Home / Dưỡng linh / Truyền đơn đạo / Sự Cầu Nguyện

Sự Cầu Nguyện

SỰ CẦU NGUYỆN

Các khoa học gia đã từ bỏ những năng lực mà họ không còn kiểm soát được nữa. Các quốc gia đang sử dụng những quyền lực cho mục đích tiêu diệt lẫn nhau. Chiến tranh, thiên tai, dịch lệ vẫn tiếp diễn. Nhân loại không bao giờ tìm được sự bình an, hạnh phúc. Người ta nhận thức rằng sự khôn ngoan và văn minh của con người không đủ để giải quyết những nan đề thế giới.

Nhiều người đã quay về với sự nguyện cầu để hy vọng rằng một quyền lực cao siêu nào đó sẽ đến để giải cứu.

Quyền lực cao siêu này là Thượng Đế hay là Đức Chúa Trời, và muốn tương giao với Ngài thì phải qua sự cầu nguyện. Sự cầu nguyện là một hình thức tập luyện cao nhất của linh hồn.

Trong Kinh Thánh, Đức Chúa Giê-su đã khuyến khích các môn đồ Ngài, “Phải cầu nguyện luôn luôn, chớ hề mỏi mệt” (Lu-ca 18:1).

Tuy nhiên thông công với Đức Chúa Trời là đặc quyền và bổn phận của chúng ta. Người siêng năng cầu nguyện là người có năng lực, vì sự cầu nguyện là sự tương giao giữa con người với sự thánh thiện.

Gương cầu nguyện.

Một người nghiên cứu Kinh Thánh không thể không nhìn ra rằng Đức Chúa Giê-su coi sự cầu nguyện là một quyền phép tâm linh cao cả, vì thế Ngài có thể vượt qua mọi sự cám dỗ. Ngài đã biết sự tương giao với Cha thiên thượng là quan trọng như thế nào.

Kinh Thánh đã nói về Ngài vào một dịp coi như một thí dụ điển hình về sự cầu nguyện của Ngài: “…Đức Chúa Giê-su lên núi để cầu nguyện; và thức thâu đêm cầu nguyện Đức Chúa Trời” (Lu-ca 6:12).

Nếu Ngài, Con Đức Chúa Trời, một Đấng trọn vẹn, trở thành loài người mà coi sự cầu nguyện là một điều cần thiết như vậy thì chúng ta là những người phạm tội, sống giữa một xã hội rối loạn còn cần phải cầu nguyện nhiều hơn chừng nào để được vững mạnh trong thời đại văn minh này?

Sự cầu nguyện là máy phát điện tâm linh hữu hiện, soi sáng những nơi tối tăm trong cuộc đời của bạn. Thật là buồn biết bao nhiêu khi có nhiều người có thể nhận được ánh sáng nhưng vẫn chìm đắm trong sự tối tăm!

Nơi và cách cầu nguyện.

Ngoài nhà thờ là nơi chúng ta đến thờ phượng, cầu nguyện, và thông công với Đức Chúa Trời, Đức Chúa Giê-su đã chỉ dạy nơi nào thích hợp cho sự cầu nguyện và cầu nguyện như thế nào, Ngài phán: “Khi các ngươi cầu nguyện đừng làm như bọn giả hình; vì họ ưa đứng cầu nguyện nơi nhà hội và góc đường để cho thiên hạ đều thấy. Quả thật, ta nói cùng các ngươi, bọn đó đã được phần thưởng của mình rồi. Song khi ngươi cầu nguyện, hãy vào phòng riêng, đóng cửa lại, rồi cầu nguyện Cha ngươi, ở nơi kín nhiệm đó” (Ma-thi-ơ 6:5,6).

“Và, khi các ngươi cầu nguyện đừng dùng những lời lặp vô ích… vì họ tưởng vì cớ lời mình nói nhiều thì được nhậm” (câu 7).

Sự thờ lạy phải chân thật, khiêm tốn và đơn giản. Chính Đức Chúa Giê-su đã khuyên chúng ta phải có tư tưởng thế nào trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời, “Những kẻ thờ phượng thật lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ phượng Cha: ấy đó là những kẻ thờ phượng mà Cha ưa thích vậy” (Giăng 4:23).

Hãy lắng nghe Đức Chúa Trời kêu gọi dân sự cầu nguyện: “Hãy kêu cầu ta, ta sẽ trả lời cho; ta sẽ tỏ cho ngươi những việc lớn và khó, là những việc ngươi chưa từng biết” (Giê-rê-mi 33:3).

Người ta thường có thói quen khi gặp những khó khăn, đau khổ, mất mát mới nhớ đến Chúa và cầu nguyện, nhưng Phao-lô đã khuyên chúng ta: “Cầu nguyện không thôi” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:17).

Cầu nguyện được đáp ứng.

Đức Chúa Giê-su đã phán: “Trong khi cầu nguyện, các ngươi lấy đức tin xin việc gì bất kỳ, thảy đều được cả” (Ma-thi-ơ 21:22).

“Ta lại nói cùng các ngươi: Hãy xin, sẽ ban cho; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ cửa, sẽ mở cho” (Lu-ca 11:9).

Nhưng lời hứa của Chúa luôn kèm theo một điều kiện ở nơi chúng ta: chúng ta phải có đức tin, lòng chúng ta phải trong sạch và ngay thẳng.

Trong Kinh Thánh và đời sống tin kính hiện tại không thiều gì phép lạ Chúa đã làm hoặc Chúa trả lời khi chúng ta thành kính nài xin Ngài. Ngài đã cứu kẻ gặp nạn, đã chữa lành kẻ bệnh, cứu sống kẻ sắp chết; Ngài đã mở một con đường khi chúng ta bị dồn vào ngõ cụt.

Cầu nguyện không được đáp ứng.

Khi chúng ta cầu nguyện không được đáp ứng, hãy xét lại bản thân chúng ta có làm gì sai trái, không được đẹp lòng Chúa chăng.

Tác giả Thi Thiên đã bày tỏ: “Nếu lòng tôi có chú về tội ác, ắt Chúa chẳng nghe tôi” (Thi Thiên 66:18). Khi chúng ta còn dính dáng đến tội lỗi, lời cầu xin của chúng ta không còn hiệu quả dù chúng ta có dùng của lễ trọng thể để dâng lên cho Ngài. Hãy nghe Đức Chúa Trời phán: “Ta chẳng khứng tội ác hội hiệp nơi lễ trọng thể” (Ê-sai 1:13).

Những người theo Chúa cần phải sống hòa hợp với luật pháp Mười Điều Răn của Ngài trước đã. “Người nào xây tai không khứng nghe luật pháp, lời cầu nguyện người ấy cũng là một sự gớm ghiếc” (châm ngôn 28:9).

Một điều quan trọng nữa là khi chúng ta cầu nguyện hãy suy nghĩ chúng ta cầu xin cho ai, có lúc chúng ta không được đáp ứng vì: “Anh em cầu xin mà không nhận lãnh được, vì cầu xin trái lẽ, để dùng trong tư dục mình” (Gia-cơ 4:3).

Check Also

Dấu Con Thú (Chương 23 – Thế Giới Đi Về Đâu?)

Nhiều người sợ dấu đó đến nỗi không muốn có số An Sinh Xã Hội. …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *