BÀI 21. TRANH CHIẾN CÙNG CHÚA VÀ DÂN NGÀI
Trong hai bài vừa qua, chúng ta đã quen thuộc với danh từ vua phương bắc và vua phương nam. Ngoài vấn đề nói về lịch sử của hai miền, hai danh từ này còn có ý nghĩa thiêng liêng. Vua phương bắc tiêu biểu cho những quyền lực mà Sa-tan dùng trong việc bắt bớ dân sự Đức Chúa Trời. Vua phương bắc cũng tượng trưng cho hệ thống tôn giáo giả ở phía bắc của Giê-ru-sa-lem, như Baby-lôn và La Mã (ngoại giáo La Mã và giáo hoàng La Mã). Hai hệ thống tôn giáo này đặt ra những luật lệ trái ngược với lẽ thật của Đức Chúa Trời, và thay thế luật pháp loài người cho luật pháp Đức Chúa Trời. Vua phương nam tiêu biểu cho Ai Cập. Vua Pha-ra-ôn thách thức Đức Chúa Trời với những lời phạm thượng, “Giê-hô-va là ai mà trẫm phải vâng lời người?” (Xuất Ê-díptô Ký 5:2). Như vậy, vua phương nam tiêu biểu cho những quyền lực chống nghịch, xấc xược và vô thần trải qua các thế kỷ.
Vua phương nam tiêu biểu cho những quyền lực chính trị bắt bớ Cơ Đốc nhân, tôn thờ chủ nghĩa xã hội, nhân bản và vô thần. 2 Trong bài vừa qua, chúng ta đã nghiên cứu về sự xuất hiện, bành trướng của La Mã và ảnh hưởng của họ trên dân Giu-đa, là dân của giao ước. Sau khi vua Constantine dời kinh đô về Constantinople (330 S.C.) và nhường chỗ cho giáo hoàng lên nắm quyền hành ở La Mã thì đế quốc bắt đầu suy sụp. Trong bài này, chúng ta sẽ nghiên cứu phần chót của đoạn 11, từ câu 30 tới 45.
NGHỊCH CÙNG GIAO ƯỚC THÁNH
1. La Mã bị nước nào chống nghịch? (Đa-ni-ên 11:30).
a. Ai Cập
b. Mỹ
c. Vandales
Những tàu ở Kít-tim là đội thủy binh rất mạnh của người Vandales thành lập tại bắc Phi Châu từ năm 429 S.C. Sau đó, dưới sự chỉ huy của tướng Genseric, chúng tàn phá hết các nước ở dọc theo bờ biển Địa Trung Hải. Chiến hạm của La Mã đã hai lần bị tướng Genseric hủy diệt, rồi đến năm 455 S.C., chúng vào La Mã cướp phá tan tành. Về sau, năm 475 S.C., nước La Mã hướng tây bị tiêu diệt.
“Nghịch cùng giao ước thánh và làm theo ý mình.” Đây nói về sự tìm cách hủy diệt giao ước của Đức Chúa Trời bằng cách hủy diệt Kinh Thánh, quyển sách giao ước. Người Heruli, Goths, và Vandals đã thắng được La Mã, nhưng có đức tin khác với giáo hội, nên trở thành kẻ thù của hội Công giáo. Vì muốn tuyệt diệt nhóm dị giáo này mà vua Justinian (527-565 S.C.) đã ban sắc lệnh rằng giáo hoàng là đầu hội thánh và là người sửa trị những người theo dị giáo. Kinh Thánh được coi như là một quyển sách nguy hiểm, và dân chúng bị cấm không được đọc.
2. Quyền lực nào đã ứng nghiệm lời tiên tri này? (Đa-ni-ên 11:31).
a. La Mã
b. Hệ thống Giáo hoàng
c. Đức Chúa Giê-su
Sự phân chia đế quốc La Mã ra làm mười tiểu quốc (xin xem bài học số 3) mở đường cho sự thành lập hệ thống giáo hoàng, là hệ thống làm “ô uế nơi thánh.” Hệ thống này với những giáo điều lầm lạc khiến người ta hiểu sai thánh chức của Đức 3 Chúa Giê-su là Đấng cầu thay cho chúng ta ở đền thánh trên trời. Lễ mi-sa của Công giáo dạy rằng Đấng Christ dâng mình làm của lễ mỗi ngày trên bàn thờ chúng ta; điều này trái với sự dạy dỗ của Kinh Thánh; vì trong Hê-bơ-rơ 7:27 viết, “Ngài [Đấng Christ] làm việc đó một lần thì đủ cả, mà dâng chính mình Ngài làm tế lễ.” Thay vào chức Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của Đức Chúa Giê-su trong đền thánh trên trời, hội Công giáo thiết lập hệ thống linh mục để tự nhận mình có quyền tha tội và mở cửa thiên đàng cho những kẻ vi phạm luật pháp. Như vậy ứng nghiệm lời tiên tri, “sự gớm ghiếc làm ra sự hoang vu.”
3. Quyền thế giáo hoàng tiếp tục làm gì? (Đa-ni-ên 11:32).
a. Dỗ dành những người nghịch cùng giao ước
b. Giúp những người nghèo khó
c. Tiếp tục sứ mạng của Đấng Christ
Sa-tan thường dùng những lời nịnh hót để đạt mục đích mình. Giáo hoàng dùng những lời nịnh hót để dỗ dành những người nghịch cùng giao ước. Năm 533 S.C., vua Justinian muốn khai chiến với người Vandals, và muốn được giáo hoàng La Mã chấp thuận và hợp tác, nên cũng dùng những lời nịnh hót, xưng tụng người là “Giáo chủ của tất cả các hội thánh, và là người sửa trị các nhóm theo dị giáo.” Dân Arian Goths bị đạo quân của giáo hoàng tiêu diệt năm 538 S.C. Đây là khởi điểm của thời kỳ tiên tri 1260 năm (538-1798) thống trị của giáo hoàng La Mã.
“Nhưng dân sự biết Đức Chúa Trời mình sẽ mạnh mẽ mà làm.” Những người trung tín với Chúa phải chạy trốn tới những nơi hẻo lánh, xa xôi, trong rừng sâu, núi thẳm; nhưng họ phái những mục sư trẻ tuổi đi khắp nơi rao truyền lời Chúa cho nhiều người.
SỐ PHẬN DÂN SỰ ĐỨC CHÚA TRỜI
4. Dân sự Chúa sẽ làm gì và bị đối xử thế nào? (Đa-ni-ên 11:33).
a. Được nhiều phúc lợi từ giáo hoàng
b. Bị bắt bớ và tiêu diệt
c. Gia nhập vào hệ thống giáo hoàng
Trong thời Trung cổ, những tín đồ trung thành với lời Đức Chúa Trời, trong số đó có người Waldenses, Hussites, Lollards, 4 Lutherans; họ thà bị treo cổ, bị gươm chém, bị đốt trên giàn hỏa, bị hành hạ trong các ngục thất tối tăm, và gia sản họ bị tịch thu, còn hơn là từ bỏ đức tin của mình. Họ huấn luyện các mục sư và phái đi khắp nơi dạy dỗ nhiều người. Các mục sư của họ giả làm bác sĩ, thợ mộc, người bán hàng rong, giấu kín những trang Kinh Thánh trong áo để chia xẻ với những người muốn nghe. Họ phải chịu nhiều thử thách lớn lao bởi sự bắt bớ dữ dội của hệ thống giáo hoàng La Mã. Về sau, hội Công giáo còn thiết lập các tòa án đạo để tăng cường sự bắt bớ và tiêu diệt họ. Những sự bắt bớ ấy rất kinh khủng trải qua nhiều thế kỷ.
5. Những cuộc bắt bớ có ảnh hưởng thế nào trên hội thánh? (Đa-ni-ên 11:34, 35).
a. Dân sự Chúa bị tiêu diệt toàn bộ
b. Dân sự Chúa bỏ đạo
c. Dân sự Chúa được luyện lọc
Khải huyền 12:6, 13-16 chép rằng người đàn bà tượng trưng cho hội thánh trốn vào đồng vắng và được Đức Chúa Trời nuôi dưỡng. “Đất tiếp cứu người đàn bà; vì đất hả miệng nuốt sông mà con rồng đã phun ra từ miệng nó” (câu 16). Martin Luther khởi xướng phong trào Cải chánh, và chính phủ Đức tiếp nhận đức tin Cải chánh, nhờ đó ngăn chặn được phần nào sự bắt bớ của giáo hoàng. Khi được sự giúp đỡ thì phong trào trở nên thịnh hành và được nhiều người theo; do đó, có những người gia nhập mà không hoán cải, nhưng “lấy lời nịnh hót mà theo họ.”
Mặc dù sự bắt bớ giảm bớt, nhưng không hoàn toàn bị tiêu diệt, mà bùng nổ trở lại khi có dịp thuận tiện. Ở Pháp, năm 1572, trong cuộc tàn sát St. Bartholomy, 60,000 người Huguenots theo đức tin Cải chánh đã bị giết. Năm 1655, người Waldenses bị đánh đuổi ra khỏi nơi ẩn náu của họ trong dãy núi Alpes. Năm 1685, có nhiều sự bắt bớ khác làm đổ huyết các tín đồ Cải chánh trong dịp bãi bỏ sắc lệnh Nantes. Những sự bắt bớ cứ kéo dài mãi cho tới cuộc cách mạng Pháp năm 1798, là năm khởi đầu “thời kỳ sau rốt, vì việc đó còn có kỳ nhất định.” Những sự bắt bớ này đã luyện lọc những con cái thật của Chúa, làm cho họ tinh sạch và trắng. Như vậy, có thể kết luận rằng, quyền lực bắt bớ này chỉ được hoành hành cho tới “kỳ nhất định” nghĩa là 1260 năm, và năm 1798 là khởi đầu cho thời “kỳ sau rốt”, vì lúc đó giáo hoàng Pius VI bị tướng Berthier của Pháp bắt bỏ tù. Nhưng sách Khải huyền cho biết, “vết thương chết ấy được lành, và cả thế gian đều lấy 5 làm lạ mà theo con thú đó” (Khải huyền 13:3).
THẾ LỰC GIÁO HOÀNG VẪN HOÀNH HÀNH
6. Ai là vị vua tôn mình lên cao hơn hết? (Đa-ni-ên 11:36).
a. Giáo hoàng La Mã
b. Vua Justinian
c. Vua Vespasian
Câu này miêu tả các hành động của quyền thế giáo hoàng. Đây là những lời phạm thượng của các giáo hoàng khi họ tôn mình lên cao hơn Đức Chúa Trời, nhất là khi họ tuyên bố có quyền giết dân sự trung tín của Đức Chúa Trời và thay đổi luật pháp Mười Điều răn mà Ngài viết bằng chính ngón tay Ngài trên núi Si-nai. Như vậy, phải chăng quyền thế này đã tôn mình lên cao hơn Đức Chúa Trời? Chúng ta cũng nhận biết rằng sự miêu tả này giống như sự miêu tả về công việc xấc xược của cái sừng nhỏ trong Đa-ni-ên 7:8, 25; 8:23-25. Điều này giúp chúng ta nhận diện rõ ràng chức vị giáo hoàng là quyền lực đang được miêu tả ở đây.
7. Vua này tôn kính thần lạ nào? (Đa-ni-ên 11:38).
a. Đức Chúa Giê-su
b. Đức Mẹ Ma-ri
c. Sa-tan
Vị thần lạ được tôn kính bằng vàng, bạc và đá quý chính là Đức Mẹ Ma-ri mà tín đồ Công giáo tôn sùng hơn Đức Chúa Giê-su.
8. Vua cậy thần lạ giúp mình làm gì? (Đa-ni-ên 11:39).
a. Truyền bá Tin lành
b. Chữa bệnh
c. Đánh chiếm những nước khác
Các giáo hoàng thời Trung cổ đã cậy sự trợ giúp của Đức Mẹ Ma-ri và mướn quân đội để đạt mục tiêu chính trị, và giáo hoàng Julius II (tự xưng là Julius Caesar II) đã dẫn quân đội đi chinh chiến, và chiếm các đất đai. Đây có thể nói giáo hoàng là người có quyền quyết định phân chia đất, chẳng hạn như các giáo hoàng La Mã đã chia những phần đất ở Tân thế giới cho các vua Tây Ban Nha, Bồ-đào-nha, Pháp và Anh. 6 Cũng như các đoạn 2, 7 và 8, đoạn 11 miêu tả sự thăng trầm của những đế quốc khác nhau. Với chi tiết làm mọi người kinh ngạc, thiên sứ Gáp-ri-ên đã cho thấy điều gì sắp xảy ra ở Mê- đi Ba-tư, Hy Lạp, La Mã và chế độ giáo hoàng. Chỉ có sự biết trước của Đức Chúa Trời mới có thể miêu tả cho chúng ta những chi tiết rõ ràng về lịch sử của các cuộc tranh chiến hằng trăm năm trước khi việc xảy ra. Nhưng chúng ta đừng quên điểm chính đằng sau tất cả mọi việc này. Đó là Đức Chúa Trời nắm quyền kiểm soát những biến cố thế giới. Khi các quốc gia dấy lên hoặc sụp đổ, Ngài nắm quyền kiểm soát và cuối cùng, Ngài sẽ thành đạt ý muốn mình.
LỜI TIÊN TRI VỀ THỜI KỲ SAU RỐT
9. Việc gì sẽ xảy ra vào thời kỳ sau rốt? (Đa-ni-ên 11:40).
a. Vua phương nam sẽ tranh chiến cùng người
b. Vua phương bắc và phương nam lại đánh nhau
c. Trái đất sẽ hòa bình mãi mãi
Tại thời điểm này trong lời tiên tri, chúng ta đã tới thời kỳ sau rốt. Vì những biến cố miêu tả trong các câu 40-45 trong sách Đa-ni-ên vẫn là thời tương lai, chúng ta không nên quá quyết đoán vào sự thành tựu chính xác của những biến cố này. Tuy nhiên, chúng ta có thể nghiên cứu điều mà thiên sứ Gáp-ri-ên nói trước những quyền lực này sẽ thi hành trong ngày sau rốt.
10. Vua phương bắc làm gì trong những ngày sau rốt? (Đa-niên 11:40).
a. Làm đồng minh với vua đó
b. Đánh vua phương nam và vua đó
c. Đánh vua đó
Cả vua phương nam và vua phương bắc sẽ tham dự vào cuộc xung đột mạnh mẽ này trong thời sau rốt.
11. Vua phương bắc lấn vào phần đất nào? (Đa-ni-ên 11:41).
a. Đất Mỹ
b. Đất vinh hiển
c. Phần đất của vua phương nam
Đất vinh hiển là Palestine (Ê-xê-chi-ên 20:6, 15). 7
12. Trong thời kỳ cuối cùng, lãnh thổ của phương bắc sẽ như thế nào? (Đa-ni-ên 11:42, 43).
a. Bị thu hẹp
b. Không còn nữa
c. Trãi rộng thêm
13. Điều gì khiến vua phương bắc bối rối? (Đa-ni-ên 11:44).
a. Tin tức từ phương đông và phương bắc
b. Quân đội Hoa Kỳ
c. Tin lành
14. Khi bối rối như vậy thì người làm gì? (Đa-ni-ên 11:44).
a. Đầu hàng
b. Tìm nơi ẩn trốn
c. Tàn phá và hủy diệt nhiều người
Ở đây, một lần nữa, sự xung đột lớn sau cùng được miêu tả, trong đó quyền lực này sẽ đi ra hủy diệt tất cả những ai chống lại nó.
15. Quyền lực này sẽ đặt trại mình ở đâu? (Đa-ni-ên 11:45).
a. Khoảng giữa biển cùng núi vinh hiển và thánh
b. Giữa biển Thái Bình Dương
c. Trên núi
“Núi vinh hiển” tiêu biểu cho đền thờ Giê-ru-sa-lem. Đặt trại mình giữa biển và đất vinh hiển tiêu biểu cho sự xâm phạm đến chức vụ của Đấng Christ trong đền thánh. Hậu quả của hành động này là vua phương bắc sẽ bị phạt và “sẽ đến sự cuối cùng mình.”
16. Điều gì xảy đến cho quyền lực này khi nó chinh phục núi vinh hiển và thánh? (Đa-ni-ên 11:45).
a. Nó được nổi tiếng
b. Nó được làm bá chủ thế giới
c. Nó bị tiêu diệt
Tạ ơn Đức Chúa Trời, quyền lực này sẽ chấm dứt! Sự đấu tranh lớn cuối cùng sẽ ngưng. Quyền lực này tìm cách hủy diệt dân sự Đức Chúa Trời trong ngày sau rốt, nhưng lời Chúa nói trước là, “người sẽ đến sự cuối cùng mình, và chẳng có ai đến giúp đỡ người cả.” Nhiều chi tiết về sự xung đột cuối cùng không được khải thị rõ ràng trong Đa-ni-ên đoạn 11. Tuy nhiên, chúng ta biết rõ là sẽ có một cuộc đấu tranh lớn cuối cùng giữa thiện và ác, và Đấng Christ cùng dân sự Ngài sẽ thắng trong cuộc đấu tranh này. Trong khi Đa-ni-ên không đề cập đến những quyền lực này với chi tiết rõ ràng, sách Khải huyền phác họa rõ những quyền lực tham dự vào sự tranh đấu cuối cùng của nhân loại. Thật hợp lý nếu nói rằng chính những quyền lực này đang sửa soạn cho cuộc xung đột cuối cùng được miêu tả trong Đa-ni-ên đoạn 11.
Chúng ta đã nghiên cứu Đa-ni-ên đoạn 11. Có những lời tiên tri đã ứng nghiệm, có những điều chưa được ứng nghiệm. Mục đích của lời tiên tri không phải luôn luôn cho chúng ta kiến thức về các sự kiện trong tương lai, nhưng để giúp chúng ta hiểu sau khi lời tiên tri đã ứng nghiệm để gây dựng đức tin chúng ta. Như Đức Chúa Giê-su đã phán, “Hiện nay ta đã nói những điều đó với các ngươi trước khi xảy đến, để khi những điều đó xảy đến thì các ngươi tin” (Giăng 14:29).
TÓM LƯỢC
1) Một lần nữa, Đức Chúa Trời miêu tả những hành động của quyền thế giáo hoàng như: làm ô uế nơi thánh, cất của lễ thiêu hằng dâng, lập sự gớm ghiếc làm ra sự hoang vu, bắt bớ và sát hại dân sự Ngài, nói nghịch cùng Chúa, v. v.
2) Dân sự Đức Chúa Trời, mặc dù bị bắt bớ, bị giết bởi gươm, bị thiêu sống, phải trải qua nhiều điều cực khổ, nhưng vẫn trung tín với Ngài, và rao truyền hột giống lẽ thật khắp nơi. Vì bị bắt bớ, đàn áp mà hội thánh Chúa được “luyện lọc, và làm cho tinh sạch, và trắng.”
3) Đức Chúa Trời vẫn cầm quyền điều khiển. Là Quan án công bình, Ngài sẽ phạt những kẻ ác, bắt bớ dân sự Ngài, và thưởng cho những người công bình, trung tín với Ngài.
QUYẾT ĐỊNH
- Tôi quyết định trung thành với Chúa dù phải hy sinh tất cả, vì tôi biết Ngài không bao giờ bỏ dân sự trung tín của Ngài.
Nghiên cứu sách Đa-ni-ên
Kiểm Tra 21
1) Quyền thế nào đã “lập sự gớm ghiếc làm ra sự hoang vu”?
________________________________________________
2) Những cuộc bắt bớ đạo có ảnh hưởng thế nào trên hội thánh?
________________________________________________
3) Ai là vua tự tôn lên cao hơn hết và nói nghịch cùng Chúa?
________________________________________________
4) Số phận quyền lực này thế nào khi đặt trại tại núi vinh hiển?
________________________________________________
5) Đoạn 11 được chia ra làm mấy phần?
________________________________________________
________________________________________________
Tải về bài học (pdf) theo liên kết sau đây:
Bai 21 – Tranh Chien Cung Chua Va Dan Ngai
Tải về file trắc nghiệm (pdf) theo liên kết sau đây: