không qua đi được cho đến khi mọi sự được trọn.”
(Hãy xem Ma-thi-ơ 5:17-19.)
3. o Đúng o Sai
Đức Chúa Trời đã nói tiên tri cả mấy trăm năm trước rằng một quyền lực nào đó sẽ tìm cách thay đổi Luật pháp của Ngài.
(Hãy xem Đa-ni-ên 7:25.)
4. Vì không một ai có thể thay đổi luật pháp Đức Chúa Trời, nên trong Kinh Thánh đã nói rằng cái Sừng Nhỏ là một quyền lực “________ _____ đổi những thời kỳ và luật pháp” của Đức Chúa Trời, có nghĩa là quyền lực đó sẽ có ý định và tìm cách thay đổi luật pháp.
(Hãy xem Đa-ni-ên 7:25.)
5. o Đúng o Sai
Điều răn thứ tư nói về ngày Sa-bát là một điều răn duy nhất của luật pháp Đức Chúa Trời liên quan đến thời gian, như vậy là phù hợp với lời tiên tri về việc thay đổi bất hợp pháp về thời gian và luật pháp.
(Hãy xem Đa-ni-ên 7:25; Xuất Ê-díp-tô Ký 20:1-17.)
6. Trong khi Đa-ni-ên đang suy xét về mười cái sừng của con thú thứ tư, “và nầy có một cái sừng nhỏ khác ____ _______ những sừng ấy” nghĩa là cái sừng nhỏ có quyền lực sẽ mọc lên giữa mười nước đó; vậy thì không phải là ở Phi châu, Á châu, Úc châu, hoặc Bắc Mỹ hay Nam Mỹ, mà là một địa điểm tại La Mã!
(Hãy xem Đa-ni-ên 7:8.)
7. o Đúng o Sai
Đức Chúa Giê-su đã nói rõ ràng là lời truyền khẩu do loài người đặt ra không đáng kể—đặc biệt là những lời truyền khẩu trái ngược với Điều răn của Đức Chúa Trời.
(Hãy xem Ma-thi-ơ 15:3, 6, 9.)