Xem / Tải về toàn bộ bài học theo liên kết sau đây:
Tín hữu Cơ Đốc Phục Lâm được kêu gọi để rao giảng “Tin Lành đời đời” (Khải huyền 14:6) cho cả thế giới. Làm như vậy, chúng ta chỉ đơn giản tuân theo lời Đức Chúa Giê-su về công cuộc làm báp-têm và đào tạo môn đồ, và “dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi” (Ma-thi-ơ 28:20). Và trong số các mệnh lệnh của Ngài, chúng ta phải làm mục vụ cho những ai đang bị thương đau, chà đạp, nghèo khó, đói khát, hay tù đày.
Xét cho cùng, chính Đức Chúa Giê-su, sau khi kể chuyện ngụ ngôn về Người Sa-ma-ri nhơn lành (Lu-ca 10:30–36), đã ra lệnh cho những người đang nghe Ngài rằng: “Hãy đi, làm theo như vậy” (Lu-ca 10:37). Chính Đức Chúa Giê-su, qua mô tả khi Ngài sẽ phân chia các quốc gia như cách một “kẻ chăn chiên chia chiên với dê ra” (Ma-thi-ơ 25:32), đã nói lên tầm quan trọng của việc giúp đỡ người bị đói, bị bệnh, bị trần truồng, và bị cầm tù. “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy”(Ma-thi-ơ 25:40).
Nói cách khác, song song với việc tuyên rao những lẽ thật vĩ đại về sự cứu rỗi, nơi thánh, trạng thái người chết, và tính cách bất diệt của luật pháp, chúng ta cũng phải chăm sóc nhu cầu của người khác. Và còn cách nào để tiếp cận mọi người tốt hơn là làm việc cho phúc lợi của họ? Như trong một câu nói nổi tiếng của bà Ellen G. White: “Chỉ riêng phương pháp của Đấng Cơ Đốc mới có thể mang lại thành công thực sự khi tiếp cận người khác. Đấng Cứu Thế chung đụng với dân chúng như một người mong muốn lòng tốt lành của họ. Ngài bày tỏ tình cảm thông đối với người lạ, phục vụ nhu cầu của tha nhân, và chiếm được lòng tin của thế nhân. Sau đó Ngài kêu gọi họ ‘Hãy Theo Ta.’ – The Ministry of Healing, trang 143.
Trong Kinh Thánh, người ta đếm được tới 2,103 câu bày tỏ mối quan tâm đặc biệt của Đức Chúa Trời cho người nghèo đói và người bị áp bức. So với tổng số các lần đề cập đến nhiều khía cạnh khác như niềm tin, giáo lý, và lối sống của Cơ Đốc nhân nói chung, thì số lần đề cập đến các mục vụ giúp tha nhân có một sức nặng quá chênh lệch. Chúng ta cần phải nghiêm túc quan tâm hơn tới các hành động làm vơi bớt phần nào những cơn đau đớn và nỗi thảm sầu đang hoành hành xung quanh chúng ta. Thực ra mối quan tâm này sẽ không làm suy giảm nỗ lực truyền bá phúc âm; ngược lại, nó có thể trở thành một phương cách rất hữu hiệu để rao giảng tin lành.
Dĩ nhiên giúp đỡ kẻ khác là điều đáng khen, ngay cả nếu chỉ nhằm mục đích giúp đỡ họ mà thôi. Chúng ta cần phải “làm sự công bình” (Mi-chê 6:8), vì, rất đơn giản, “thi hành công lý” là chuyện vừa phải, vừa tốt. Tuy nhiên, thậm chí phải chăng có lẽ còn tốt hơn nữa, nếu trong khi thi hành công lý và tiếp tay người khác về các nhu cầu trước mắt và tạm thời của họ, chúng ta đồng thời cũng chia sẻ lời hứa về sự sống vĩnh hằng trong Đấng Cơ Đốc, là “lẽ về sự trông cậy trong anh em” (1 Phi-e-rơ 3:15)?
Đức Chúa Giê-su chữa lành bệnh tật, kẻ mù được sáng, kẻ phung được sạch, ngay cả người chết được sống lại. Nhưng phải chăng hết thảy những ai đã được Ngài cứu chữa rồi sớm hay muộn, một ngày nào đó, cũng xa lìa dương thế? Chính vì vậy, khi có cái nhìn xa rộng, chúng ta thấy rằng, bất cứ điều gì tốt đẹp Ngài làm cho họ và cho nhu cầu trước mắt của họ, Ngài cũng làm nhiều hơn nữa. Vâng, Ngài đã chăm sóc những người đang quằn quại trong cơn đau thể xác hay tinh thần, nhưng sau đó đã tha thiết mời gọi họ, Hãy Theo Ta. Và đó chính xác là lý do tại sao chúng ta cũng nên chăm sóc những người đang bị tổn thương và sau đó nhắn nhủ với họ rằng, Hãy Theo Ngài.
Không thắc mắc gì nữa, qua nỗ lực tìm kiếm công lý và những phẩm chất tốt lành ở trên đất, chúng ta đang diễn tập cho thiên quốc của Đức Chúa Trời (Lu-ca 4:18, 19), dưới nhiều hình thức. Các hình thức này chứng tỏ chúng ít ra cũng có giá trị, cũng trung tín và có lẽ cũng hiệu quả như hành động giảng đạo. Khi chúng ta lo lắng cho người khốn cùng và người bị đè nén, chúng ta thực sự đang thờ phượng và vinh danh Đức Chúa Trời (Ê-sai 58:6–10). Nhưng nếu chúng ta thất bại trong trách nhiệm phục vụ người bị tổn thương, đắng cay, và những tấm lòng tan vỡ, chúng ta đã vô tình bóp méo làm xấu xí đi hình ảnh cao đẹp của Chúa chúng ta trong ánh mắt thế nhân (Châm ngôn 14:31).
Vậy trong ba tháng này chúng ta sẽ xem Lời Chúa nói gì (và rất phong phú) về bổn phận của chúng ta phải phục vụ nhu cầu của những người xung quanh.
“Các ngươi đã được lãnh không thì hãy cho không” (Ma-thi-ơ 10:8). Điều đó nói lên tất cả.
Ông Jonathan Duffy từng là chủ tịch của ADRA (Cơ quan Cứu trợ và Phát triển Cơ Đốc Phục Lâm) Quốc tế thuộc Giáo hội Cơ Đốc Phục Lâm Thế giới từ năm 2012. Trước khi gia nhập ADRA Úc Châu vào năm 2008, ông từng là Giám đốc Bộ Y tế của Tổng hội Cơ Đốc Phục Lâm Nam Thái Bình Dương, nơi ông có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực y tế và phát triển sức khỏe cộng đồng.
Xem / Tải về toàn bộ bài học theo liên kết sau đây:
Mục Lục
- ĐỨC CHÚA TRỜI DỰNG NÊN… (29 Tháng 6 — 5 Tháng 7)
- SƠ ĐỒ CHO MỘT THẾ GIỚI LÝ TƯỞNG (6 Tháng 7 — 12 Tháng 7)
- SA-BÁT: MỘT NGÀY CỦA SỰ TỰ DO (13 Tháng 7 — 19 Tháng 7)
- NHƠN TỪ VÀ CÔNG LÝ (20 Tháng 7 — 26 Tháng 7)
- TIẾNG KÊU CỦA CÁC TIÊN TRI (27 Tháng 7 — 2 Tháng 8)
- THỜ LẠY ĐẤNG TẠO HÓA (3 Tháng 8 — 9 Tháng 8)
- ĐỨC CHÚA GIÊ-SU VÀ KẺ THIẾU THỐN (10 Tháng 8 — 16 Tháng 8)
- NHỮNG NGƯỜI RẤT HÈN MỌN NÀY (17 Tháng 8 — 23 Tháng 8)
- MỤC VỤ TRONG HỘI THÁNH TÂN ƯỚC (24 Tháng 8 — 30 Tháng 8)
- THỂ HIỆN PHÚC ÂM (31 Tháng 8 — 6 Tháng 9)
- THỂ HIỆN NIỀM HY VỌNG TÁI LÂM (7 Tháng 9 — 13 Tháng 9)
- YÊU QUÝ SỰ NHÂN TỪ (14 Tháng 9 — 20 Tháng 9)
- CỘNG ĐỒNG NGƯỜI HẦU VIỆC (21 Tháng 9 — 27 Tháng 9)
Tác giả:
Ông Jonathan Duffy
Dịch giả:
Ông Nguyễn Trung Hậu
Ban hiệu đính:
Mục sư Nguyễn Khắc Vinh
Kezia Tuyết Nguyễn
Trương Kimchi
Nguyễn Đăng Hưng
Trình bày:
Nguyễn Đăng Hưng
Website Trường Sa-bát:
giaohoicodoc.org/truongsabat
Mọi liên lạc, thư từ xin gởi về:
Mục sư Nguyễn Khắc Vinh
Tiếng Nói Hy Vọng
P.O. Box 5704, El Monte, CA 91734
Tel. (626) 422-6841
www.TiengNoiHyVong.org