BÀI 20. VUA CỦA GIAO ƯỚC
Trong bài học trước, chúng ta đã nghiên cứu 14 câu đầu của Đa-ni-ên 11. Phần này miêu tả những cuộc tranh chiến giữa Mê- đi Ba-tư và Hy Lạp, sau đó giữa vua phương bắc (Sy-ri) và vua phương nam (Ai Cập). Khi hai nước này tranh chiến nhau, thì xứ Palestine ở giữa không khỏi bị ảnh hưởng. Mục đích của các cuộc chiến tranh này là dành đất đai và quyền thế. Nước nào thắng cũng chiếm Palestine, là đất nằm ngay giữa đường hành quân của cả đôi bên. Vì thế dân sự Đức Chúa Trời đã kinh nghiệm nhiều năm đau khổ khi hai quyền lực này tranh chiến nhau.
Đôi khi chúng ta tự hỏi: Tại sao Đức Chúa Trời miêu tả chi tiết về những cuộc tranh chiến giữa vua phương bắc và vua phương nam? Trong đoạn này, sự hận thù được bộc lộ trong các hành động lừa đảo, tranh dành, chém giết lẫn nhau và cuối cùng, lòng kiêu ngạo và giận dữ của họ cũng chống lại Đức Chúa Trời và dân sự Ngài. Đại ý trong đoạn này cho ta thấy Ngài can thiệp vào những cuộc tranh chiến. Ngài phải chấm dứt sự hận thù tranh chấp. Trong bài này, chúng ta tiếp tục nghiên cứu Đa-ni-ên đoạn 11, bắt đầu từ câu 15 trở đi.
1. Vua phương bắc làm gì? (Đa-ni-ên 11:15).
a. Tiếp tục đánh Ai Cập
b. Gây chiến với La Mã
c. Kết đồng minh với La Mã đánh Ai Cập
Bất tuân lệnh của La Mã là phải tránh xa Ai Cập, năm 198 T.C., Antiochus III Đại đế tiếp tục sự hiếu thắng của mình. Ông tiến quân đến miền bắc biển Ga-li-lê, gần thành sau này gọi là Sê-sa-rê Phi-líp [là nơi Phi-e-rơ xưng Đức Chúa Giê-su là Con Đức Chúa Trời; Ma-thi-ơ 16:13-20], đánh bại đạo quân tinh nhuệ của Scopas, một tướng giỏi của Ai Cập. Đoàn quân bị bại rút lui về Sidon; Antiochus đuổi theo và bao vây họ rất chặt chẽ. Scopas bắt buộc phải đầu hàng. Sau cuộc chiến tranh này, vua phương bắc chiếm lại được Coele-Syria và Palestine, và nước Ai Cập không bao giờ làm chủ đất này nữa.
QUYỀN LỰC MỚI XUẤT HIỆN
2. Quyền lực nào chống lại vua phương bắc và đất vinh hiển? (Đa-ni-ên 11:16).
a. Lu-xi-phe
b. La Mã
c. Vua Scopas
Mặc dù Antiochus Đại đế thắng Ai Cập, nhưng vua không thể đứng nổi trước kẻ thù của mình là người La Mã. Không nước nào có thể chống lại được quyền lực mới dấy lên này. Năm 197 T.C., vua Phi-líp nước Ma-xê-đoan bị người La Mã đánh bại. Năm 195 T.C., họ đánh đuổi Antiochus III ra khỏi Ai Cập, xâm chiếm Tiểu Á. Đến năm 146 T.C. thì Ma-xê-đoan trở nên một tỉnh của La Mã, và năm 65 T.C., Sy-ri cũng chịu chung một số phận.
Quyền lực này “sẽ đứng trong đất vinh hiển, cầm sự hủy phá trong tay.” Đất vinh hiển là đất hứa Palestine (Ê-xê-chi-ên 20:6, 15). Người La Mã liên kết với người Giu-đa, dân sự Đức Chúa Trời, bằng hiệp ước năm 161 T.C. Từ ngày đó, La Mã đóng một vai trò quan trọng trong các lời tiên tri. Nhưng cuối cùng, sự liên kết với La Mã đã đem lại sự hủy hoại cho dân Giu-đa. Đây là trường hợp dân sự Chúa liên kết với thế gian. Nếu các nhà lãnh đạo Do Thái nghe theo lời các tiên tri Ê-sai và Giê- rê-mi, thì lịch sử đã được viết một cách khác. Năm 63 T.C., 3 tướng Pompey của La Mã, can thiệp vào sự tranh ngai vàng xứ Giu-đê của hai anh em Hyrcanus và Aristobulus, con của thầy tế lễ thượng phẩm. Gặp sự chống đối của Aristobulus, Pompey dẫn cả đạo binh La Mã tiến vào thành Giê-ru-sa-lem. Sau ba tháng cố thủ trong thành, phe Aristobulus bị bại, và 12,000 người Giu-đa bị giết. Khi cuộc chiến chấm dứt, Pompey phá đổ tường thành, đặt nhiều thành phố dưới quyền cai trị của Syri và bắt dân Giu-đa phải đóng thuế nặng nề. Đây là lần đầu tiên xứ Giu-đê bị bắt buộc phải phục quyền La Mã.
3. La Mã đã tranh chiến với vua phương nam thế nào? (Đa-niên 11:17).
a. Nước phương nam bị chia rẽ trong chính trị
b. La Mã can thiệp, tham gia phe này chống phe kia
c. Cả hai câu (a) và (b) đều đúng
Trong các nước ra từ đế quốc của A-lịch-sơn Đại đế, chỉ còn lại Ai Cập là giữ được ít nhiều sự độc lập mà thôi. Năm 51 T.C., vua phương nam là Ptolemy Auletes chết, để ngôi báu lại cho công chúa Cleopatra, và hoàng tử Ptolemy XII mới 10 tuổi. Theo di chúc và phong tục của hoàng gia, hai chị em sau này phải cưới nhau để đồng trị vì. Họ được đặt dưới quyền bảo trợ của La Mã vì còn nhỏ tuổi, nhưng Ptolemy tranh chiến cùng chị mình. Julius Caesar liền đến để dàn xếp cuộc xung đột. Bị quyến rũ bởi sắc đẹp của Cleopatra nên vua tranh chiến với Ptolemy XII. Cuối cùng, Caesar thắng, và Cleopatra theo vua về La Mã. Nhưng sau đó, nàng bỏ vua, theo Antony và dùng hết thế lực của mình để chống lại La Mã, đúng như lời tiên tri, Nàng không đứng bên cạnh hắn, và cũng không thuộc về người.
4. Số phận của Julius Caesar thế nào? (Đa-ni-ên 11:18, 19).
a. Vua bị ám sát
b. Vua bị phế truất
c. Vua bị đày biệt xứ
Julius Caesar phải rời Ai Cập để đến dẹp loạn ở Sy-ri và Tiểu Á. Sự chiến thắng của vua rất vinh quang, và vua có thể viết cho thượng nghị viện những lời lỗi lạc này, “Ta đến, ta thấy và ta thắng.” Cả thế giới đều quy hàng vua Caesar. Trở về La Mã, vua được đầy dẫy vinh quang và được xưng là người có quyền thống trị đời đời. Nhưng trên đỉnh vinh quang ấy, một hôm vua ngồi trong thượng nghị viện thì bị ám sát, năm 44 S.C. Vua té nhào, và người ta không thấy vua trong vòng người sống nữa, đúng theo lời thiên sứ đã nói tiên tri cùng Đa-ni-ên.
5. Vua nào ra lệnh thâu thuế cả thiên hạ? (Đa-ni-ên 11:20).
a. Ti-be-rơ
b. Augustus
c. Julius Caesar
Vì Julius Caesar không có con chính thức, nên Octavius, người cháu được vua nhận làm con nuôi lên kế vị. Ông được thượng nghị viện đặt cho danh hiệu Augustus. Vua là người ra lệnh thâu thuế cả thiên hạ. Lu-ca 2:1 nói như sau, “Lúc ấy, Sê-sa Au-gút-tơ ra chiếu chỉ phải lập sổ dân trong cả thiên hạ.” Bản dịch King James viết, “Vua Sê-sa Au-gút-tơ ra chiếu chỉ cả thiên hạ phải đóng thuế.” Chính chiếu chỉ này đã đem Ma-ri và Giô-sép tới Bết-lê-hem, và Đấng Cứu Thế đã giáng sinh tại đây (Lu-ca 2:4-7). La Mã đạt đến tột đỉnh vinh quang trong thời Sê-sa Au-gút-tơ. Mười tám năm sau, vua băng hà lúc 76 tuổi (14 S.C.). Ông chết bình an trên giường, không phải vì cơn giận dữ hay ở nơi chiến trường, đúng theo lời Kinh Thánh đã nói trước.
6. Ai là người kế vị Sê-sa Au-gút-tơ? (Đa-ni-ên 11:21).
a. Vợ thứ ba của vua
b. Ti-be-rơ
c. Không có ai lên nắm quyền
Sê-sa Au-gút-tơ chết, không có con kế tự. Người vợ thứ ba dụ được vua nhận con riêng của mình là Ti-be-rơ làm con nuôi. Cùng đường lắm, vua mới chịu nhận Ti-be-rơ, vì ông là người trụy lạc. Sau khi Au-gút-tơ băng hà, Ti-be-rơ hết sức nịnh bợ thượng nghị viện, và được giao cho quyền vương chính. Sự cai trị của vua này thật chuyên chế và độc ác. Vua chơi bời phóng túng, ham mê tửu sắc, ai ai cũng đều ghét vua.
VUA CỦA GIAO ƯỚC CHỊU KHỔ HÌNH .
7. Biến cố trọng đại nào đã xảy ra trong đời vua Sê-sa Ti-berơ? (Đa-ni-ên 11:22).
a. Nước vua bị các đạo binh của dân tộc man rợ xâm chiếm
b. Đức Chúa Giê-su bị đóng đinh trên thập tự giá
c. Cả hai câu (a) và (b) đều đúng
Trong đời vua Ti-be-rơ, các đạo binh xâm lược của dân tộc man rợ ngăm đe xâm chiếm đế quốc La Mã nhiều lần. Nhưng nhờ có Germanicus, một dũng tướng của vua thường đánh lui các quân xâm lăng, khiến chúng thất bại luôn hơn một thế kỷ.
“Vua của sự giao ước” đây chính là Đấng Mê-si mà thiên sứ Gáp-ri-ên đã nói đến trong Đa-ni-ên 9:27, “Người sẽ lập giao ước vững bền với nhiều người.” Trong đời vua Sê-sa Ti-be-rơ (14-37 S.C.), Đức Chúa Giê-su bắt đầu chức vụ Ngài năm 27 S.C., và bị lên án đóng đinh trên thập tự giá năm 31, do lệnh của Bôn-sơ Phi-lát, quan tổng đốc La Mã cai trị tại Palestine (Lu-ca 3:1; 23). Ngài đã lấy huyết mình để làm trọn giao ước đời đời, và cứu chuộc chúng ta khỏi sự rủa sả của tội lỗi. Nhờ Ngài chúng ta được trở nên con cái Đức Chúa Trời.
8. La Mã đã lập hòa ước với nước nào? (Đa-ni-ên 11:23, 24).
a. Vua Sy-ri
b. Ai Cập
c. Dân Giu-đa
Chữ “người” ở đây chỉ về đế quốc La Mã. Lời tiên tri đã ứng nghiệm trong thời ba vua Julius Caesar, Sê-sa Au-gút-tơ, và Sê-sa Ti-be-rơ. Sau khi đã miêu tả sơ lược về lịch sử của La Mã từ câu 14-22, và biến cố quan trọng nhất là sự chết của Đấng Mê-si, “vua của sự giao ước,” thiên sứ Gáp-ri-ên đem chúng ta trở lại thời gian khi người La Mã bắt đầu có những liên quan trực tiếp với dân sự Đức Chúa Trời bằng cách lập hòa ước với dân Giu-đa, lúc đó là “một dân ít người,” vào năm 161 T.C. Vì bị các vua Sy-ri đàn áp nặng nề, người Giu-đa đã xin La Mã trợ giúp, vì vậy họ đã ký thỏa hiệp với La Mã để hai bên giúp đỡ lẫn nhau. La Mã bắt đầu “làm việc cách dối trá,” để đạt mục đích. Từ đó, họ đã đạt tới đỉnh quyền lực, đúng theo lời tiên tri đã nói.
ÂM MƯU CỦA LA MÃ
9. La Mã đã hành động dối trá thế nào? (Đa-ni-ên 11:24).
a. Nhân lúc yên ổn chiếm lấy các khu đất tốt trong tỉnh
b. Dùng tài ngoại giao để trục lợi
c. Cả hai câu (a) và (b) đều đúng
Trước thời La Mã, các nước dùng quân sự để tranh dành quyền lực và đất đai. Nhưng người La Mã làm khác với những điều mà tổ phụ họ thường làm, nghĩa là “nhân lúc yên ổn chiếm lấy các khu đất tốt nhất trong tỉnh.” Họ đã bành trướng thế lực mình từ Bắc Phi tới Anh quốc, và từ Tây Ban Nha tới Palestine. Người La Mã thêm vào binh lực của mình tài ngoại giao tinh xảo. Họ có một phương châm là, “chia để trị.” Khi hai nước bất bình nhau thì La Mã đứng ra làm trung gian, giải hòa cho hai bên, để trục lợi và diệt từng nước một. Những thứ đã cướp được và vật báu của các nước đều đem về La Mã. Phần cuối của câu 24 nói, “nhưng chỉ trong một thì mà thôi.”
Như chúng ta đã học trong bài số 9, khi Kinh Thánh dùng chữ một thì là nói theo thời kỳ tiên tri, nghĩa là một năm, 360 ngày tức là 360 năm. Thời kỳ này bắt đầu khi nào? Câu 25 sau đây cho chúng ta câu trả lời.
10. Ai tranh chiến cùng vua phương nam? (Đa-ni-ên 11:25).
a. Vua Augustus
b. La Mã
c. Vua Vespasian
Mark Anthony, Augustus Caesar và Lepidus lập nhóm tam hùng và thề nguyện sẽ trả thù sự ám sát Julius Caesar. Anthony cưới em gái của Augustus là Octavia, rồi được cử làm lãnh sự ở Ai Cập, nhưng ông bị lôi cuốn bởi sắc đẹp của nữ hoàng Ai Cập Cleopatra, kiều diễm và phóng đãng, nên đã bỏ vợ mình để kết hôn với nàng. Điều này là phản lại thượng nghị viện và là một điều sỉ nhục cho đất nước, nên La Mã đã khai chiến với Ai Cập, nhưng thật ra là với Anthony, vì bây giờ ông lãnh đạo Ai Cập. Ông dự bị chiến tranh rất kỹ lưỡng, nên các chiến hạm của Ai Cập mạnh hơn của La Mã. Hai đội binh gặp nhau tại Actium ngày 2 tháng 9 năm 31 T.C. Khi khai chiến, Cleopatra khiếp sợ vì những tiếng động rung trời, rút lui, kéo theo 60 chiến hạm. Anthony vội vã nhảy lên thuyền nhỏ chạy theo. Tối hôm đó, cả hạm đội của Ai Cập bị thiêu hủy, và Augustus toàn thắng. Nhờ hủy diệt được Ai Cập mà La Mã đã làm bá chủ thế giới. Cuộc chiến này là điểm khởi đầu thời kỳ 360 năm. Từ năm 31 T.C., cộng thêm 360 năm thì tới năm 330 S.C., là năm 7 kinh đô của đế quốc được dời từ thành La Mã tới Constantinople.
11. Lý do sự thất trận của Ai Cập là gì? (Đa-ni-ên 11:26, 27).
a. Bị các đồng minh và bạn bè bỏ rơi
b. Bị Cleopatra phản bội
c. Do vua chỉ lo ăn chơi trụy lạc mà không lo phòng thủ
Anthony bị các đồng minh và bạn bè bỏ rơi; họ là các người “ăn trong bàn vua.” Các đạo quân trên đất, thất vọng về sự Anthony say đắm Cleopatra, nên tuyên bố đầu hàng và tình nguyện theo Augustus. Trong cơn giận dữ và tuyệt vọng, Anthony đã tự sát. Còn Cleopatra đã bị rắn độc cắn chết. Con rắn này được giấu trong giỏ trái cây, và được lén đem vô phòng của bà.
Anthony và Augustus, lúc đầu liên kết với nhau, nhưng dưới lớp áo thân thiện, cả hai đều muốn dành quyền làm bá chủ thế giới. Sự thân thiện chỉ là sự giả dối bề ngoài, nhưng trong lòng “chỉ chực hại nhau,” và “ngồi cùng bàn tiệc mà nói dối.”
12. Vua nào đối địch cùng giao ước thánh? (Đa-ni-ên 11:28).
a. Vua phương nam
b. Vua Sê-sa Ti-be-rơ
c. Vua La Mã
Ở đây nói tới hai lần trở về đất mình. Cuộc trở về thứ nhất là cuộc chiến thắng Ai Cập của Augustus đã nói trong câu 24. Ông trở về La Mã đem theo rất nhiều của cải đến nỗi giá trị của tiền bạc giảm đi một nửa. Augustus ăn mừng chiến thắng trong ba ngày. Cuộc trở về thứ hai là của Titus (con của vua Vespasian), sau cuộc tàn phá thành Giê-ru-sa-lem. Giao ước thánh là giao ước của Đức Chúa Trời với dân sự Ngài. Trong đời vua Vespasian, La Mã xâm chiếm Giu-đê, Ga-li-lê, Bê-tếtđa, Ca-bê-na-um, là những nơi Đấng Christ đã bị từ bỏ. Họ giết dân Giu-đa, và tàn phá tất cả mọi vật. Titus bao vây thành Giê-ru-sa-lem, đào hào chung quanh thành, đúng như Đấng Cứu Thế đã dự ngôn. Dân chúng trong thành bị đói kinh khủng đến nỗi các bà mẹ ăn thịt con mình, đúng như lời Môi-se đã nói trước trong sách Phục truyền 28:52-57, khi dân sự lìa bỏ Chúa. Cuộc bao vây thành Giê-ru-sa-lem kéo dài năm tháng. Kết quả: 110,000 người Giu-đa bị chết, và 95,000 người bị bắt làm phu tù. Thành Giê-ru-sa-lem bị san bằng, và nền của đền thờ bị quân lính cày lên. Cuộc chiến tranh kéo dài bảy năm, và gần một triệu rưỡi người Do Thái bị tử nạn. Như thế là La Mã đã đối địch cùng giao ước thánh, sau đó trở về đất của mình.
13. Số phận của La Mã sẽ như thế nào? (Đa-ni-ên 11:29).
a. Chiến tranh liên miên và mùa màng thất bác
b. Bị phân chia thành mười nước nhỏ
c. Ngày càng lớn mạnh
“Kỳ đã định” ở đây là nói về thời kỳ tiên tri trong câu 24. Vào năm 330 S.C., quyền lực này trở lại miền nam, nhưng không giống như hai lần trước: khi tới tranh chiến cùng Ai Cập, hoặc tàn phá thành Giê-ru-sa-lem. Hai lần trước là đi chinh phục và trở về trong vinh quang. Lần thứ ba này dẫn đến sự bại hoại. Sự dời kinh đô về Constantinople là dấu hiệu của sự sụp đổ của đế quốc. La Mã đã mất quyền thế. Khi vua Constantine băng hà, đế quốc được phân chia cho ba người con. Nhưng các dân man rợ miền bắc tranh chiến cùng La Mã và cuối cùng đế quốc này bị phân chia thành mười nước nhỏ vào năm 476 S.C. Kỳ sau, chúng ta sẽ nghiên cứu phần còn lại của đoạn 11.
TÓM LƯỢC
1) Đức Chúa Trời vẫn can thiệp vào lịch sử thế giới. “Ngài thay đổi thì giờ và mùa, bỏ và lập các vua” (Đa-ni-ên 2:21). Thật đúng với câu “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên.”
2) Những lời tiên tri nói hơn 500 năm trước về Đấng Mê-si đã được ứng nghiệm rất chính xác. Ngài đã giáng sinh trong thời Sê-sa Au-gút-tơ, vị vua thâu thuế cả thiên hạ, và đã chịu chết dưới thời Sê-sa Ti-be-rơ, vị vua La Mã phóng túng, chuyên chế.
3) Dân Giu-đa, vì không nghe lời các tiên tri, liên kết với người ngoại, và từ chối Đấng Mê-si, nên đã gánh chịu những hậu quả thảm khốc về tội lỗi mình: nước mất nhà tan, thành thánh và đền thờ bị hủy diệt, dân sự bị giết hoặc tản lạc khắp nơi. Thật đúng với câu, “Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong.”
QUYẾT ĐỊNH
- Tôi chấp nhận Đấng Cứu Thế làm Cứu Chúa của tôi, và làm theo lời dạy dỗ Ngài qua các đấng tiên tri.
Nghiên cứu sách Đa-ni-ên
Kiểm Tra 20
1) Quyền lực nào chống lại vua phương bắc và đất vinh hiển?
________________________________________________
2) Vua La Mã nào ra lệnh thâu thuế cả thiên hạ?
________________________________________________
3) Biến cố trọng đại nào xảy ra trong đời vua Sê-sa Ti-be-rơ?
________________________________________________
4) Số phận và thành của dân từ chối Đấng Christ như thế nào?
________________________________________________
________________________________________________
5) Số phận của La Mã ra sao?
________________________________________________
Tải về bài học (pdf) theo liên kết sau đây:
Tải về file trắc nghiệm (pdf) theo liên kết sau đây: