Home / Dưỡng linh / Nhận Biết Tính Xác Thực Thiên Đàng

Nhận Biết Tính Xác Thực Thiên Đàng

Sự hiểu biết tường tận của bà Ellen về đền thánh trên trời.

Alberto R. Timm

One Một trong những chủ đề có ý nghĩa nhất của Kinh Thánh là đền thánh. Từ quan điểm lịch sử thì có sự thay đổi từ những bàn thờ của tổ phụ đến đền tạm thời Môi-se và đền thờ Giê-ru-sa-lem, đạt đến đỉnh cao ở sự hy sinh của Đấng Christ trên thập tự giá và chức vụ tế lễ Ngài thi hành nơi đền thánh trên trời. Từ quan điểm thần học, đền thánh là nơi Đức Chúa Trời ngự (Xuất 25:8; Ê-sai 6:1; Khải 11:19), nơi gìn giữ luật pháp Ngài (Xuất 25:16; 31:18; Khải huyền 11:19), và là nơi sự cứu rỗi dành sẵn cho tất cả mọi người (Hê-bơ-rơ 4:14-16; 1 Giăng 2:1, 2). Không ngạc nhiên vì sao những người Cơ Đốc Phục Lâm đầu tiên nhìn xem đền thánh là yếu tố hợp thành chủ yếu trong hệ thống giáo lý của họ.1

“Một quan điểm rõ ràng về đền thánh trên trời giúp chúng ta hiểu rõ hơn về công việc cứu rỗi.”

Bà Ellen White nói về đền thánh trên đất và những nghi thức của nó là “lời tiên tri cô đọng của phúc âm,”2 còn đền thánh trên trời và chức vụ của nó là “trung tâm của công việc Đấng Christ thay mặt cho [những người nam và nữ]”3 và “nền tảng đức tin chúng ta.”4 Nhưng Sa-tan ghét những lẽ thật vĩ đại này, và “phát minh vô số sự lừa dối để chiếm lĩnh tâm trí, hầu cho tâm trí chúng ta không thể để ý đến điều mà đáng lẽ chúng ta phải quen thuộc nhất.”5 Vì vậy không gì có thể kéo mắt chúng ta ra khỏi Đấng Christ là “cội rễ và cuối cùng của đức tin” (Hê-bơ-rơ 12:2) và chức vụ tế lễ vinh hiển của Ngài thay mặt cho chúng ta.

Bản tính của đền thánh

Nhiều Cơ Đốc Nhân gặp khó khăn trong việc nhận thức về sự tồn tại của đền thánh trên trời. Đối với họ, thiên đàng chỉ là một chiều kích thuộc linh, phi vật chất như các triết gia Hy Lạp đã phác họa. Trái lại, Kinh Thánh nói về một thiên đàng thật sự, với một thành phố thực nơi đền thành vinh hiển của Đức Chúa Trời được đặt để. Sách Hê-bơ-rơ nói về thực thể ấy là “đền tạm thật, bởi Chúa dựng lên” và “đền tạm lớn hơn và trọn vẹn hơn, không phải tay người dựng ra, nghĩa là không thuộc về đời nầy;” (Hê-bơ-rơ 9:11)

Ellen White giải thích rằng Đức Chúa Trời không chỉ cho Môi-se thấy “cảnh tượng về đền thánh trên trời” 6 mà thôi nhưng cũng cho ông một “kế hoạch”, “một mô hình của đền thánh trên trời” như một kiểu mẫu cho đền thánh dưới đất (Xuất 25:9,40)6 “Môi-se dựng đền tạm trên đất sau khi ông được cho thấy các kiểu mẫu. Sứ đồ Phao-lô dạy dỗ rằng kiểu mẫu ấy là đền thánh thật ở trên trời. Và sứ đồ Giăng chứng nhận rằng ông thấy nó trên trời.”7

Với một sự hiểu biết rõ ràng về đền thánh trên trời là “cái nguyên gốc tuyệt vời, từ đó mà Môi-se đã phỏng theo để xây đền tạm trên đất,” bà White lập luận kiên quyết rằng “cũng như đền tạm trên đất có 2 phần, nơi thánh và nơi chí thánh, thì đền thánh trên trời cũng có 2 phần như vậy.”8

Chức vụ của đền thánh

Sách Hê-bơ-rơ xác nhận rằng Đấng Christ bắt đầu chức tế lễ của Ngài qua việc dâng mình làm lễ chuộc tội trên thập tự giá nơi Gô-gô-tha vì tội lỗi của thế gian (Hê-bơ-rơ 8:1-5; 9:11-28). Khi đã dâng một của tế lễ trọn vẹn, Ngài lên thiên đàng và trở thành Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm “ngồi bên hữu ngai của Đấng tôn nghiêm trong các từng trời,” (Hê-bơ-rơ 8:1, Xa-cha-ri 6:13)

Là Đấng trung bảo và bênh vực cho chúng ta, Ngài cầu thay cho chúng ta bởi giá trị của chính huyết Ngài. Chức vụ tế lễ của Ngài thật đầy ý nghĩa, theo lời của bà Ellen White, “việc cầu thay của Đấng Christ cho con người trong đền thánh trên trời thì cần thiết đối với kế hoạch cứu rỗi như là việc Ngài chết trên thập tự giá.”9 Nhưng với sự chấm dứt của 2.300 ngày hình bóng/ tức năm trong Đa-ni-ên 8:14 vào năm 1844, Đấng Christ bắt đầu sự phán xét điều tra trước khi phục lâm (xin xem trong Đa-ni-ên 7:9-14; 8:9-14) thông báo trong Khải huyền 14:7 “giờ phán xét của Ngài đã đến”

Miêu tả một phần của sự đoán xét đó, Đa-ni-ên đoạn 7 bày tỏ “các ngôi đã đặt” (câu 9); ngôi di động của Đức Chúa Trời có các bánh xe như “lửa cháy” (câu 9) và Con Người (Đấng Christ) đi tới Đấng Thượng Cổ [Đức Chúa Cha] (câu 13). Bà Ellen White miêu tả việc đó như sau: “Tôi thấy Đức Chúa Cha đứng dậy từ ngôi, và ở trong một chiếc xe lửa đi vào nơi chí thánh bên trong bức màn, rồi ngồi xuống. Đoạn Đức Chúa Jêsus chổi dậy khỏi ngôi, và hầu hết những ai thờ lạy chổi dậy với Ngài… Rồi một xe mây phủ, với bánh xe như lửa cháy, có các thiên sứ vây phủ, đến nơi Đức Chúa Jêsus. Ngài bước vào trong xe và được đưa đến nơi chí thánh, nơi Cha Ngài ngồi.”10 Đa-ni-ên 7:21-27 giải thích rằng sự xét đoán cùng thời điểm chống lại “cái sừng” bắt bớ các thánh.

Ý nghĩa của đền thánh

Một số Cơ Đốc Nhân chia lịch sử thánh ra thành nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn có một sứ điệp khác biệt với những giai đoạn kia. Nhưng thay vì đề cập đến những phúc âm khác nhau, Kinh Thánh nói về một “tin lành đời đời” (Khải huyền 14: 6) và cảnh báo chống lại việc chấp nhận “bất kỳ tin lành nào khác” (Ga-la-ti 1:6-9). Tin lành đời đời chảy xuyên suốt chủ đề đền thánh, hiệp nhất kế hoạch cứu rỗi thành một thể thống nhất.

Ellen White giải thích “xung quanh đền thánh và những nghi thức thờ phượng trọng thể của nó đã tập họp một cách kỳ diệu các lẽ thật lớn lao mà sẽ được phát triển qua những thế hệ kế thừa.”11 Vì thế sau kinh nghiệm về phong trào Cơ Đốc Phục Lâm năm 1844, việc nghiên cứu về đền thánh “mở ra một quan điểm về hệ thống lẽ thật trọn vẹn, mạch lạc và hài hòa.”12

Một quan điểm rõ ràng về đền thánh trên trời giúp chúng ta hiểu rõ hơn về công việc cứu rỗi. Nó không chỉ bày tỏ trong quá khứ về việc Ngài đã chết vì tội của chúng ta và trong tương lai Ngài sẽ trở lại để giải cứu chúng ta khỏi thế giới tội lỗi này mà còn hiện tại Ngài giúp chúng ta chiến thắng tội lỗi. Vì lý do đó, Hê-bơ-rơ 4:16 kêu gọi chúng ta: “Vậy, chúng ta hãy vững lòng đến gần ngôi ơn phước, hầu cho được thương xót và tìm được ơn để giúp chúng ta trong thì giờ có cần dùng.” Tác giả sách Thi Thiên tiếp: “Tôi đã xin Đức Giê-hô-va một điều, và sẽ tìm kiếm điều ấy! Ấy là tôi muốn trọn đời được ở trong nhà Đức Giê-hô-va, Để nhìn xem sự tốt đẹp của Đức Giê-hô-va, Và cầu hỏi trong đền của Ngài.”

Tất cả chúng ta phải nhờ đức tin mà ngụ trong đền thánh trên trời của Chúa cho đến ngày vinh hiển khi ấy chúng ta sẽ thờ phượng Ngài “trong đền Ngài” (Khải huyền 7:15).

1 See Alberto R. Timm, The Sanctuary and the Three Angels’ Messages: Integrating Factors in the Development of Seventh-day Adventist Doctrines (Berrien Springs, Mich.: Adventist Theological Society Publications, 1995).
2 Ellen G. White, The Acts of the Apostles (Mountain View, Calif.: Pacific Press Pub. Assn., 1911), p. 14.
3 Ellen G. White, The Great Controversy (Mountain View, Calif.: Pacific Press Pub. Assn., 1911), p. 488.
4 Ellen G. White, Evangelism (Washington, D.C.: Review and Herald Pub. Assn., 1946), p. 221.
5 Ellen G. White, The Great Controversy, p. 488.
6 Ellen G. White, Patriarchs and Prophets (Mountain View, Calif.: Pacific Press Pub. Assn., 1890), p. 343.
7 Ellen G. White, The Great Controversy, p. 415.
8 Ellen G. White, The Spirit of Prophecy (Oakland, Calif.: Pacific Press Pub. Assn., 1884), vol. 4, p. 260.
9 Ellen G. White, The Great Controversy, p. 489.
10 Ellen G. White, Early Writings (Washington, D.C.: Review and Herald Pub. Assn., 1882), p. 55.
11 Ellen G. White, The Faith I Live By (Washington, D.C.: Review and Herald Pub. Assn., 1958), p. 194.
12 Ellen G. White, The Great Controversy, p. 423.

Alberto R.Timm là biên tập phó tại Ellen White Estate ở Silver Spring, Maryland, U.S.A.

Check Also

Khách Bay Thường Xuyên

Được đi máy bay luôn là niềm mơ ước của tôi. Khi vừa lớn đủ …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *