Xem / Tải về toàn bộ bài học theo liên kết sau đây:
“HÃY YÊN ỦI DÂN TA”
Ngay từ lần đầu tiên chúng được thốt ra, những lời của tiên tri Ê-sai đã được khắc ghi vào ý thức của chúng ta. Đó là những lời không thể nào quên được, trĩu nặng trong lòng ta không chỉ với ý nghĩa mà còn với hy vọng và với lời hứa, những lời như “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta” (Ê-sai 7:14), “Vì có một con trẻ sanh cho chúng ta” (Ê-sai 9:5), “Người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương, bởi sự sửa phạt người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh” (Ê-sai 53:5).
Những lời có cấu trúc bằng những từ ngữ tạo ra hình ảnh, cảnh tượng, những tiếng vang rền; những lời yếu ớt bằng những từ ngữ nhạt nhẽo tạo ra hình ảnh yếu đuối; những từ ngữ mạnh mẽ, tinh tế, tạo ra những hình ảnh có oai quyền, tỏ tường và thanh âm rõ ràng như những tiếng vang lớn, rền vang. Tất cả để cho chúng ta thấy các lời của Ê-sai là những tiếng kêu rất to, rất sống động với chúng ta—dầu là chúng ta đã sống sau những lời được viết này cả 27 thế kỷ.
Chẳng hạn, trong bài thơ về người đầy tớ đau khổ của mình (Ê-sai 52:13 – 53:12), cách Ê-sai diễn tả đưa hình ảnh về Đấng Mê-si giống với Ngài trong đời thật hơn bất cứ nơi nào khác trong Cựu Ước. Chỉ riêng phần này thôi cũng đủ để chứng tỏ ông xứng đáng được gọi là “nhà tiên tri nói về phúc âm”.
Thêm vào đó, lời tiên tri của ông về vua Si-ru (Cyrus), gọi đích danh vua, cả một thế kỷ rưỡi trước khi vua xứ Ba Tư (hay Kinh Thánh gọi là Phe-rơ-sơ) chinh phục Ba-by-lôn (Ê-sai 44:28 – 45:6), quá rõ ràng đến nỗi có một số học giả đã gán rằng phần lớn sách Ê-sai được viết bởi một “Ê-sai thứ hai”, quả là những ý nghĩ rỗng tuếch của những người không thể nhìn quá giới hạn của vỏ trí tuệ bọc lấy trí tưởng tượng của con người.
Với sự pha trộn độc đáo của hình ảnh sống động, nhịp điệu và sự cân bằng như những vần thơ, sự tương phản kịch tính như những vần nhạc Beethoven, và một chủ đề phong phú sâu sắc tái diễn trong một quá trình giao hưởng tinh vi của sự khai triển và phát triển liên tục, sách Ê-sai quả là một cuốn sách, một tác phẩm, xứng đáng được xem là một kiệt tác được soi dẫn bởi thiên thượng (xem Ê-sai 55:9). Ngay cả trong các bản dịch, tuy làm mất đi những cách chơi chữ và sự ám chỉ của tiếng Hê-bơ-rơ, sách Ê-sai vẫn khó có được một tác phẩm nào ngang hàng với nó trong lịch sử văn học, dù là tác phẩm thế tục hay thiêng liêng.
Chúng ta biết những lời của Ê-sai là những lời văn, bài thơ rất hùng hồn, rất thi vị, đầy xúc động và mạnh mẽ, nhưng chúng ta có biết nhân vật Ê-sai và thế giới mà ông đã viết, cầu nguyện và nói lời tiên tri không? Khi Đế quốc A-si-ri tàn ác vươn lên đỉnh cao quyền lực, đó là thời điểm đưa đến sự hủy diệt. Tệ hơn nữa, dân Giu-đa, là dân được chọn, lại đang chìm sâu hơn trong sự yếu đuối về đạo đức và luân lý. Khắp nơi chỉ có sự tham lam và khốn khổ chiếm ngự trên đường phố. Trong sự tranh đấu giành dật để làm giàu hay chỉ để được sống còn, một số người tận hưởng hít thở men say của sự giàu có lòe loẹt của xa hoa nhung lụa, trong khi những người khác héo mòn trong tuyệt vọng. Cố gắng để giữ gìn bản sắc của dân tộc mình bằng cách tìm một số người vẫn còn giữ lòng trung tín với Đức Chúa Trời nhưng vẫn nhắm mắt để không phải thấy sự suy tàn của dân tộc của Chúa, Ê-sai kêu gọi dân mình phải nắm chặt Đức Chúa Trời họ, là Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên, là Đấng đã tạo dựng trời và đất, là Đấng biết từng người và gọi họ bằng tên, và Ngài là Đấng đã hứa sẽ chuộc họ ra khỏi ngọn lửa, nhưng chỉ khi họ lắng nghe và vâng theo.
Ê-sai đã cố vấn và khuyên can nhiều triều vua. Khi số người trung tín với Chúa còn sót lại rất ít và mong manh như sợi chỉ mành bị giam hãm trong một thành phố đang sắp bị hủy diệt bởi các đạo binh của A-si-ri, chính những lời tiên tri của Ê-sai đã củng cố lòng vua Ê-xê-chia để vua tìm kiếm phép lạ là niềm hy vọng cuối cùng của Giê-ru-sa-lem (Ê-sai 36, 37). Nếu Giê-ru-sa-lem đã sụp đổ bởi tay người A-si-ri thay vì bởi tay người Ba-by-lôn một thế kỷ sau đó, thì chính sách phân tán các dân tộc bị chinh phục của A-si-ri có thể đã làm tan mất danh tính dân tộc của Giu-đa. Do đó, sẽ không còn người Do Thái nào để từ đó Đấng Mê-si, Đấng Cứu Thế sẽ ra đời.
Trong ba tháng này, chúng ta hãy đọc sách Ê-sai, đọc những lời ông nói, thời đại của ông, những khó khăn của ông, nhưng chủ yếu là Đức Chúa Trời của ông, cũng là Đức Chúa Trời của thời ấy, và cả hôm nay đã kêu gọi chúng ta, “Đừng sợ, vì ta đã chuộc ngươi. Ta đã lấy tên ngươi gọi ngươi; ngươi thuộc về ta” (Ê-sai 43:1).
Tiến sĩ Roy Gane, một học giả về văn minh và ngôn ngữ Hê-bơ-rơ, là giáo sư về Cựu Ước tại Thần học viện Cơ Đốc Phục Lâm thuộc Đại học Andrew, ở Berrien Springs, Michigan.
Xem / Tải về toàn bộ bài học theo liên kết sau đây:
Mục Lục
- CUỘC KHỦNG HOẢNG VỀ DANH TÍNH
- KHỦNG HOẢNG CỦA CẤP LÃNH ĐẠO
- KHI MỌI THỨ TRONG ĐỜI MÌNH ĐỀU ĐANG SỤP ĐỔ
- CHỌN CÁCH KHÓ
- HOÀNG TỬ CAO THƯỢNG CỦA BÌNH AN
- ĐÓNG VAI ĐỨC CHÚA TRỜI
- SỰ THẤT TRẬN CỦA A-SI-RI
- HÃY YÊN ỦI DÂN TA
- PHỤC VỤ VÀ CỨU VỚT
- LÀM NHỮNG ĐIỀU KHÔNG TƯỞNG ĐƯỢC
- XÚC TIẾN SỰ YÊU THƯƠNG
- KỲ VỌNG CỦA MỌI DÂN TỘC
- SỰ TÁI SINH CỦA ĐỊA CẦU
Tác giả:
Tiến sĩ Roy Gane
Dịch giả:
Nguyễn Thị Ngọc Liên
Ban hiệu đính:
Mục sư Nguyễn Khắc Vinh
Kezia Tuyết Nguyễn
Nguyễn Đăng Hưng
Trình bày:
Nguyễn Đăng Hưng
Website Trường Sa-bát:
giaohoicodoc.org/truongsabat
Mọi liên lạc, thư từ xin gởi về:
Mục sư Nguyễn Khắc Vinh
Tiếng Nói Hy Vọng
P.O. Box 5704, El Monte, CA 91734
Tel. (626) 422-6841
www.TiengNoiHyVong.org