BÀI 14. BÀI CẦU NGUYỆN CỦA ĐA-NI-ÊN
Đấng Christ là trung tâm điểm của Đa-ni-ên 9. Trong Đa-ni-ên 8:16, Gáp-ri-ên được truyền giúp Đa-ni-ên hiểu sự hiện thấy về 2300 buổi chiều và buổi mai. Nhưng sau khi thấy những hành động phạm thượng của cái sừng nhỏ, Đa-ni-ên mê mẩn và đau ốm nhiều ngày, vì thế thiên sứ không tiếp tục giải nghĩa cho ông được.
Mười ba năm trôi qua (551- 538 T.C.) giữa đoạn 8 và 9. Bạn còn nhớ có 50 năm cách biệt (603-553 T.C.) giữa đoạn 2 và 7. Đoạn 9 khởi đầu với lời khẩn nguyện nài xin của Đa-ni-ên về đền thánh, thành Giê-ru-sa-lem và sự giải cứu dân Chúa đang làm phu tù ở Ba-by-lôn. Lời cầu nguyện của người đã được chấp nhận và thiên sứ Gáp-ri-ên được sai đến cùng Đa-ni-ên. Đoạn này được chia ra ba phần rõ rệt: (1) Đa-ni-ên nghiên cứu sách tiên tri Giê-rê-mi, (2) bài cầu nguyện của Đa-ni-ên, và (3) lời giải nghĩa của thiên sứ Gáp-ri-ên về 2300 ngày.
ĐA-NI-ÊN NGHIÊN CỨU LỜI TIÊN TRI
1. Đoạn 9 được ghi chép vào năm nào? (Đa-ni-ên 9:1).
a. Năm thứ ba Bên-xát-sa
b. Năm đầu Đa-ri-út (năm 538 T.C.)
c. Năm cuối Đa-ri-út (năm 538 T.C.)
Chúng ta còn nhớ trong đoạn 5, Ba-by-lôn bị Mê-đi Ba-tư xâm chiếm. Vua Đa-ri-út người Mê-đi lên trị vì. Trong năm đó, Đani-ên được làm quan thượng thư đầu triều, và cũng bị án quăng vào hang sư tử vì trung tín cầu nguyện với Đức Chúa Trời.
2. Đa-ni-ên nghiên cứu đề tài gì trong Giê-rê-mi? (Đa-ni-ên 9:2).
a. Số năm mà thành Giê-ru-sa-lem bị hoang vu
b. Số ngày mà thành Giê-ru-sa-lem bị hoang vu
c. Thời gian Chúa giáng sinh
Vào lúc này, dân Giu-đa đã bị bắt làm phu tù 68 năm, đền thờ Giê-ru-sa-lem bị đổ nát, hoang vu. Đa-ni-ên biết Chúa đã phán với tiên tri Giê-rê-mi là sau bảy mươi năm, Ngài sẽ “phạt vua Ba-by-lôn và dân người, vì cớ tội ác chúng nó” (Giê-rê-mi 25:11, 12). Đa-ni-ên nghiên cứu Kinh Thánh và biết số năm định cho sự hoang vu thành Giê-ru-sa-lem gần mãn.
3. Đức Chúa Trời hứa gì cho dân Giu-đa? (Giê-rê-mi 29:10, 14).
a. Đấng Mê-si sẽ đến
b. Những kẻ phu tù được trở về
c. Ba-by-lôn sẽ hồi phục sau 70 năm
Thật là những lời hứa quí báu, tốt lành, đầy hy vọng. Đức Chúa Trời thật nhân từ! Nhưng đoạn này cũng kêu gọi sự cầu nguyện sốt sắng, hết lòng. “Các ngươi sẽ tìm ta và gặp được, khi các ngươi tìm kiếm ta hết lòng” (Giê-rê-mi 25:13). Đa-ni-ên rất quan tâm đến số phận của đền thánh Giê-ru-sa-lem và sự giải cứu cho dân sự mình, nên đã quyết tâm tìm cầu Chúa; ông nhận thấy cần có sự sửa soạn đặc biệt cho mục đích quan trọng này.
BÀI CẦU NGUYỆN CỦA ĐA-NI-ÊN
4. Đa-ni-ên làm gì trước khi cầu nguyện? (Đa-ni-ên 9:3).
Ông vào đền thờ
Ông nói chuyện với vua
Ông kiêng ăn, mặc bao gai, đội tro
Hầu hết đoạn 9 là bài cầu nguyện của Đa-ni-ên. Ông đã sửa soạn rất cẩn thận: lòng, trí và thân thể mình để sẵn sàng gặp Đức Chúa Trời. Qua những bài trước, chúng ta đã thấy Đa-niên có một mối tương giao mật thiết với Chúa nhờ đời sống cầu nguyện liên tục. Bài cầu nguyện của Đa-ni-ên trong đoạn 9 là một trong những bài vĩ đại nhất trong Kinh Thánh. Chúng ta hãy nghiên cứu bài này để tìm hiểu bí quyết tại sao Chúa đã đáp lời cầu nguyện của ông cách rất mau chóng hầu giúp ích cho đời sống cầu nguyện của chúng ta.
Theo phong tục thời đó, để nhấn mạnh vào sự ao ước sâu xa, Đa-ni-ên đã kiêng ăn để tâm trí được thanh thản hầu tập trung vào đề tài quan trọng mà mình cầu xin. (Đọc thêm Ê-xơ-ra 8:23; Nê-hê-mi 1:4; Ê-xơ-tê 4:16). Ông cũng mặc bao gai và rắc tro lên đầu để công khai bày tỏ lòng sầu thảm, ăn năn, sự hạ mình và thành thật khiêm tốn. Làm như vậy không phải ông muốn kể công với Chúa, nhưng chỉ diễn tả lòng sốt sắng sâu xa của mình.
5. Phần mở đầu Đa-ni-ên nói gì? (Đa-ni-ên 9:4).
a. Xin tha tội
b. Chúc tụng, tôn vinh Đức Chúa Trời
c. Chúc tụng nhà vua
Đa-ni-ên chúc tụng Đức Chúa Trời, không những là Đấng cao cả mà còn đáng được kính sợ vì Ngài có quyền phép để hoàn thành những điều ta cầu xin. Ông cũng tôn vinh bản tính tốt lành của Ngài là thành tín (luôn luôn giữ giao ước của Ngài) và nhân từ đối với những người “yêu Ngài và giữ các điều răn Ngài.” Xin để ý là sự yêu Đức Chúa Trời và giữ điều răn Ngài luôn luôn đi đôi với nhau. (Xin đọc thêm I Giăng 2:3, 4).
6. Phần thứ hai Đa-ni-ên nói gì? (Đa-ni-ên 9:5).
a. Xưng tội
b. Cầu xin
c. Khóc than
Đa-ni-ên biết điều kiện để được Chúa nhận lời cầu nguyện là phải xưng tội và cầu xin sự tha thứ. Vì vậy, mặc dù là người tuân giữ mọi luật pháp của Chúa, ông dùng câu “chúng tôi đã phạm tội” để tự nhận mình cũng thuộc trong những người của đoàn thể đã xây bỏ luật pháp Đức Chúa Trời, khiến sự rủa sả đã trút xuống cả dân sự và họ phải đi làm phu tù như lời Chúa đã phán qua Môi-se. Đa-ni-ên nhìn nhận mình và dân sự bị phạt là đáng lắm vì đã phạm tội. Chúng ta cũng nên có thái độ này khi cầu nguyện cho gia đình, hội thánh, và xã hội. Không đổ lỗi cho người khác nhưng nhận mình cũng có tội, vì những thuộc viên khác của đoàn thể đã phạm tội và nhiều khi đoàn thể bị phạt vì tội của một người, như trường hợp của A-can (Giô-suê 7:11, 12).
7. Phần thứ ba Đa-ni-ên nói gì? (Đa-ni-ên 9:7, 9).
a. Ca tụng Chúa
b. Trách phận
c. Trông cậy vào sự thương xót của Chúa
Đa-ni-ên nhìn nhận sự công bình, thương xót và tha thứ đều thuộc về Chúa; còn sự hổ thẹn thuộc về chúng ta. Mặc dầu dân sự đã phạm tội và bội nghịch, ông tin tưởng vào lòng nhân từ thương xót của Chúa và Ngài sẽ tha thứ tội lỗi khi họ cầu xin và ăn năn vì Ngài là Đấng thành tín đã hứa như vậy.
8. Phần thứ tư Đa-ni-ên nói gì? (Đa-ni-ên 9:16).
a. Nài xin
b. Nhắc lại những gì Chúa làm
c. Cả hai câu (a) và (b) đều đúng
Đa-ni-ên nhắc lại việc Chúa giải cứu dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ê- díp-tô vì danh Ngài. Ba lần trong đoạn này, Đa-ni-ên tha thiết nài xin Chúa, vì sự công bình của Ngài, đoái thương đến thành Giê-ru-sa-lem là nơi được xưng bằng danh Ngài, bây giờ đang bị hoang vu đổ nát. “Không phải cậy những sự công bình mình mà chúng tôi nài xin Ngài, nhưng cậy những sự thương xót cả thể của Ngài” (câu 18). Chúng ta cần có thái độ này khi 5 cầu xin Chúa là danh Ngài được tôn vinh để mọi người đều biết đến Ngài.
9. Phần kết luận Đa-ni-ên nói gì? (Đa-ni-ên 9:19).
a. Tôn vinh danh Chúa
b. Hát thánh ca
c. Đặt điều kiện với Chúa
Lời cầu xin tha thiết của Đa-ni-ên, “Hỡi Chúa! hãy dủ nghe; hỡi Chúa! hãy tha thứ; hỡi Chúa! hãy để ý và làm đi. . . .” Trong phần kết luận, Đa-ni-ên đã nêu lên ưu tiên của lời cầu nguyện. Đa-ni-ên đã tìm cầu sự vinh hiển của danh Chúa và sự vinh hiển của đền thánh Ngài. Nếu mỗi Cơ Đốc nhân cầu nguyện với Chúa như Đa-ni-ên, xin Chúa tha thứ tội của đoàn thể và giúp hội thánh làm sáng danh Ngài, thì biết bao ơn phước Ngài sẽ tuôn đổ xuống trên chúng ta.
Đa-ni-ên biết rằng mọi lời hứa của Chúa đều có điều kiện. Khi thiên sứ Gáp-ri-ên nói đến 2300 ngày “nơi thánh sẽ được thanh sạch” (Đa-ni-ên 8:14), ông không hiểu số ngày này áp dụng thế nào với bảy mươi năm. Ông lo ngại dân sự mình đã phạm tội mà không ăn năn, nên số bảy mươi năm Chúa định về sự hoang vu của thành Giê-ru-sa-lem có thể sẽ kéo dài thêm chăng. Vì thế Đa-ni-ên đã cầu nguyện tha thiết, xưng tội mình và tội dân sự mình, nài xin Đức Chúa Trời vì sự vinh hiển Ngài và sự vinh hiển thành thánh.
10. Mục đích của Gáp-ri-ên trong lần hiện ra này là gì? (Đa-niên 9:22, 23).
a. Ban sự khôn ngoan và thông sáng cho Đa-ni-ên
b. Ngăn không cho Đa-ni-ên tiếp tục cầu nguyện
c. Tiêu diệt kẻ thù của Đa-ni-ên
Trong khi Đa-ni-ên cầu xin, cũng một thiên sứ, Gáp-ri-ên, đã cho Đa-ni-ên sự hiện thấy lúc ban đầu trong Đa-ni-ên đoạn 8 trở lại và hiện ra cùng ông (Đani-ên 9:21). Xin nhớ rằng trong mười ba năm, Đa-ni-ên đã không có sự hiện thấy nào khác sau sự hiện thấy về 2300 ngày. 6 Thiên sứ Gáp-ri-ên đến để ban sự khôn ngoan và thông sáng hầu Đa-ni-ên hiểu biết sự hiện thấy của đoạn 8 về 2300 ngày. Đức Chúa Trời thật tốt lành! Ngài muốn chúng ta suy nghĩ, học hỏi và hiểu biết những gì Ngài khải thị trong lời tiên tri.
BẢY MƯƠI TUẦN LỄ
11. Thời gian bao lâu đã được định cho dân Do Thái trong thời kỳ tiên tri 2300 ngày? (Đa-ni-ên 9:24).
a. 7 tuần lễ
b. 70 tuần lễ
c. 480 ngày
Trong thời kỳ 2300 ngày, 70 tuần lễ được dành riêng cho dân Do Thái. Một tuần lễ có 7 ngày, 70 tuần lễ nhân 7 ngày trong tuần là 490 ngày hay năm, và xin nhớ rằng, lúc đó dân Giu-đa đang làm phu tù tại Ba-by-lôn. Chúa hứa sẽ cho họ một thời gian ân điển nữa là 490 năm.
7 ngày/tuần x 70 tuần lễ = 490 ngày (hay năm)
12. Mục đích của 70 tuần lễ là gì? (Đa-ni-ên 9:24).
a. Dân Do Thái trở về, xây lại đền thánh
b. Xây lại đền thánh và sức dầu cho Đấng rất thánh
c. Diệt trừ tội lỗi, đặt ấn tín công bình và sức dầu cho Đấng rất thánh
Trong Đa-ni-ên 9:24-27, Gáp-ri-ên giải nghĩa lời tiên tri đoạn 8:14, là sau 2300 ngày “nơi thánh sẽ được thanh sạch.” SDA Bible Commentary, q. 4, tr. 852, giải nghĩa câu 24 như sau:
(a) Ngăn sự phạm phép: nghĩa là trong thời gian này, dân Do Thái sẽ làm đầy tràn chén tội lỗi mình. Chúa đã nhịn nhục đối với họ. Ngài cho họ nhiều cơ hội, nhưng họ tiếp tục làm Ngài thất vọng.
(b) Trừ tội lỗi: Đấng Christ đến để cất tội lỗi đi (Giăng 1:29).
(c) Làm sạch sự gian ác: bởi sự chết, Đấng Christ đã làm sạch sự gian ác cho những người chấp nhận sự hy sinh của Ngài.
(d) Đem sự công bình đời đời vào: Đấng Christ đến không phải chỉ cất đi tội lỗi mà còn làm cho con người hòa hợp lại với Đức Chúa Trời. Bởi sự sống, sự chết và sự sống lại của mình, Ngài đã ban sự công bình đời đời cho những người chấp nhận Ngài. Họ được mặc áo công bình của Ngài và 7 đứng trước mặt Đức Chúa Trời như chưa bao giờ phạm tội. Thuở xưa, A-đam và Ê-va vì phạm tội đã lấy lá vả che thân, nhưng Chúa đã trút bỏ sự công bình nhân tạo đó, và mặc cho ông bà áo bằng da thú tượng trưng cho sự công bình của Đấng Christ, là Chiên Con bị giết từ buổi sáng thế.
(đ) Đặt ấn tín nơi sự hiện thấy và lời tiên tri: nghĩa là Chúa đóng ấn vào sự hiện thấy và lời tiên tri để bảo đảm những điều này là chắc chắn. Sự ứng nghiệm chính xác của 70 tuần lễ và sự đến lần thứ nhất của Đấng Christ bảo đảm chắc chắn những lời tiên tri khác, nhất là về thời kỳ tiên tri 2300 ngày cũng sẽ ứng nghiệm đúng thời kỳ.
(e) Xức dầu cho Đấng rất thánh: theo chữ Hê-bơ-rơ câu này là xức dầu cho nơi rất thánh, tức đền thánh trên trời, theo ý đoạn 8:14. Trong thời Cựu Ước, Chúa truyền dạy, trước khi thầy tế lễ bắt đầu chức vụ nơi đền thánh dưới đất, thì đền thánh được xức dầu (Lê-vi Ký 8:10, 11). Cũng vậy, Đa-ni-ên 9:24 nói trước khi Đức Chúa Giê-su bắt đầu chức vụ nơi đền thánh trên trời, Ngài cũng xức dầu cho nơi rất thánh.
13. Lời tiên tri về bảy mươi tuần lễ của 2300 ngày bắt đầu khi nào? (Đa-ni-ên 9:25).
a. Từ khi dân Do Thái bị bắt làm phu tù
b. Từ khi ra lệnh tu bổ và xây lại thành Giê-ru-sa-lem
c. Từ khi thành Giê-ru-sa-lem bị tàn phá
Khởi điểm của thời kỳ tiên tri này là khi có lệnh tu bổ và xây lại thành Giê-ru-sa-lem. Có ba chiếu chỉ về sự tu bổ này.
(a) Hai năm sau sự hiện thấy trong đoạn 9 thì vua Đa-ri-út người Mê-đi băng hà và Si-ru nối ngôi trị vì đế quốc Mê-đi Ba-tư. Có lẽ Đa-ni-ên đã giải nghĩa cho Si-ru biết rằng Đức Chúa Trời lựa chọn vua giúp cho người Giu-đa hồi hương. Chắc ông đã đọc cho vua nghe những lời tiên tri của Giê-rê-mi và Ê-sai nói về việc đó. Trước đó 174 năm, tiên tri Ê-sai đã viết tên của Si-ru trúng từng nét một và tặng cho vua danh hiệu “người xức dầu của Đức Giê-hô- va” và “người chăn chiên của Chúa” (Ê-sai 45:1-3; 44:28). Khi Si-ru lên ngôi, vua ra chiếu chỉ năm 536 T.C. cho phép dân Giu-đa về xứ (Ê-xơ-ra 1:1-4; 4:1-5). Khoảng 50 ngàn người Giu-đa trở về Palestine trong vòng một năm. Họ lập lại bàn thờ của lễ thiêu và xây nền cho đền thờ. Nhưng công việc gặp nhiều khó khăn vì bị các kẻ thù nghịch phá phách nên phải ngừng trệ. Vua Si-ru cũng trả lại các khí dụng của đền thờ Đức Giê-hô-va mà Nê-bucát-nết-sa đã đem đi khỏi Giê-ru-sa-lem. Tất cả là 5,400 khí dụng bằng vàng và bạc (Ê-xơ-ra 1:1-11).
(b) Năm 519 T.C., Đa-ri-út Hystaspes xác nhận chiếu chỉ của vua Si-ru. Vì thế nên người Giu-đa có thể làm xong công việc xây cất đền thờ (Ê-xơ-ra 5 và 6).
(c) Nhưng phải đến chiếu chỉ thứ ba thì nước Giu-đa mới được tu bổ lại. Đó là chiếu chỉ được ban hành vào năm thứ bảy đời vua Ạt-ta-xét-xe Longuemain, tức là năm 457 T.C. (Ê- xơ-ra 7; 6:14). Chiếu chỉ này hoàn hảo hơn hai chiếu chỉ trước vì cho phép Ê-xơ-ra lập những quan phủ, quan án để xét xử dân sự và hành phạt những người phạm luật (Ê-xơ- ra 7:25, 26). Chiếu chỉ này cho phép dân Giu-đa thành lập quốc gia và thiết lập Giê-ru-sa-lem làm kinh đô. Đây là chiếu chỉ mà thiên sứ Gáp-ri-ên nói đến trong Đa-ni-ên 9:25. Chiếu chỉ này được Ê-xơ-ra thực hành vào mùa thu năm 457 T.C. Như vậy thì niên hiệu 457 T.C. là khởi điểm của thời kỳ tiên tri 2300 năm.
TÓM LƯỢC
1) Đa-ni-ên rất quan tâm đến đền thờ Đức Chúa Trời và dân sự Ngài, nên ông đã nghiên cứu kỹ lưỡng những lời tiên tri trong Kinh Thánh để hiểu những vấn đề này.
2) Đa-ni-ên biết rằng mỗi lời hứa của Chúa đều có điều kiện nên ông đã cầu thay cho dân sự, xưng tội mình và tội toàn dân, nài xin Chúa tha thứ tội lỗi vì sự công bình, nhân từ, thương xót và sự vinh hiển Ngài, để danh Ngài được tôn vinh. Đức Chúa Trời là Đấng thành tín và nhân từ, Ngài giữ lời hứa với những ai yêu mến và tuân theo các điều răn Ngài.
3) Đa-ni-ên đã sửa soạn kỹ lưỡng lòng, trí và thân thể mình trước khi đến cùng Đức Chúa Trời để nài xin một việc rất quan trọng. Chúa đã nhận lời và ban cho ông điều lớn hơn sự ông cầu xin, đó là sự khải thị vĩ đại nhất trong Kinh Thánh.
QUYẾT ĐỊNH
- Tôi rất quan tâm đến hội thánh Đấng Christ. Tôi sẽ cầu nguyện cho hội thánh mỗi ngày và tích cực tham gia các sinh hoạt để giúp hội thánh phát triển hơn.
Nghiên cứu sách Đa-ni-ên
Kiểm Tra 14
1) Xin kể những phần của bài cầu nguyện của Đa-ni-ên?
– chúc _________,
– xưng _________,
– tha __________,
– nài __________,
– tôn __________.
2) Bao lâu được định cho dân Do Thái trong thời kỳ 2300 ngày?
________________________________________________
3) Lời tiên tri về 70 tuần lễ trong 2300 ngày bắt đầu khi nào?
________________________________________________
Tải về bài học (pdf) theo liên kết sau đây:
Bai 14 – Bai Cau Nguyen Cua Danien
Tải về file trắc nghiệm (pdf) theo liên kết sau đây: