Bố vợ tôi sẽ được 90 tuổi vào tháng tới này. Sức khỏe của ông còn rất tốt. Sinh nhật tới này của ông cũng sẽ là một ngày hẹn với Nha Lộ Vận để đổi lại bằng lái xe cho ông.
Vào mỗi chiều Chúa Nhật cuối tuần ông thường đến nhà thăm chúng tôi và mấy đứa cháu ngoại, tuy khả năng lái xe của ông còn khá tốt nhưng ông không cảm thấy an toàn khi lái xe vào ban đêm; nên cậu em vợ tôi thường ghé đón ông đến nhà chúng tôi rồi đưa ông về để ông không phải lo việc tự mình lái xe về vào buổi tối.
Một ngày Chúa Nhật cách đây vài tuần, cậu em vợ gọi điện thoại nói nó sẽ không tham dự buổi ăn tối với chúng tôi được vì có việc phải đi xa. Tuần đó ông bố vợ tôi cũng không ghé khiến chúng tôi cảm thấy hơi lo cho sức khỏe của ông. Khi vợ tôi gọi điện thoại hỏi thì ông giải thích: “Nếu ba đi thì lại phải có người đến nhà đón ba, rồi tối phải đưa ba về, mà ba thì không muốn làm phiền ai cả!”
Làm phiền? Trời ơi, nhà ông chỉ cách chỗ chúng tôi ở có 2 dặm đường mà thôi. Đâu có gì gọi là phiền hà khi đưa đón ông đâu; hơn nữa, cũng tiện cùng trên con đường mà thằng con trai út của tôi đi ngang qua từ nhà nó đến đây, ông đâu cần phải nhờ đến tôi hay vợ tôi lái xe qua đón.
Chúng tôi gặng hỏi ông kỹ hơn một chút, vì sợ nhiều khi bởi một nguyên nhân sâu kín nào đó mà ông ngại qua nhà chúng tôi. Nhưng không phải vậy, ông nói thẳng ra là tất cả những cố gắng của chúng tôi muốn có sự hiện diện của ông trong bữa ăn tối; mà lại phải cần có người đến đón đưa ông thì quả thực là một sự phiền hà cho bao người.
Chín mươi năm kinh nghiệm sống
Ngược lại, vợ chồng tôi cứ nghĩ sự hiện diện của ông là một đặc ân cho gia đình mình, chứ đâu phải sự phiền hà. Ông là người đã nuôi nấng vợ tôi, chăm sóc nàng từ thuở ấu thơ cho đến ngày lên xe hoa. Ông chính là cái cửa sổ cho chúng tôi nhìn ra thế giới của những người già cả. Ông có hơn 90 năm kinh nghiệm dày dạn trong cuộc đời cho chúng tôi học hỏi.
Được kề cận bên ông mỗi chiều Chúa Nhật là một ơn phước; vì tôi biết số lượng những chiều Chúa Nhật cạnh ông sẽ không còn nhiều ở vào lứa tuổi 90. Mỗi chiều cuối tuần qua đi biểu hiện cho dòng đời của ông đang dần ngắn lại.
Mấy đứa con trai tôi cũng hiểu điều đó nữa. Và đó là lý do chính khiến bọn chúng đều cố gắng về tụ họp với chúng tôi vào mỗi chiều Chúa Nhật. Có đứa đã phải lái xe suốt hơn 60 dặm mỗi lượt để có mặt bên đại gia đình vào ngày này.
Điều răn thứ 5 của Đức Chúa Trời là: “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:12). Nó là điều răn đầu tiên nói về mối quan hệ giữa con người với nhau theo sau sự quan hệ của con người với Đức chúa Trời. Việc này đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của điều răn thứ 5. Nó được lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong suốt cuốn sách Kinh Thánh.
Tôi không nghĩ mình ích kỷ khi mong muốn ông đến với chúng tôi. Thay vào đó là một sự buồn bực của tôi khi thấy một cơ hội gặp gỡ, đoàn tụ gia đình bị mất đi.
Tôi thông cảm sự khát khao được sống độc lập không lệ thuộc vào người khác. Nhưng khi tuổi già đã cao và con cháu chẳng ước muốn gì hơn là tìm được cơ hội để tỏ lòng hiếu kính cha mẹ qua sự trợ giúp họ dưới bất cứ hình thức nào, cũng như cha mẹ đã từng nhọc nhằn nuôi nấng mình trong suốt bao năm.
Việc đón ông đến nhà sum họp trong bữa cơm chiều rồi đưa ông về – Chẳng có chi gọi là phiền hà cả – Mà đó là một sự bày tỏ lòng hiếu kính yêu thương!
By Mark N. Lardas
Ngọc-Anh phỏng dịch