Cứ vào tháng 12 mỗi năm thì người ta lại được nghe bài “Silent Night! Holy Night” ‘Đêm yên lặng! Đêm Thánh này! Vắng vẻ thay! Sáng láng thay! Chung quanh chốn Mary đang ngắm con mình, Con trai Thánh rất tươi vui, rất an bình …’ ở trong các sảnh thương mại, trong các giáo đường và các phòng hòa nhạc ở khắp mọi nơi trên thế giới. Điều hi hữu là thế giới có lẽ đã chẳng bao giờ có được khúc nhạc tuyệt vời này nếu đã không có xẩy ra cái chuyện khủng hoảng lớn vào những phút cuối trước lễ Giáng Sinh trong một ngôi nhà thờ ở cái làng Obendorf nhỏ bé tại nước Áo.
Năm ấy là năm 1818, không khí trong nhà thờ Thánh Nicholas vào buổi trưa trước lễ Giáng Sinh không có gì là vui mừng cả. Joseph Mohr mới 26 tuổi, là vị phụ tá linh mục ở nhà thờ này vừa khám phá ra rằng cái dàn đàn ống đại phong cầm đã bị hư hại nặng nề. Dù cho anh chàng có cố gắng hết sức bơm mạnh những bàn đạp của chiếc đàn thì anh chỉ tạo nên âm thanh của những tiếng thở khò khè phát ra từ cái đàn cũ kỹ. Nếu đợi cho có người chữa đàn chuyên môn đến thì lễ Giáng Sinh này cũng sẽ qua đi từ lâu rồi. Đối với vị linh mục trẻ này thì lễ Giáng Sinh mà không có âm nhạc thì là chuyện không thể tưởng tượng nổi và không thể nào chấp nhận được. Joseph Mohr là người có tài năng thiên phú về âm nhạc. Khi còn nhỏ ông đã kiếm tiền bằng cách đi hát và chơi đàn vĩ cầm và tây ban cầm ở những nơi công cộng. Ông trải qua hết bậc đại học cũng nhờ vào tiền ông làm ra từ việc đi trình diễn đàn hát. Trình độ học vấn cùng năng khiếu âm nhạc của ông đã gây sự chú ý của một tu sĩ và vị này đã khuyến khích ông hãy gia nhập vào dòng đạo. Sau khi được thụ phong vào năm 1815 thì Joseph Mohr được chỉ định cho làm việc tại Oberndorf vào năm 1817.
Oberndorf nằm ở thung lũng Tyrol ở đỉnh núi Alpes. Quanh năm thung lũng vẫn hấp dẫn nhiều du khách, không phải chỉ vì những tường thành hay bờ thấp bằng tuyết mà thôi nhưng vì sự thông biết âm nhạc phổ biến từ nơi từng em nhỏ ở đây nữa. Trong làng có ông Franz Gruber là giáo sư và là nhạc sĩ của ngôi nhà thờ, khi Joseph về đó thì trở nên bạn thân với vị giáo viên trẻ này. Vì cả hai đều ưa thích âm nhạc cho nên họ vẫn thường tâm tình với nhau rằng bài thánh ca Giáng Sinh tuyệt hảo cho đến lúc này vẫn chưa được ai viết ra cả, bài hát ấy vẫn chưa xuất hiện nơi dương trần này… Tại Obendorf ông Joseph Mohr đã không những là người giảng đạo giỏi dang mà còn tạo ra rất nhiều ngạc nhiên cho giáo xứ khi ông vừa có thể hướng dẫn thờ phượng mà vừa gãy đàn guitar. Bây giờ đây đứng trước cái chuyện khó khăn vô cùng cho lễ Giáng Sinh này, Joseph nghĩ thầm rằng âm nhạc duy nhất có thể dùng cho tối nay chỉ có thể bằng đàn guitar mà thôi. Ông thừa biết rằng các bài hát Giáng Sinh nghe sẽ không hay lắm với tiếng đàn bằng dây cho nên ông quyết định phải sáng tác ra một cái gì đó mới lạ.
Joseph Mohr ngồi yên lặng trong nhà thờ nhìn ra cảnh tượng bên ngoài đầy tuyết phủ. Trước cảnh thung lũng đẹp đẽ, ông thấy lòng mình thật tràn đầy bình an lẫn hớn hở và dường như ông được đưa trở về với ngày giáng sinh đầu tiên tại Do Thái mà từ đó tin mừng về Con Trời giáng hạ đã được loan truyền…Khi suy nghĩ đến sự việc Chúa Giê-xu đã giáng sinh trong cảnh đơn sơ nghèo nàn 1900 năm về trước ông bắt đầu viết xuống những vầng thơ mà dường như đã tiềm tàng trong ý tưởng của ông từ lâu lắm rồi, giờ đây thoát ra thành từng tiếng một… ‘Đêm yên lặng, đêm thánh vô cùng…’ Với những câu đơn giản vị linh mục trẻ này đã cảm hứng thuật lại câu chuyện giáng sinh của Chúa Cứu Thế qua sáu khổ thơ ngắn. Về phần âm nhạc thì Joseph cầu cứu người bạn thân của mình là Franz Gruber, người có trình độ âm nhạc rất cao. Frank sống chung với toàn thể gia đình bà con đông đảo của ông trên tầng gác đơn sơ chật chội của ngôi trường làng. Joseph đã bày tỏ tình cảnh khó khăn tiến thoái lưỡng nan của mình rồi đưa cho bạn xem sáu đoạn thơ ngắn hỏi rằng Franz có thể nào soạn nhạc để đàn bằng guitar cho kịp giờ thờ phượng lễ giữa đêm nay. Theo như lời của các nhà viết sử, là những người đã sưu tầm góp nhặt mọi chi tiết chung lại với nhau thành nên câu chuyện, thì Franz Gruber sau khi đọc xong đã xúc động bởi nét đẹp đẽ hồn nhiên của những câu thơ mà Joseph đã thảo ra và nói với bạn rằng: Chính anh đã là người viết ra cái bài thánh ca mà chúng ta vẫn từng mong đợi! Franz liền lập tức soạn nhạc cho bài thơ…
Vì chẳng có đủ thì giờ để luyện tập cho nên cả hai đều đồng ý với nhau là Joseph sẽ đàn guitar và hát giọng nam cao tenor trong khi Franz thì hát giọng trầm và cứ sau mỗi đoạn hát thì ca đoàn của nhà thờ sẽ hòa theo vào phần điệp khúc. Vào gần nửa đêm giáo dân đã đến chật cứng cả nhà thờ Thánh Nicholas hy vọng được nghe người chơi đàn đại phong cầm tấu lên những nốt nhạc Giáng Sinh hùng tráng vang vọng… nhưng thay vào đó họ thấy nhà thờ của họ yên lăng như tờ và ông Joseph Mohr thì đang cố phân bua với họ là cái đàn ống đã bị hư hỏng nhưng vào lễ nửa đêm thì sẽ có phần nhạc mới soạn dành đặc biệt cho giáo dân…và rằng ông sẽ chơi đàn guitar và sẽ có hai giọng hát và ca đoàn sẽ chung hòa bốn giọng…
Joseph Mohr đã tiến hành buổi lễ, mặc dù không có tiếng đàn đại phong cầm nhưng giáo dân đã cảm thấy là họ vừa được trải qua một kinh nghiệm Giáng Sinh duy nhất và đáng ghi nhớ. Bài hát đã cảm động lòng người. Sự bình an kỳ diệu của Chúa đã tràn ngập họ cùng với lòng cung kính tôn thờ Ngài. Câu chuyện của ‘Đêm Yên Lặng’ gần như chấm dứt sau buổi tối hôm ấy khi mà Joseph Mohr đem cất bài hát đi vì nghĩ rằng nó sẽ chẳng bao giờ được đem ra sử dụng lại. Dù sao đi nữa thì nó cũng chỉ là một giải pháp tạm thời cho một sự trục trặc kỹ thuật nhất thời. Joseph Mohr sau đó được thuyên chuyển đến một giáo xứ khác và trong suốt 7 năm sau đó ‘Đêm Yên Lặng’ đã chẳng bao giờ được hát lên cả.
Tuy nhiên vì cái đàn ống của nhà thờ Thánh Nicholas cứ tiếp tục bị trục trặc cho nên đến năm 1825 giáo xứ buộc lòng phải mướn một người chế đàn tài giỏi là ông Carl Mauracher đến để làm lại chiếc đàn. Trong lúc làm việc tại đó thì ông Carl Maurachen khám phá ra bản nhạc bị bỏ lại bởi Joseph Mohr. Sự giản dị đơn sơ của bài hát đã thu hút sự chú ý của người tạo đàn này và ông đã xin phép để sao chép lại bản ‘Đêm Yên Lặng’. Sau khi đã được sự chấp thuận, ông này đã bắt đầu đem bài hát Giáng Sinh này ra giới thiệu với các nhạc sĩ và nhiều người nghe và tất cả ai ai cũng đều cảm xúc trầm trồ khen hay. Chẳng bao lâu thì những nghệ sĩ hát dân ca lưu diễn đi du ngoạn thường xuyên khắp các vùng của Âu Châu đã đem bài hát này cộng thêm vào chương trình diễn xuất của họ. Mặc dù bài thánh ca đã khơi động một tiếng vang lớn khắp Âu Châu, thế nhưng Joseph Mohr và Franz Gruber đã không hề hay biết gì về ảnh hưởng của bài hát mà họ đã cùng nhau sáng tác. Joseph Mohr qua đời trong nghèo khó vì bệnh viêm phổi vào năm 1848 lúc ông 55 tuổi. Ông không hề biết rằng bài hát của ông đã lan đi khắp địa cầu.
Riêng ông Franz Gruber thì lần đầu tiên ông biết được về sự thành công của bài hát là vào năm 1854 khi mà người nhạc trưởng của hoàng đế Frederic William Đệ Tứ của nước Phổ bắt đầu tìm kiếm tông tích của những tác giả của bài thánh ca. Khi tin này đến tai Franz Gruber thì lúc ấy ông đã 67 tuổi. Ông đã viết một lá thơ gởi đi Bá-Linh để kể lại nguồn gốc của bản nhạc. Ban đầu thì có rất ít người chịu tin là đã có hai người đàn ông từ những làng thôn tăm tối lại có thể làm nên một tác phẩm âm nhạc thanh tú đến như vậy. Khi Gruber qua đời vào năm 1863 thì nguồn gốc tác giả của ông vẫn bị người ta nghi ngờ thách thức không thừa nhận. Mãi về sau thì những sự nghi vấn này mới chấm dứt khi các sử gia xác nhận là chính thật Franz Gruber và Joseph Mohr là những tác giả của bài hát. Cũng vào năm ấy linh mục John Freeman Young, sau này trở thành Giám mục nhà thờ Tân giáo ở Florida, đã phiên dịch 3 câu của bài hát ra Anh ngữ mà cho đến ngày nay người ta vẫn còn sử dụng.
Ngày nay ‘Đêm Yên Lặng’ đã được hát ở trên khắp mọi lục địa bằng vô số ngôn ngữ khác nhau từ nguyên thủy tiếng Đức cho đến tiếng Nga, từ tiếng Swahili cho đến tiếng Trung Hoa. Nó đã được hát xướng bởi các ca đoàn trong và ngoài nhà thờ. Bing Crosby và Elvis Presley đã thâu thanh nó vào đĩa nhạc. Bất kể với ngôn ngữ nào hay dưới hình thức trình diễn âm nhạc nào – nhạc giao hưởng hay nhạc đồng quê hoặc nhạc phương Tây- thì người hát cũng như kẻ nghe bài hát này đều cùng cảm xúc một niềm vui và một niềm bình an sâu xa giống như nhau. Joseph Mohr người linh mục trẻ và người bạn làm nghề thầy giáo Franz Gruber của ông đã hát bài hát này lần đầu tiên cách đây gần 200 năm. Chắc hẳn là hai người này phải rất hài lòng về việc bài hát của họ vẫn làm cảm động và ảnh hưởng lên tâm hồn và đời sống con người ngày nay. Mặc dầu đã được viết ra từ đầu thế kỷ thứ 19 nhưng bản thánh ca ‘Đêm Yên Lặng’ của họ vẫn tiếp tục tạo tác động mạnh mẽ trên tấm lòng của con người của thế kỷ thứ 21 này.
Bản nhạc này đã được nhạc sĩ Hùng Lân “Việt hóa” từ hơn nửa thế kỷ trước tại Việt nam Ông không chuyển dịch bài ca nhưng đặt lời hoàn toàn mới. Sau đây là lời của bài hát ‘Đêm Thánh Vô Cùng’ viết bởi nhạc sĩ Hùng Lân:
Đêm Thánh vô cùng,
Giây phút tưng bừng,
Đất với Trời xe chữ đồng.
Đêm nay Chúa Con thần thánh tôn thờ.
Canh khuya Giáng sinh trong chốn hang lừa.
Ơn châu báu không bờ bến,
Biết tìm kiếm của chi đền.
Ôi Chúa Thiên đàng,
Cảm mến cơ hàn.
Nhắp chén phiền vương phong trần
Than ôi Chúa thương người đến quên mình,
Bơ vơ chốn quê nhà lúc sinh thành.
Ai ham sống trong lạc thú,
Nhớ rằng Chúa đang đền bù.
Tinh tú trên trời,
Sông núi trên đời.
Với Thánh thần mau kết lời,
Cao rao Hóa công đã khéo an bài.
Sai con hiến thân mong cứu nhân loại,
Hang chiên máng rêu tạm trú,
Bốn bề tuyết sương mịt mù…
Ngọc-Anh sưu tầm