Ngày kia, có một đám đông lôi kéo một người đàn bà đến trước mặt Đức Chúa Jêsus và nói: “Chúng tôi bắt người này khi bà ta đang phạm tội tà dâm. Trong luật Môi-se, những người đàn bà như vậy nên bị ném đá. Còn thầy nghĩ thế nào?”
Đức Chúa Jêsus trả lời: “Các ngươi có thể bước lên và ném đá – nhưng ai trong số các ngươi chưa từng phạm tội thì sẽ là người ném đá vào bà ta trước”. Kinh Thánh ghi lại rằng từng người từng người một bỏ đi.
Bấy giờ, Đức Chúa Jêsus quay sang người đàn bà và hỏi rằng: “Những kẻ cáo trách ngươi đâu rồi?” Bà nhìn xung quanh: “Không còn ai hết!”
Ngài phán: “Ta cũng không định tội ngươi; hãy đi đi và đừng phạm tội nữa”.
Đó là một câu trả lời thật kỳ lạ của Đức Chúa Jêsus! Người đàn bà đã phạm tội tà dâm. Ngài không kết tội bà ấy bởi vì Ngài phán rằng: “Đừng phạm tội nữa”. Vậy thì tại sao Ngài lại nói: “Ta cũng không định tội ngươi”? Câu trả lời chính là ân điển.
Ân điển có nghĩa là gì?
Ân điển là khi bạn đến với Thượng Đế, Ngài sẽ chấp nhận bản chất con người thật của bạn, bất kể cuộc sống của bạn có xấu xa thế nào đi chăng nữa.
Đây là một tin rất tốt lành dành cho tất cả những con người bất toàn. Và tất nhiên, bao gồm tất cả chúng ta bởi vì chúng ta đã làm quá nhiều việc sai trái mà chính chúng ta cũng cảm thấy tội lỗi.
Nhiều người cảm thấy bị Thượng Đế kết tội vì cuộc sống lỗi lầm họ gây ra. Ở góc độ nào đó thì điều này cũng đúng. Chúa không tán thành những việc làm sai trái của chúng ta, nhưng Ngài lại có thể tha thứ. Đó là lý do tại sao Kinh Thánh dạy rằng: “Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác”.
Hãy hiểu một điều vô cùng quan trọng rằng sự tha thứ của Đức Chúa Trời hoàn toàn là một món quà. Bạn không thể làm bất kỳ điều gì để giành được nó. Kinh Thánh bảo rằng chúng ta được cứu nhờ ân điển, bởi đức tin không phải đến từ những việc làm tốt mà chúng ta có thể làm. Do đó, khi bạn chấp nhận sự chết của Đức Chúa Jêsus về phần bạn, Đức Chúa Trời sẽ chấp nhận bạn bằng chính con người thật của bạn bất kể bạn xấu xa như thế nào đi nữa.
Đó là ý nghĩa của ân điển.
Còn về sự vâng lời?
Đức Chúa Trời có đưa ra một luật định nào nói về sự vâng lời không? Có.
Và Kinh Thánh có nói rằng cái giá của sự bất tuân luật pháp Ngài là sự chết không? Có chứ.
Thế thì, tại sao Chúa có thể bỏ qua luật pháp của Ngài để tha thứ cho chúng ta?
Ngài không quên luật pháp. Nhưng Kinh Thánh bảo rằng Đức Chúa Jêsus đã trả án phạt cho tội lỗi chúng ta bởi sự hy sinh của Ngài trên thập tự giá. Tất cả những gì bạn phải làm là nhận ân điển của Ngài từ việc tin rằng Ngài đã chết thay cho bạn.
Tuy vậy, sự vâng lời vẫn quan trọng đối với Chúa. Bạn sẽ hỏi “Nếu điều đó là đúng thì tôi biết làm thế nào để có thể vâng lời Ngài trong khi cả cuộc đời tôi lại bất tuân? Tôi có nên tin rẳng chỉ cần lấy hết sự quyết tâm của mình và bắt đầu tuân giữ những điều răn của Ngài?”
Cố gắng tuân giữ điểu răn là việc rất quan trọng, nhưng bạn không thể tư mình làm được. Ngoài việc tha thứ cho bạn, Đức Chúa Trời cũng sẽ thay đổi phần thuộc linh trong tâm trí và cảm nhận của bạn. Đức Chúa Jêsus gọi sự thay đổi này là “sự tái sanh”. Khi Ngài thực hiện sự thay đổi đó thì bạn sẽ có cách nhìn mới. Con đường sống của Chúa, con đường mà xưa kia có lần bị xem dường như là dại dột, bây giờ đã thành một cảnh tượng hoàn hảo. Bạn trở nên căm ghét tội lỗi và thói nghiện ngập mà bạn đã từng ưa thích. Khi bạn được tái sanh, bạn có thể bắt đầu vâng lời Chúa thật sự, không phải vì bạn phải làm mà là vì bạn muốn làm.
Điều đó không có nghĩa là bạn sẽ không bao giờ phạm một lỗi lầm nào khác. Nó có nghĩa là cuộc sống của bạn đã được thay đổi hoàn toàn. Bạn được dẫn đi trên một con đường mới. Và miễn khi nào bạn còn giữ chân mình trên con đường mới này, Chúa sẽ ở ngay bên cạnh bạn để nâng đỡ; thậm chí khi bạn “trượt ngã”.
Cuộc sống vĩnh cửu.
Trên tất cả mọi điều, tin tức đáng giá nhất là cùng một lúc Chúa tha thứ những sai phạm của bạn trong quá khứ và thay đổi phần bên trong của bạn, Ngài lại còn hứa với bạn một cuộc sống vĩnh cửu trong nước của Ngài. Bạn và những người khác không thể làm được việc gì để có được sự sống vĩnh cửu. Tất cả những gì bạn làm là tin vào lời hứa của Chúa. Khi bạn làm như vậy, lời hứa sẽ là của bạn. Đó là lý do tại sao Đức Chúa Jêsus phán: “Quả thật, quả thật, Ta nói cùng các ngươi, ai nghe lời Ta mà tin Đấng đã sai Ta, thì được sự sống đời đời”.
Đức Chúa Jêsus không có ý nói rằng bạn sẽ không chết vào cuối tuổi tám mươi hoặc hưởng thọ lâu dài trên trái đất này. “Cuộc sống vĩnh cửu” mà Ngài nói là sự sanh lại – Chúa đặt một cuộc sống thuộc linh mới trong bạn để cho phép bạn sống một cuộc sống mới. Cuộc sống thuộc linh là sự bảo đảm cho bạn rằng khi Đức Chúa Jêsus trở lại trái đất này Ngài sẽ ban cho bạn một cuộc sống đời đời trong nước vĩnh sanh của Ngài.
Tóm lại, khi bạn xưng tội của mình và tin rằng Đức Chúa Jêsus sẽ tha thứ tất cả mọi việc sai trái bạn đã làm, bạn sẽ nhận được cuộc sống vĩnh cửu. Từ giây phút đó trở đi, miễn là bạn còn duy trì đức tin của mình nơi Đức Chúa Jêsus, bạn sẽ có một sự cam kết trong nước vĩnh sanh của Ngài.
Do đó, câu hỏi dành cho bạn là, bạn có chấp nhận sự giúp đỡ của Chúa không? Nếu có; cũng đâu có gì khó. Bạn chỉ cần nói với Ngài rằng bạn xin lỗi vì bạn đã làm quá nhiều việc xấu xa, rồi xin Ngài tha thứ và ban cho bạn một cuộc sống mới.
Làm sao để được cứu.
Bạn có muốn biết nếu mình phải trải qua sự chết tối hôm nay, bạn sẽ được cứu trong nước vĩnh sanh của Đức Chúa Trời hay không? Bạn có thể có được sự bảo đảm đó. Đây là những bước cần phải làm:
Ăn năn. Ăn năn nghĩa là cảm thấy hối hận về những việc sai trái mình đã làm. Thượng Đế sẽ giúp bạn làm việc đó. Cầu xin Ngài giúp bạn có được sự ăn năn hối cải về những tội lỗi mà mình gây ra.
Xưng tội. Sự ăn năn thật sự sẽ luôn đi kèm với việc sửa đổi đối với bất kỳ ai mà bạn có thể làm tổn thương và đối với Chúa bởi những tội lỗi mà bạn đã phạm cùng Ngài. Một phần của sự xưng tội là cầu xin Chúa tha thứ cho bạn.
Chấp nhận. Kinh Thánh nói rằng sự chết của Đức Chúa Jêsus trên thập tự giá đã thay chỗ cho sự chết mà bạn đáng nhận do tội lỗi của mình. Một khi bạn ăn năn và xưng tội, bấy giờ bạn hoàn toàn có quyền nói: “Tôi chấp nhận sự chết của Đức Chúa Jêsus cho tội lỗi của tôi”.
Tin tưởng. Bạn có thể không nhận ra hết mọi sự khác biệt sau khi bạn đã làm những việc này, nhưng sự cứu rỗi là bởi đức tin – tin tưởng rằng Đức Chúa Trời đã cứu chuộc bạn bất kể bạn có cảm nhận được điều đó hay không.