Home / Dưỡng linh / Niềm tin & Cuộc sống / Môi-se, Nhà Lãnh Đạo Chúa Chọn Để Giải Phóng Dân Y-sơ-ra-ên Khỏi Xứ Ai Cập 

Môi-se, Nhà Lãnh Đạo Chúa Chọn Để Giải Phóng Dân Y-sơ-ra-ên Khỏi Xứ Ai Cập 

Môi-se, Nhà Lãnh Đạo Chúa Chọn Để Giải Phóng Dân Y-sơ-ra-ên Khỏi Xứ Ai Cập 

Khi rời bỏ cung điện và đời sống hoàng gia Ai Cập, ông hoàng Môi-se đã 40 tuổi. Dong ruỗi trong vùng sa mạc Bắc Phi và lang thang vào vùng Cận Đông, vùng đất của các giống dân du mục, tại đó Môi-se gặp một gia đình của một thủ lãnh người Mê-đi-an. Ông lập gia đình với người con gái lớn của họ. Vợ của Môi-se, một người phụ nữ can đảm, cô chăn chiên cho cha mình, và quản trị gia đình mình. Theo vợ, Môi-se học nghề chăn chiên. Đời sống của người chăn chiên đòi hỏi lòng kiên trì, nhẫn nại, và đầy thương yêu để lo lắng và chăm sóc cho bầy chiên của mình. Người chăn chiên phải can đảm và mạnh bạo để đánh đuổi những thú rừng tìm cách cướp chiên. Người chăn chiên thường khi phải đưa bầy đi tìm đồng cỏ cho chiên ăn, những chuyến đi nhiều ngày, đòi hỏi người phải biết địa bàn phương hướng nơi mình đi. Đời sống sa mạc khác với nơi đô thị xa hoa và nhiều tiện nghi của hoàng cung, nhưng đời sống ở đây đã tao luyện cho Môi-se những đức tính cần yếu của một nhà lãnh đạo tài ba. Những ngày tháng sống giữa sự hiu quạnh của sa mạc, cũng là những giờ phút cho Môi-se tịnh tâm, tưởng nhớ đến Đấng Tạo Hóa, đến Thiên Chúa của mình. Chính trong những năm nầy, Đức Chúa Trời đã khải thị cho Môi-se để ông ghi lại khởi thủy của loài người và lịch sử của dân tộc ông, dân Y-sơ-ra-ên mà Đức Chúa Trời đã chọn làm tuyển dân của Ngài. Môi-se viết cuốn sách đầu tiên của Kinh Thánh, sách Sáng thế Ký trong những năm tháng nầy. Môi-se đã làm nghề chăn chiên đúng 40 năm.

Và thời điểm Đức Chúa Trời quyết định phải giải cứu dân tộc Y-sơ-ra-ên còn đang lầm than trong kiếp nô lệ tại Ai Cập, đã đến. Ngài hiện ra cùng Môi-se, người mà Ngài đã chọn để giao trọng trách giải phóng dân Ngài, và mang họ đến một miền Đất Hứa mà Ngài đã hứa ban cho họ từ thời tổ phụ Áp-ra-ham của họ (400 năm trước). Đức Chúa Trời hiện ra trong một bụi gai xanh tươi nhưng cháy bùng trước mặt Môi-se khi ông đang chăn bầy chiên. Sự kiện ấy quá lạ lùng với Môi-se. Khi ông đến gần để xem thì ông nghe tiếng nói của Thiên Chúa và Ngài bảo ông phải đi gặp vua Pha-ra-ôn của Ai Cập và biểu vua thả dân Y-sơ-ra-ên tự do. Lúc đầu Môi-se từ chối và bảo rằng mình không xứng đáng và đủ tài năng để nhận trọng trách ấy. Ông ngại ngần phải đối mặt với Pha-ra-ôn và cả với dân Y-sơ-ra-ên, họ có biết ông là ai đâu. Nhưng Thiên Chúa bảo ông rằng Ngài sẽ ban ơn và ban sức cho ông để làm được những điều ấy.

Vua Pha-ra-ôn kiêu ngạo không cần biết Thiên Chúa là ai và không nghe lời yêu cầu của Môi-se nên ngoan cố lại hành hạ dân Y-sơ-ra-ên càng thêm. Qua lệnh của Đức Chúa Trời, Môi-se báo trước cho Pha-ra-ôn hay rằng sẽ có mười tai vạ xảy đến cho xứ Ai Cập vì vua của xứ ấy cứng đầu. Mỗi lần tai vạ xảy ra, Pha-ra-ôn kinh hãi hứa sẽ cho dân Y-sơ-ra-ên ra đi, nhưng mỗi lần vua lại đổi ý. Cho đến tai vạ thứ mười.

Đức Chúa Trời truyền cho dân Y-sơ-ra-ên phải giết một con chiên và bôi huyết chiên trên khung cửa. Ngài bắt họ phải trang bị hành trang cho một chuyến đi dài. Họ phải làm như vậy vì chính trong đêm cuối cùng, một thiên sứ sẽ bay ngang tất cả các khung cửa của toàn xứ Ê-díp-tô và nhà nào không có huyết chiên bôi trên màn cửa, thiên sứ sẽ vào và giết mọi con trai đầu lòng, thú vật đầu lòng của nhà ấy. Nhà nào có huyết bôi, thiên sứ sẽ vượt qua mà không vào. Sự kiện ấy xảy ra vào khoảng năm 1300 TC, đến ngày nay, người Do Thái vẫn còn kỷ niệm việc ấy vì đó nhắc nhở họ rằng Thiên Chúa đã giải phóng họ khỏi vòng đọa đày; và họ giữ ngày Lễ Vượt Qua hằng năm (Lễ Passover).

Pha-ra-ôn và toàn dân Ê-díp-tô kinh hoàng và đau đớn vì tai vạ thứ mười nầy, họ xua đuổi dân Y-sơ-ra-ên phải cấp bách đi ra khỏi xứ họ. Dân Y-sơ-ra-ên được giải phóng và bắt đầu trường chinh về vùng Đất Hứa là vậy.

Nhưng khi dân Y-sơ-ra-ên, khoảng 2 triệu người, lũ lượt lên đường, mang theo mọi tài sản, chiên dê bò lừa của họ. Họ bỏ lại làng xóm họ đã ở hoang vắng. Người Ai Cập lúc ấy mới thấy mất hết những người đầy tớ và kẻ nô lệ đã phục dịch và hầu hạ mình. Các công trình xây cất vĩ đại của Pha-ra-ôn hoàn toàn ngưng trệ, nhìn những kim tự tháp, thành trì mà dân nô lệ đang xây nay sẽ bị bỏ dỡ, Pha-ra-ôn liền đổi ý và ra lệnh cho hết thảy lực lượng binh xa, chiến cụ và binh sĩ rượt đuổi theo đoàn di dân.
Dân Y-sơ-ra-ên đã đi nhiều ngày trong sa mạc, nhìn thấy bóng bụi mờ của quân lực Ai Cập đuổi theo và trước mặt họ là bờ biển (Biển Đỏ), họ cất tiếng ta thán, và trách móc Môi-se mang họ ra vùng sa mạc để rồi họ cũng phải chết dưới tay Pha-ra-ôn. Họ còn nói, thà là chúng tôi ở lại Ê-díp-tô làm nô lệ mà sống còn hơn bị đem ra giữa sa mạc để bị giết. Môi-se, nhờ đã luyện tập sự nhẫn nhục và biết Đức Chùa Trời của mình sẽ không để dân Ngài bị thiệt hại, đã phải khuyên răn và dỗ họ hãy giữ niềm tin nơi Thiên Chúa.

Trong những giờ phút kinh hoàng và bế tắc nhất của dân Ngài, Đức Chúa Trời đã giữ lời hứa không để cho họ phải chết trong tuyệt vọng. Ngài phán bảo Môi-se hãy giơ tay ra trên biển, thì liền đó Ngài dẫn trận gió đông thổi mạnh đùa biển cả đêm và nước biển bị phân rẽ bày ra mặt đất khô. Dân Y-sơ-ra-ên đã băng ngang biển giữa hai bức tường nước. Quân đội và ngựa xe của Pha-ra-ôn đuổi theo sau họ. Khi dân đến bờ bên kia, trời cũng vừa sáng, Thiên Chúa phán bảo Môi-se hãy đưa tay mình ra trên mặt biển, thì hai bờ thành nước đổ xuống phủ ngập đoàn quân của Pha-ra-ôn, không một ai sống còn.

Kỳ Tới: Môi-se, Nhà Lãnh Đạo Kiên Trì Và Cuộc Trường Chinh Vượt Sa Mạc Si-nai

Ngọc Liên

Check Also

Cứu Cấp

Vào tháng Giêng năm 2010, Wesley Autrey đang chờ đợi chiếc xe điện ngầm ở …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *