Home / Dưỡng linh / Niềm tin & Cuộc sống / Những Thành Ngữ Trong Văn Hóa Thế Giới Đến Từ Kinh Thánh

Những Thành Ngữ Trong Văn Hóa Thế Giới Đến Từ Kinh Thánh

Những người sống ở Mỹ hoặc Âu châu, qua văn học, qua đời sống hằng ngày, nghe và dùng nhiều thành ngữ quen thuộc. Nhưng các bạn có biết rất nhiều các thành ngữ ấy đến từ trong Kinh Thánh hoặc từ các điển tích của Kinh Thánh không? Chẳng qua Kinh Thánh Cựu Ước được viết hằng ngàn năm trước Công nguyên, tức là trước khi Đức Chúa Jesus ra đời. Sự giáng sinh của Đức Chúa Jesus được đánh dấu bằng năm đầu tiên của Tây lịch. Kinh Thánh được bắt đầu soạn thảo thành một bộ sách và bắt đầu phát truyền toàn thế giới sau khi Đức Chúa Jesus ra đời vài trăm năm. Hơn nữa, trong thế giới văn học Tây phương, quyển Kinh Thánh đã từng được xem là một bộ sách văn chương và triết lý mà các học sinh sinh viên phải học hiểu, và là những câu chuyện luân lý mà trẻ con phải được dạy dỗ theo.

Các câu thành ngữ xuất phát từ Kinh Thánh thì rất nhiều, chúng tôi chỉ xin được ghi lại một vài câu thông dụng và cho biết nguồn gốc của chúng.

Can a leopard change its spots? Con beo có thể thay đổi được các đốm trên mình nó chăng? Để nói lên rằng con người hay bất cứ con vật nào khó có thay đổi được cá tính bẩm sinh của họ. Đến từ lời Chúa phán cùng tiên tri Giê-rê-mi: “Người Ê-thi-ô-pi có thể thay đổi được màu da mình, Hay con beo có thể thay đổi được các đốm trên mình nó chăng? Nếu được thì các ngươi, những kẻ đã quen thói xấu xa tội lỗi, có thể tự mình làm người ngay lành lương thiện được” (Giê-rê-mi 13:23).

Cast the first stone / Kẻ ném viên đá đầu tiên. Người đầu tiên buộc tội hoặc định tội một kẻ có tội. Câu nầy đến từ một sự kiện trong Kinh Thánh khi dân chúng mang đến cho Đức Chúa Jesus một người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội tà dâm. Theo luật pháp họ đòi ném đá kẻ có tội đến chết, nhưng họ biết Chúa là Đấng tha thứ nên muốn thử Chúa, nếu Ngài tha chết cho cô ta tức là Ngài trái luật pháp, nếu Ngài biểu họ ném đá tội cô ta thì Ngài đâu phải là Đấng Nhân Lành. “Nhưng Đức Chúa Jêsus cúi xuống, lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi nữa, thì Ngài ngước lên và phán rằng: Ai trong các ngươi là người vô tội, hãy trước nhứt ném đá vào người. Rồi Ngài lại cúi xuống cứ viết trên mặt đất. Khi chúng nghe lời đó, thì kế nhau mà đi ra, những người có tuổi đi trước” (Giăng 8:6-8).

By the sweat of your brow / Đổ mồ hôi trán. Phải làm việc cực nhọc. Câu nầy đến từ câu chuyện trong Vườn Ê-đên là vườn địa đàng Đức Chúa Trời đã cho tổ phụ loài người là ông A-đam và bà Ê-va ở. Nhưng họ phạm tội và bị đuổi ra khỏi vườn. Chúa nói cho họ biết vì sự bất tuân mà phạm tội của họ, cuộc đời con người sẽ là lam lũ và sẽ không được sống hoài trên mặt địa cầu. “Ngươi phải đổ mồi hôi trán mới có cơm bánh để ăn, Cho đến khi ngươi trở về cùng bụi đất, vì ngươi đã ra từ bụi đất; Ngươi là cát bụi, nên ngươi sẽ trở về cùng cát bụi” (Sáng thế Ký 3:19).

Dust to dust / Cát bụi trở về cát bụi. Nói lên số phận ngắn ngủi của một kiếp người. Xem câu Kinh Thánh đã ghi trên. Về sau trong lời ta thán về kiếp người, vua Sô-lô-môn cũng có lời ta thán, “và loài người chẳng hơn gì loài thú, vì tất cả đều vô nghĩa. Tất cả đều về chung một chỗ; tất cả đều ra từ bụi đất, và tất cả sẽ trở về bụi đất” (Truyền Đạo 3:19, 20).

Am I my brother’s keeper? / Tôi là người giữ em tôi sao? Tại sao tôi phải chịu trách nhiệm về sự an bình và phước hạnh của người khác? Đến từ câu chuyện hai người con trai đầu của A-đam và Ê-va có chuyện xô xát. Người con lớn là Ca-in vì ganh tị với em mình nên đã mưu sát hại em mình là A-bên. Sau khi giết em rồi, Ca-in chạy trốn, Chúa bèn hỏi Ca-in, em ngươi là A-bên ở đâu rồi, và Ca-in trả lời như thể mình không biết việc gì đã xảy đến cho A-bên, rằng, “Bộ tôi là người giữ em tôi sao?” (Sáng thế Ký 4:9).

An eye for an eye, a tooth for a tooth / Mắt đền mắt, răng đền răng. Đến từ luật pháp người Do Thái thời cổ cho phép ai phạm tội thế nào thì phải bị trừng phạt thích đáng. “Nhưng nếu có thiệt hại gì khác, ngươi sẽ lấy mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân, phỏng đền phỏng, thương tích đền thương tích, bầm đền bầm” (Xuất Ê-díp-tô Ký 21:23-25).

Turn the left cheek also / Cũng đưa má bên trái nữa. Chúa dùng thí dụ nầy để dạy phải nhịn nhục. Ngài phán, “Các ngươi có nghe nói, ‘Mắt đền mắt, răng đền răng.’ Nhưng Ta nói với các ngươi, đừng chống cự kẻ ác. Nếu ai tát má bên phải ngươi, hãy đưa luôn má bên trái” (Ma-thi-ơ 5:38, 39).

Good Samaritan / Người Sa-ma-ri nhân lành. Để chỉ những người có lòng yêu thương giúp đỡ người gặp hoạn nạn. Đến từ một câu chuyện thí dụ Đức Chúa Jesus kể về một người khách đi đường gặp nạn, có những người đi qua cũng cùng văn hóa và tôn giáo với anh ta, nhưng họ đều viện lý do nầy hay lý do khác để không phải ngừng lại cứu giúp anh. Cuối cùng có một người Sa-ma-ri là người không cùng văn hóa và tôn giáo với người gặp nạn, nhưng vì lòng thương người hoạn nạn, người Sa-ma-ri ấy ngừng lại và cứu giúp người bị nạn hết lòng. Chuyện ghi lại trong Lu-ca 10:25-37.

He who lives by the sword, dies by the sword – Ai cầm gươm sẽ chết vì gươm. Đức Chúa Jesus rầy môn đệ Ngài là Phi-e-rơ khi ông dùng gươm để bảo vệ Chúa không bị kẻ thù bắt trói. Chúa đã chữa người lính bị thương vì gươm của Phi-e-rơ, và Ngài quở ông, “Đức Chúa Jêsus bèn phán rằng: Hãy nạp gươm vào vỏ; vì hễ ai cầm gươm thì sẽ bị chết về gươm” (Ma-thi-ơ 26:52).

Còn rất nhiều thành ngữ khác đến từ điển tích hoặc lời dạy trong Kinh Thánh, vì chính Kinh Thánh đã có trước nền văn minh của nhiều văn hóa thế giới ngày nay.

Ngọc-Liên

Check Also

Cứu Cấp

Vào tháng Giêng năm 2010, Wesley Autrey đang chờ đợi chiếc xe điện ngầm ở …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *