Home / Trường Sa-bát / Phương Cách Diễn Giải Kinh Thánh (Bài Học Sa-bát Quý 2 – 2020)

Phương Cách Diễn Giải Kinh Thánh (Bài Học Sa-bát Quý 2 – 2020)

Xem / Tải về toàn bộ bài học theo liên kết sau đây:

NHẬP ĐỀ

Là tín đồ Cơ Đốc Phục Lâm, chúng ta thuộc về những người Cải Chánh, điều ầy có nghĩa là chúng ta tin vào sola Scriptura, nghĩa là chỉ có một mình Kinh Thánh là nền tảng và có thẩm quyền duy nhất cho đức tin và giáo lý của chúng ta. Điều này đặc biệt thích ứng trong những ngày cuối cùng, khi, như Ellen G. White đã nói, Đức Chúa Trời sẽ có “một dân trên địa cầu để duy trì Kinh Thánh, và chỉ Kinh Thánh, là tiêu chuẩn của tất cả các giáo lý và là nền tảng của mọi cải cách.” – The Great Controversy, trang 595.

Dĩ nhiên, chúng ta không phải là những người duy nhất trong số những người Cải Chánh tuyên xưng rằng “Kinh Thánh và chỉ mình Kinh Thánh” là nền tảng đức tin của chúng ta. Nhiều tín đồ Cải Chánh cũng tin giống chúng ta nhưng họ còn tin cả những điều như, ngày thứ Nhất, bởi Tân Ước, đã thay thế ngày thứ Bảy Sa-bát; sự bất tử của linh hồn; sự hành hạ muôn đời trong địa ngục cho những kẻ lạc mất; và thậm chí, một sự được cất đi cách bí mật mà trong đó Chúa Giê-su lặng lẽ và lén lút trở về trái đất và mang đi bất ngờ những kẻ được cứu trong khi mọi người khác đều tự hỏi làm thế nào những người đó đột nhiên biến mất. Nói cách khác, chỉ cần có Kinh Thánh, và tuyên bố tin vào nó, là một việc quan trọng. Nhưng, sự phổ biến của các giáo lý sai lầm (mà người ta cho là bắt nguồn từ Kinh Thánh) cho thấy, chúng ta cũng cần phải biết cách diễn giải Kinh Thánh cho chính xác nữa.

Vì lẽ ấy, chủ đề của bài học nghiên cứu Kinh Thánh trong ba tháng nầy là “Phương Cách Diễn Giải Kinh Thánh”. Trong đó, chúng ta bắt đầu với giả định rằng Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời, là “sự mặc khải không thể sai lầm về ý chí của Ngài” và là “tiêu chuẩn của bản chất, là thử nghiệm kinh nghiệm, là bản tiết lộ có thẩm quyền về các giáo điều, và là hồ sơ đáng tin cậy về các hành vi của Đức Chúa Trời trong toàn lịch sử.” – Seventh-day Adventists Believe, (in tại Nampa, Idaho do nhà xuất bản Pacific Press 2005), trang 11.

Nói tóm lại, Kinh Thánh là nguồn gốc của những chân lý mà chúng ta tin tưởng và công bố với thế giới. Hoặc, như chính Kinh Thánh đã nói, “Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn. có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình” (2 Ti-mô-thê 3:16). “Cả Kinh Thánh”, tất nhiên, có nghĩa là toàn Kinh Thánh, thậm chí cả lời Kinh Thánh mà chúng ta có thể không thích, có thể làm chúng ta khó chịu, hay nói theo lối nói hiện đại, “không đúng chính trị”.

Từ điểm bắt đầu này, chúng ta sẽ xem xét cách Kinh Thánh dạy cho ta diễn giải chính lời Kinh Thánh. Đó là, thay vì trước tiên đi đến các nguồn bên ngoài hay không phát xuất từ Kinh Thánh, như khoa học, triết học và lịch sử (nếu được sử dụng đúng cách có thể là một ân phước), chúng ta sẽ tìm cách khám phá từ trong các câu Kinh Thánh những dụng cụ giúp khải thị các sự thật vĩ đại có thể tìm được từ các trang sách thánh nầy.

Chúng ta được biết rằng “Vì chẳng hề có lời tiên tri nào là bởi ý một người nào mà ra, nhưng ấy là bởi Đức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời” (2 Phi-e-rơ 1:21). Và chúng ta tin rằng trong số những điều mà “các thánh nhân của Chúa nói” là chìa khóa để giúp chúng ta diễn giải Lời Chúa. Chẳng hạn, Phao-lô và các tác giả phúc âm diễn giải Cựu Ước như thế nào? Nếu những lời họ viết là do Đức Chúa Trời soi dẫn, thì chắc chắn cách họ đọc, hiểu và giải thích Kinh Thánh là quan trọng để giúp chúng ta cũng học và làm tương tự. Và chính Đức Chúa Giê-su áp dụng và diễn giải Kinh Thánh như thế nào? Chúng ta không thể tìm đâu ra thí dụ nào trong cách đọc Kinh Thánh hay hơn cách của Đức Chúa Giê-su. Đồng thời, chúng ta sẽ khám phá các giả định của riêng mình và lý luận về bối cảnh, ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử và cách chúng gây ảnh hưởng trong cách chúng ta đọc và hiểu Lời Chúa. Cách chúng ta diễn giải những thí dụ Chúa kể, những lời tiên tri, lịch sử thánh, các lời dạy dỗ, các bài ca tụng, những sự khải thị và các điềm mộng – nghĩa là toàn bộ của những văn bản đã được soi dẫn của Kinh Thánh.

Tất cả các câu hỏi nầy và nhiều nữa sẽ được khám sát trong ba tháng nầy bởi vì, như các giáo thuyết, chẳng hạn, về sự hành hạ không bao giờ ngừng ở địa ngục hay ngày thứ Nhất là thánh nhật, thì chúng ta thấy, tin vào chính Kinh Thánh không thôi cũng chưa đủ. Chúng ta cũng phải học cách diễn giải Kinh Thánh nữa.

Tiến sĩ Frank M. Hasel, là Phó Giám đốc của Viện Nghiên Cứu Kinh Thánh (BRI) tại Toàn Cầu Tổng Hội Cơ Đốc Phục Lâm. Tiến sĩ Michael G. Hasel, là Giáo sư Tôn giáo tại Đại học Southern Adventist University và là Giám đốc Viện Khảo Cổ Học và Bảo Tàng Khảo Cổ Học Lynn H. Wood.

Mục Lục

  1. KINH THÁNH CÓ MỘT KHÔNG HAI (28 Tháng 3 – 3 Tháng 4, 2020)
  2. NGUỒN GỐC VÀ BẢN CHẤT CỦA Kinh Thánh (4 Tháng 4 – 10 Tháng 4, 2020)
  3. QUAN ĐIỂM CỦA ĐỨC CHÚA GIÊ-SU… VỀ KINH THÁNH (11 Tháng 4 – 17 Tháng 4, 2020)
  4. KINH THÁNH – NGUỒN CÓ THẨM QUYỀN (18 Tháng 4 – 24 Tháng 4, 2020)
  5. CHỈ BẰNG KINH THÁNH MÀ THÔI (25 Tháng 4 – 1 Tháng 5, 2020)
  6. TẠI SAO CẦN CÓ SỰ DIỄN GIẢI (2 Tháng 5 – 8 Tháng 5, 2020)
  7. NGÔN NGỮ, VĂN BẢN, VÀ BỐI CẢNH (9 Tháng 5 – 15 Tháng 5, 2020)
  8. SỰ TẠO THẾ: SÁNG THẾ KÝ LÀ NỀN TẢNG, PHẦN 1 (16 Tháng 5 – 22 Tháng 5, 2020)
  9. SỰ TẠO THẾ: SÁNG THẾ KÝ LÀ NỀN TẢNG, PHẦN 2 (23 Tháng 5 – 29 Tháng 5, 2020)
  10. KINH THÁNH LÀ LỊCH SỬ (30 Tháng 5 – 5 Tháng 6, 2020)
  11. KINH THÁNH VÀ LỜI TIÊN TRI (6 Tháng 6 – 12 Tháng 6, 2020)
  12. CÓ NHỮNG ĐOẠN KHÓ HIỂU (13 Tháng 6 – 19 Tháng 6, 2020)
  13. SỐNG BỞI LỜI ĐỨC CHÚA TRỜI (20 Tháng 6 – 26 Tháng 6, 2020)

Tác giả:
Tiến sĩ Frank M. Hasel & Tiến sĩ Michael G. Hasel

Dịch giả:
Bà Nguyễn Thị Ngọc Liên

Ban hiệu đính:
Mục sư Nguyễn Khắc Vinh
Kezia Tuyết Nguyễn
Nguyễn Đăng Hưng

Trình bày:
Nguyễn Đăng Hưng

Website Trường Sa-bát:
giaohoicodoc.org/truongsabat

Mọi liên lạc, thư từ xin gởi về:
Mục sư Nguyễn Khắc Vinh
Tiếng Nói Hy Vọng
P.O. Box 5704, El Monte, CA 91734
Tel. (626) 422-6841
www.TiengNoiHyVong.org

Check Also

Cuộc Khủng Hoảng Về Danh Tánh (Bài Học 1, 26 Tháng 12 – 1 Tháng 1, 2021)

CÂU GỐC: “Bây giờ hãy đến, cho chúng ta biện luận cùng nhau. Dầu tội …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *