Sau khi những nhà lập quốc Hoa Kỳ đồng ký bản Tuyên Ngôn Độc Lập vào ngày 4 tháng 7, 1776, Chuông Tự Do vang rền trên quốc gia này. Hoa Kỳ luôn luôn tự hào đây là đất của tự do, đây là thành trì của nền dân chủ thế giới. Vì Hoa Kỳ đóng vai trò quan trọng trong lịch sử như một cường quốc trên thế giới, chúng ta tự hỏi, “Kinh Thánh có nói tiên tri về Hoa Kỳ chăng? Kinh Thánh đã đề cập đến những đế quốc lớn như Ba-by-lôn, Hy Lạp và La Mã. Khi đế quốc La Mã sụp đổ, ngay cả các quốc gia Âu Châu cũng được miêu tả như mười “ngón chân” của pho tượng, hay mười “sừng” của con thú. Vậy Hoa Kỳ đóng vai trò gì trong sách Khải huyền? Có bức tranh nào về Hoa Kỳ chăng? Thưa, chắc chắn là có! Nhưng trước khi bàn đến những điểm đặc biệt này, chúng ta nên nhớ rằng Khải huyền 13 là một đoạn quan trọng của Kinh Thánh—nói về hai con thú khác nhau rõ ràng. Con thú thứ nhất trong câu 1 “giống như con beo.” Trong chương 23″Dấu Con Thú” cho chúng ta thấy con thú thứ nhất là quyền thế Giáo hoàng. Con thú thứ hai trong câu 11 được miêu tả “giống như một chiên con.” Và xin nhớ rằng trong Đa-ni-ên 7:17, 23 nói rằng “con thú” là tiêu biểu cho một vua hay một quốc gia—một tổ chức có quyền thế, về chính trị hoặc tôn giáo.
Đặc Điểm Thứ Nhất. Con thú thứ nhất, quyền thế Giáo hoàng, “ở dưới biển lên” trong Khải huyền 13:1. Và tất cả các con thú khác trong Đa-ni-ên 7:3-7, con sư tử, con gấu, con beo, con thú dữ tợn với răng bằng sắt, chỉ về các đế quốc Ba-by-lôn, Mê-đi Ba-tư, Hy Lạp, và La Mã, cũng từ dưới biển lên, nghĩa là lên từ những nơi đông dân cư theo Khải huyền 17:15. Thật lý thú khi sứ đồ Giăng miêu tả con thú thứ hai, “giống như chiên con,” ông nói, “Tôi lại thấy từ dưới đất lên một con thú khác;” đất có nghĩa là một nơi không đông dân cư. Con thú, hay quốc gia này dấy lên từ một nơi ít dân cư, một nơi đất đai còn hoang vu, chưa khai thác. Điều này nghe có quen thuộc chăng? Hoa Kỳ rất thích hợp với đặc điểm này khi nói về địa điểm mà con thú thứ hai dấy lên.
Đặc Điểm Thứ Hai. Ở đây, chúng ta tìm hiểu thời gian con thú thứ hai dấy lên. Khải huyền 13:10 miêu tả con thú thứ nhất bị giam cầm, và liền sau đó là câu 11, nói về sự dấy lên của con thú thứ hai. Nên chúng ta có thể kết luận rằng con thú thứ hai dấy lên vào cùng khoảng thời gian con thú thứ nhất bị cầm tù, khi nó bị vết tử thương vào đầu (câu 3). Trong chương 23 “Dấu Con Thú”, chúng ta biết rằng con thú thứ nhất là Giáo hoàng bị trọng thương vào năm 1798, khi người Pháp bắt bỏ tù Giáo hoàng và quyền thế này bị sụp đổ. Trong thời gian ấy, con thú thứ hai dấy lên, vào cuối thế kỷ thứ 18. Có trùng hợp với lịch sử của Hoa Kỳ chăng? Thưa, có. Nếu nghiên cứu lịch sử thế giới, chúng ta thấy chỉ có một cường quốc “từ dưới đất lên” vào năm 1798 mà thôi, đó là Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Đặc Điểm Thứ Ba. Hãy nhìn xem bản tính của con thú thứ hai này. Khải huyền 13:11 cho thấy con thú từ dưới đất lên có “hai sừng như sừng chiên con.” Điều này có nghĩa gì? Con chiên có bản tính hiền lành, vô tội, khác hẳn những con thú dữ tợn khác của lời tiên tri, như sư tử, con beo, con gấu, v.v… Con chiên cũng biểu hiệu cho sự trẻ trung, sừng chiên con là sừng non. Đây không phải là một con thú đã già, nhưng là một con chiên nhỏ, một quốc gia trẻ trung xuất hiện ở giữa những quốc gia già nua. Mặc dầu có một quyền lực già dặn, nổi tiếng mau chóng, con thú thứ hai dấy lên như một quốc gia rất trẻ trung.
Đặc Điểm Thứ Tư. Ở đây chúng ta thấy lời tiên tri nói về chế độ dân chủ, vì hai lý do:
Thứ nhất, con thú có sừng như sừng chiên con, và trên sừng không có vương miện. Chúng ta còn nhớ khi Giăng miêu tả con thú thứ nhất trong Khải huyền 13:1, ông nói đến bảy đầu và mười sừng. Và trên mười sừng là mười mão triều thiên. Mão triều hay vương miện tiêu biểu cho quyền của vua. Nhưng trên sừng con thú thứ hai không có mão triều nào cả. Thiếu mão triều, tức là không có vua, chỉ rằng trong con thú này, quyền lực của nó nằm trong tay của toàn dân, tức là chế độ dân chủ. Nếu lời tiên tri này cho thấy con thú có vương miện, thì chúng ta không làm sao nghĩ đây là Hoa Kỳ được, vì nước này chưa bao giờ có vua.
Thứ hai, chế độ dân chủ được định nghĩa là, “Một chính quyền bởi dân, do dân, và vì dân.” Khải huyền 13:14 nói rõ rằng quyền lực này khuyên dân cư trên đất “tạc tượng cho con thú đã bị thương bằng gươm và đã sống lại.” Một vị vua hay một nhà độc tài có thể ban hành luật pháp chẳng cần phải hỏi ai, nhưng Tổng thống Hoa Kỳ phải hỏi dân biểu Quốc hội trước khi ban hành một sắc luật nào. Ở đây, Đức Chúa Trời đã nói trước về chính thể của Hoa Kỳ, nơi mà quyền lập pháp nằm trong tay dân chúng—nói cách dễ hiểu hơn, đó là chính thể dân chủ.
Đặc Điểm Thứ Năm. Khải huyền cũng nói rằng con thú như con chiên này có ảnh hưởng toàn thế giới. Khải huyền 13:12 nói rằng, “nó bắt thế gian cùng dân cư nó phải thờ lạy” một quyền lực nào đó. Một trăm năm trước, hình ảnh này chẳng giống Hoa Kỳ chút nào. Nhưng ngay nay, điều này rất đúng! Một siêu cường quốc của thế giới! Một quốc gia có ảnh hưởng toàn cầu! Hoa Kỳ ảnh hưởng thế giới trong mọi lãnh vực: kinh tế, chính trị, và văn hóa. Một lần nữa, Khải huyền đã chỉ đích danh Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ trong lời tiên tri.
Đặc Điểm Thứ Sáu. Thật rất phấn khởi khi thấy quốc gia chúng ta được đề cập đến trong lời tiên tri và biết rằng nước này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong ngày cuối cùng. Nhưng Hoa Kỳ sẽ đóng vai trò gì? Xin hãy đọc Khải huyền 13:11, bức tranh đẹp đẽ bỗng nhiên trở nên đen tối; con thú bắt đầu “như chiên con” này cuối cùng lại “nói như con rồng!” Quốc gia nói bằng cách nào? Qua luật pháp của mình. Thật sự, một quốc gia chỉ có thể chính thức “nói” qua những hành động của ngành lập pháp và tư pháp. Vì Hoa Kỳ được miêu tả là “nói như con rồng,” thì chắc chắn quốc gia này sẽ ban hành những sắc luật đàn áp, và trở nên một quyền lực bắt bớ. Nhưng bức tranh lại càng đen tối hơn. Khải huyền 13:12 nói, con thú thứ hai “cũng dùng mọi quyền phép của con thú trước tại trước mặt con thú ấy, và nó bắt thế gian cùng dân cư nó phải thờ lạy con thú trước, là con có vết thương đến chết đã được lành.” Xin hãy nghiên cứu cẩn thận câu này. Con thú thứ hai thật sự bắt tất cả dân cư trên đất thờ lạy con thú thứ nhất; nghĩa là: Hoa Kỳ sẽ bắt dân chúng trên thế giới thờ lạy quyền thế giáo hoàng. Tôn giáo và chính trị lâu nay đứng riêng rẽ, sẽ hiệp một với nhau để bắt buộc theo một tôn giáo đăc biệt. Cánh tay mạnh mẽ của chính quyền sẽ bắt mọi người phải làm theo sự dạy dỗ của giáo hoàng. Hoa Kỳ sẽ giơ tay qua đại dương để bắt tay giáo hoàng trong một sự liên kết nguy hiểm của chính trị và tôn giáo. Và dấu của quyền thế giáo hoàng là gì? Đó là sự thờ phượng trong ngày Chủ Nhật. Đó là ngày Giáo hội Công giáo La Mã đã tuyên bố là ngày thánh.
“Tượng con thú” là gì? Một hình tượng của ai là một vật gì trông giống như người đó. Nếu một cậu bé là hình ảnh của cha cậu, thì cậu thật giống cha “như đúc.” Sách Khải huyền dùng nhiều hình bóng. Tượng con thú ở đây không phải là một pho tượng hay hình tượng, nhưng như một bản sao, nó làm lại hành động mà con thú thứ nhất đã làm trước kia, như quyền thế giáo hoàng đã làm trong Thời kỳ Hắc Ám. Vào lúc quyền lực lên đến tột đỉnh, là lúc quyền thế giáo hoàng đã mặc lấy quyền lực dân chính, và chủ trương tôn giáo và chính trị hiệp một. Giáo hội có quyền phạt những người bất đồng ý kiến, tịch biên tài sản, bắt bỏ tù và hành hình. Như vậy, thì tượng con thú, hay hình ảnh của quyền thế giáo hoàng là gì? Đó là sự kết hợp giữa tôn giáo và chính trị, hay một tổ chức tôn giáo có quyền dân sự. Dường như không thể được! Nhưng trong thời kỳ khủng hoảng, dân chúng có thể đòi hỏi, “Quý vị dân biểu, phải có hành động! Phải ra luật về luân lý! Hay là chúng ta đều hiệp một và thờ phượng Chúa trong ngày Chủ Nhật. Chúng ta sẽ là một quốc gia thống nhất, một quốc gia Cơ Đốc thờ Đức Chúa Trời mà thôi!
TRẮC NGHIỆM – 24
1. Giăng thấy con thú thứ nhất tranh chiến cùng các thánh và nói phạm thượng đến Đức Chúa Trời “ở dưới ___________ lên.” Thiên sứ giải nghĩa đây là nơi đông dân cư, vì nước tiêu biểu cho “các _______ ________ , các chúng, các nước và các tiếng.” Con thú đã dấy lên tại La Mã.
(Hãy xem Khải huyền 13:1; 17:15.)
2. Ngược lại, Giăng thấy con thú thứ hai “từ dưới _______ _______ ,” nghĩa là một vùng ít dân cư, như là Tân Thế giới Hoa Kỳ.
(Hãy xem Khải huyền 13:11.)
3. o Đúng o Sai
Kinh Thánh nói trước rất chính xác về thời gian, vì con thú thứ hai dấy lên vào lúc con thú thứ nhất bị “bắt làm phu tù,” và lịch sử đã chép xảy ra vào năm 1798.
(Hãy xem Khải huyền 13:10, 11.)
4. o Đúng o Sai
Kinh Thánh nói trước bản tính con thú thứ hai sẽ thay đổi cách đáng sợ, vì nó bắt đầu như một con chiên hiền lành, vô tội, nhưng cuối cùng nó sẽ nói như con rồng.
(Hãy xem Khải huyền 13:11.)
5. Con thú thứ hai trở nên một cường quốc, lãnh đạo và ảnh hưởng toàn thế giới, vì Kinh Thánh nói, “Nó cũng dùng _______ quyền phép của con thú trước. . . và nó bắt _______ _________ cùng ________ ______ nó phải thờ lạy con thú trước, là con có vết thương đến chết đã được lành.”
(Hãy xem Khải huyền 13:12.)
6. “Tượng con thú” là việc làm lặp lại những hành động của con thú thứ nhất trong thời gian nó có quyền hành và bắt bớ, như ép buộc mọi người chịu dấu con thú, nếu không sẽ bị án tử hình. Nó “khiến hết thảy những kẻ nào không thờ lạy tượng con thú đó ______ _________ đi,” hay bị đàn áp kinh tế như “người nào không có dấu ấy. . . thì không thể _________ cùng _________ được.”
(Hãy xem Khải huyền 13:15-17.)