Chương 15: Bản Luật Của Nước Thiên Đàng
Hôm sau cụ trưởng ấp nói với thầy Lắm:
– Thầy ơi, đêm qua tôi ngủ không ngon giấc vì cứ nghĩ mãi đến ngày tận thế. Thầy khuyên chúng tôi nên sẵn sàng để tiếp đón Hoàng tử trở lại. Nhưng làm sao chúng tôi biết chắc rằng chúng tôi đã sẵn sàng hay chưa?
– Cám ơn cụ. Tôi rất vui vì cụ hỏi câu này. Tôi muốn cụ và mọi người ở đây sẵn sàng để tiếp đón Ngài. Chúa của chúng ta là Đấng thánh, và Ngài cũng muốn chúng ta nên thánh nữa. Chỉ có người nào thánh mới được gặp Ngài với niềm hân hoan khi Ngài trở lại. Nhưng này các bạn ơi, trước khi được trở nên thánh, các bạn phải nhìn nhận mình là người có tội. Hôm nay tôi muốn mọi người hãy soi mình trước tấm gương của Chúa và xem mình thật ra sao?
Ông Ba hỏi:
– Tấm gương của Chúa là gì?
– Gương của Đức Chúa Trời là bản luật pháp của Ngài mà chúng ta gọi là Mười điều răn. Chúng ta có thể tìm thấy trong Kinh Thánh của ta, sách Xuất Ê-díp- tô Ký đoạn 20 câu 3 đến 17. Tôi đã sao lại vài bản đây để mỗi người có thể có một bản.
Thầy Lắm phát ra cho từng người một. Ai nấy đều nhìn vào bản Mười điều răn. Thầy nói:
– Hôm trước, đã có lần tôi nói với quý vị rằng Đức Chúa Trời có hai điều luật trọng đại. Có ai nhớ hai điều luật ấy là gì không?
Trung mau miệng nói trước:
– Thưa thầy, yêu Đức Chúa Trời và yêu người lân cận.
– Đúng đó, Trung. Bây giờ chúng ta có thể thấy Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời được chia ra làm hai phần. Bốn điều đầu cho chúng ta biết nhiệm vụ của mình đối với Đức Chúa Trời và sáu điều sau chỉ nhiệm vụ của ta với người đồng loại. Nếu chúng ta giữ hai điều luật lớn này tức yêu Chúa và yêu người, thì chúng ta cũng đã giữ hết Mười Điều Răn vậy.
Cụ trưởng ấp nhìn bản Mười Điều Răn thật kỹ rồi nhận xét:
– Thật giống như các giới cấm của nhà Phật quá.
Thanh hội ý:
– Sáu điều răn sau thật giống như vậy. Hầu hết các giáo phái đều có những bộ luật như vậy. Trên thực tế ai cũng biết những điều luật này mà không cần được dạy bảo. Khi chúng ta trộm cắp, giết người hay không vâng lời cha mẹ, chúng ta cảm thấy mình có tội tuy không ai bảo cho ta biết làm như vậy là bậy cả. Đức Chúa Trời đã đặt những điều này vào lòng chúng ta.
– Nhưng tại sao thầy lại so sánh luật pháp của Đức Chúa Trời như cái gương?
– Ông Ba hỏi.
Thầy Lắm đáp:
– Cái gương bày tỏ cho ta biết mình sạch hay dơ. Luật pháp của Đức Chúa Trời cho ta biết mình có công bình hay không? Đôi khi cái gương chỉ cho chúng ta biêt “mặt anh dơ rồi đó” hoặc “tóc anh cần phải được chải gỡ lại.” Còn luật pháp có thể chỉ “anh không thật thà” hoặc “anh không hiếu kính cha mẹ.” Nhìn vào luật pháp chúng ta có thể biết đời sống chúng ta có những gì bậy không.
Thanh đưa bảng Mười Điều Răn lên và nói:
– Khi tôi nhìn đến cái gương này, tôi nghĩ rằng tôi không làm gì bậy. Tôi không giết người, không trộm cắp. Tôi vâng lời cha mẹ tôi …hầu hết mọi trường hợp – Nó nói thêm như vậy khi thấy mẹ nó liếc nhìn nó – Thật vậy, tôi nghĩ rằng tôi gần được lắm đó.
Thầy Lắm hỏi lại:
– Em có thật giữ luật pháp không, em Thanh? Hãy nói cho tôi biết em có luôn luôn giữ điều răn thứ sáu hay không?
– Dĩ nhiên là có. Tôi chưa hề giết một người nào cả.
– Này nghe đây, nghe lời Chúa Giê-su phán rằng, “Các con có nghe lời phán cho người xưa rằng ngươi chớ giết ai; và rằng: Hễ ai giết người thì đáng bị tòa án xử đoán. Song Ta phán cho các con: Hễ ai giận anh em mình thì đáng bị tòa án xử đoán.” (Ma-thi-ơ 5:21-22). Bây giờ hãy cho tôi biết em có giận anh em mình không? Nếu có, Chúa xem đó như là đã phạm điều răn rồi.
Thanh chống chế:
– Nhưng mà giận người ta đâu có giống như giết người.
– Không. Nhưng hầu hết những trường hợp giết người đều xuất phát từ giận dữ. Em thấy chưa, mọi tội phát nguyên từ trí óc cả. Chúa cho tư tưởng xấu là tội lỗi cũng như hành động xấu vậy. Chúa cũng có nói, “Các con có nghe lời phán rằng: Ngươi chớ phạm tội tà dâm. Song Ta phán cho các con biết: Hễ ai nó đàn bà mà động tình tham muốn, thì trong lòng đã phạm tội tà dâm cùng người rồi.” (Ma-thi-ơ 5:27-28).
Trung nói:
– Như thế chắc không có ai là tốt cả. Ai có thể kiểm soát được tư tưởng mình?
Thầy Lắm tiếp:
– Nhưng nếu tư tưởng của chúng ta là xấu thì lời nói và hành động của chúng ta cũng xấu vậy. Người nào cố ăn ở công bình mà tâm trí của mình là xấu chẳng khác nào một người cố giết chết cho hết muỗi mà ở trong nhà có cả một lu nước cho muỗi sanh sản. Khi tư tưởng của ta được nuôi dưỡng với ý xấu làm sao mình tránh được hành động xấu? Chúng ta không thể nào trong sạch được nếu tâm trí của chúng ta không trong sạch.
Trung nói:
– Vậy thì ai nấy đều là tội nhân cả vì ai cũng có ý xấu trong đầu.
– Chính Kinh Thánh nói vậy đó Trung, “Chẳng có một người công bình nào hết, dẫu một người cũng không… Vì mọi người đều đã phạm tội.” (Rô-ma 3:10, 23). Mà luật pháp dạy rằng mọi tội nhân đều phải chết, “Tiền công của tội lỗi là sự chết.” (Rô-ma 6:23). Vì vậy khi chúng ta nhìn vào luật pháp của Đức Chúa Trời chúng ta thấy rằng mình đều là tội nhân bị lên án tử hình cả.
Tèo nói:
– Nhưng nếu tôi cố hết sức để giữ luật pháp, tôi vẫn phải chết sao?
– Chỉ bởi cố gắng, em không thể nào giữ luật pháp được. Nếu em cố làm vậy em sẽ phải gặp khó khăn mà chính sứ đồ Phao-lô đã gặp, “Vì tôi không làm điều lành mình muốn, nhưng làm điều dữ mình không muốn.” Nhưng dầu từ hôm nay trở đi em giữ trọn được luật pháp, còn những lần trước em vi phạm thì sao? Luật pháp, đâu có làm cho em trong sạch. Nó chỉ có thể bày tỏ cho em thấy là em dơ thôi.
Trung nói:
– Nhưng tôi nghĩ rằng việc lành của mình có thể xóa bỏ việc ác được.
– Không đâu. Trung à, Đức Chúa Trời đâu có đem việc lành của em mà đặt lên trên một giá cân , còn bên kia là việc ác, coi đó đều không. Ngài không thể nào tiếp nhận em nếu em nửa xấu nửa tốt. Ngài muốn em hoàn toàn tốt. Nhưng để tôi nói thêm đã. Chúng ta chưa tốt được phân nửa đâu. Trước mặt Đức Chúa Trời dầu việc chúng ta là tốt cũng trở thành việc xấu. Kinh Thánh có chép, “Mọi việc công bình của chúng tôi như áo nhớp.” (Ê-sai 64:6). Nên nhớ đó không phải tội lỗi của chúng ta nhưng là sự công bình đó.
Cụ Phan – ông nội của Tèo – ngạc nhiên quá, hỏi:
– Làm sao như vậy được? Tôi đã từng đọc kinh, thí phát, giữ những ngày thánh trong năm để lập công. Vậy chứ thầy muốn nói mọi việc làm này của tôi đều không ích lợi gì cả sao?
Thầy Lắm đáp với giọng dịu dàng:
– Xin cụ làm ơn cho biết tại sao cụ lại muốn lập công?
– Để tôi được đầu thai lên mực cao hơn. Có thể đầu thai thành người giàu có.
– Như vậy cụ làm việc thiện để có lợi cho cụ à?
– Phải chứ. Dĩ nhiên là vậy rồi.
– Thưa cụ, giờ tôi muốn cụ đọc câu này trong thơ Cô-rinh-tô thứ nhất, đoạn 13 câu 3.
Thầy Lắm lật đến đoạn ấy rồi đưa cho cụ Phan. Cụ đọc:
– “Dầu tôi phân phát gia tài để nuôi kẻ nghèo khó, lại bỏ thâm mình để chịu đốt, song không có tình yêu thương, thì điều đó chẳng ích chi cho tôi.”
Thầy Lắm hỏi:
– Phải câu ấy nói vậy đúng không, cụ?
Thanh hỏi:
– Thưa thầy tại sao như vậy được?
Thầy Lắm giải thích:
– Vì chúng ta làm lành để thỏa mãn động lực tư kỷ của chúng ta. Dầu cho tâm trí chúng ta có trong sạch, việc lành của chúng ta cũng có rất ít hiệu lực. Các bạn ơi, tôi muốn các bạn biết rằng tấm lòng của chúng ta tự nhiên là ác, “Lòng người ta dối trá hơn mọi vật, và rất là xấu xa: ai có thể biết được?” (Giê-rê-mi 17:9). Đức Chúa Trời không thể nào tiếp nhận tấm lòng ác, như chúng ta không thể nào chịu uống một ly nước múc ở vũng bùn, dầu bụi đầt đã lóng xuống rồi.
Trung than phiền:
– Chúng ta phải nên thánh và không bao giờ nghĩ tới một tư tưởng xấu, thật tôi không biết làm sao người ta giữ luật pháp được.
– Đúng vậy đó Trung. Một người thường không thể nào giữ luật pháp Đức Chúa Trời được “vì sự chăm về xác thịt nghịch với Đức Chúa Trời, lại cũng không thể phục được.” (Rô-ma 8:7).
Trung nói thêm:
– Thật đáng nản lòng. Chúng ta phải giữ luật pháp của Đức Chúa Trời, nếu không, Ngài hình phạt chúng ta, nhưng không ai giữ cả! Vậy chứ chúng tôi phải làm gì chứ?