Sách Khải huyền bày tỏ lẽ thật và phô bày sự sai lầm. Đức Chúa Trời không muốn chúng ta bị lừa gạt. Ngài muốn lẽ thật bảo vệ chúng ta. Trong Khải huyền, sứ đồ Giăng kể cho chúng ta nghe chuyện hình bóng về hai người nữ. Một người mặc áo trắng, tiêu biểu cho sự tinh khiết của đức tin và giáo lý. Khải huyền 12 nói rằng người nữ này trung thành với Đấng Christ. Nàng tuyệt đối trung tín với Ngài, và yêu mến Ngài tha thiết. Không gì có thể phá hủy lòng trung tín của nàng đối với Đấng mà nàng yêu mến hết lòng. Người nữ này biểu hiệu cho tất cả những tín đồ yêu mến Đức Chúa Giê-su, giữ các điều răn Ngài và vâng phục Ngài trải qua các thế kỷ. Khải huyền 17 hình dung một người đàn bà khác, hoàn toàn trái hẳn người đàn bà trước. Người đàn bà mặc áo đỏ điều ngồi trên lưng Con Thú là ai? Kinh Thánh cho nhiều dấu để chúng ta nhận diện người nữ này.
Nàng Là Một Hội Thánh. Trong Kinh Thánh, người đàn bà tiêu biểu cho hội thánh. Đọc trong II Cô-rinh-tô 11:2; Ê-sai 54:5, 6; Giê-rê-mi 3:14; Ê-phê-sô 5:31-33, v.v… Đấng Christ tiêu biểu cho chàng rể (Ma-thi-ơ 9:14, 15; Khải huyền 19:7). Hội thánh bất trung là hội thánh phạm tội tà dâm thiêng liêng (Ê-xê-chi-ên 16:28, 32).
Nàng Là Một Hội Thánh Bại Hoại. Cũng như người nữ tinh khiết tiêu biểu cho hội thánh trong sạch, người đàn bà bại hoại tượng trưng cho hội thánh bỏ đạo. Người nữ mặc áo trắng là nàng dâu của Đấng Christ, là hội thánh thật. Nhưng Khải huyền 17:1, 15, 16 và 19:2 gọi người đờn bà thứ hai là “Con Đại Dâm Phụ”—một hội thánh sa ngã, dạy dỗ những giáo lý sai lạc.
Nàng Là Một Hội Thánh Lớn, Toàn Thế Giới. Nàng ngồi trên “các dòng nước lớn,” là “các dân tộc, các chúng, các nước, và các tiếng” (Khải huyền 17:1, 15). Chữ công giáo nghĩa là “toàn cầu,” và hội của Giáo hoàng có số thuộc viên đông nhứt trong các hội Cơ Đốc giáo, và hiện diện khắp nơi trên thế giới.
Nàng Là Một Hội Thánh Giàu Có. Con dâm phụ tiêu biểu cho hội thánh bại hoại, là hội thánh giàu có, phô bày lộng lẫy. Khải huyền 17:4 nói, “Người đờn bà ấy mặc màu tía màu điều, trang sức những vàng, bửu thạch và hột châu; tay cầm một cái chén vàng.” Giáo hội nào mà bạn cho là giàu có nhất thế giới?
Nàng Là Một Hội Thánh Xây Trên Bảy Ngọn Đồi Hay Ngọn Núi. Khải Huyền 17:9 nhận diện rõ ràng hội thánh nầy. La Mã mà người ta thường gọi “bảy ngọn đồi của thành La Mã” là thành được dựng trên bảy ngọn đồi! Tự điển Webster’s khi nói chữ “seven-hilled” giải nghĩa, “giống như thành của bảy ngọn đồi (the seven-hilled city), là thành La Mã, Ý Đại Lợi.” Hơn nữa, Khải huyền 17:18 nói, “Người đờn bà ngươi đã thấy, tức là cái thành lớn hành quyền trên các vua ở thế gian.” Khi Giăng viết câu nầy, ông dùng chữ “hành quyền” trong thể hiện tại, vì ông biết, cũng như bất cứ ai đều nhận biết, “thành lớn đó” là thành La Mã.
Nàng Là Một Thế Lực Tôn Giáo Thống Trị Các Chính Quyền. Khải huyền 17:3, 7 cho chúng ta thấy con dâm phụ, tức là hội thánh sa ngã, ngồi trên lưng con thú. Đa-ni-ên 7:17, 23 cho biết con thú là tiêu biểu cho một vua hay một nước. Khi cỡi ngựa, chúng ta hướng dẫn và điều khiển con ngựa ấy, như vậy hình ảnh Chúa cho chúng ta thấy đây là một hội thánh có quyền trên chính phủ dân sự. Trải qua nhiều thế kỷ, quyền thế giáo hoàng điều khiển các vua trên thế gian. Khi muốn trừng phạt hay hành xử những người nào dám nghi ngờ sự dạy dỗ mình, thì giáo hội thường nhờ đến quyền kiểm soát của quốc gia. Khải huyền 17:2 miêu tả con dâm phụ như vầy, “Các vua trong thiên hạ phạm tội tà dâm với nó.” Con dâm phụ này có quyền trên các vua thế gian và có ảnh hưởng lớn trên các lãnh tụ thế giới. Ngày nay, không giống như các giáo phái khác, Vatican trao đổi đại sứ với mọi cường quốc trên đất. Họ đến thành xây trên bảy ngọn đồi này và quì lạy trước người đàn bà ấy và “say đắm trong cuộc xa xỉ với nó” (Khải huyền 18:9).
Nàng Là Một Hội Thánh Làm Sống Lại Sự Dạy Dỗ Ngoại Giáo Của Ba-by-lôn. “Trên trán nó có ghi một tên, là: SỰ MẦU NHIỆM, BA-BY-LÔN LỚN. . .” (Khải huyền 17:5). Cả ngàn năm trước khi Giăng viết sách Khải huyền, thành cổ Ba-by-lôn đã bị tàn phá và không bao giờ được dựng lại. Qua bao thế kỷ, thành ấy bị điêu tàn, bỏ hoang và không còn ảnh hưởng gì hết. Sứ đồ Phi-e-rơ không thể nói về thành Ba-by-lôn xưa, khi viết trong I Phi-e-rơ 5:13 rằng, “Hội thánh. . . tại thành Ba-by-lôn chào anh em,” vì lúc ấy chẳng còn ai ở nơi gò đống hoang tàn của Ba-by-lôn nữa. Các sử gia Kinh Thánh đều đồng ý rằng ông ám chỉ La Mã. Các tín đồ của hội thánh Chúa lúc ban đầu (thế kỷ I) thường dùng chữ Ba-by-lôn như là một “ám hiệu” cho La Mã, bởi vì có rất nhiều điểm giống nhau kỳ lạ giữa hai thành này, Ba-by-lôn thời cổ và “Ba-by-lôn hình bóng” hay là La Mã.
Thí dụ, Ba-by-lôn và La Mã đều là cường quốc cai trị hầu hết thế giới trong thời của họ. Cả hai đều chinh phục Y-sơ-ra-ên. Ba-by-lôn hủy phá Đền Thờ Giê-ru-sa-lem thứ nhất, và La Mã hủy phá Đền Thờ Giê-ru-sa-lem thứ hai. Mỗi lần, họ cướp lấy những bảo vật trong đền thờ và chở về vương quốc mình, Ba-by-lôn về hướng đông, và La Mã về hướng tây. Mỗi nước tàn phá thành Giê-ru-sa-lem không để lại một viên gạch chồng lên nhau, và mỗi nước bắt những người Do Thái về xứ họ làm phu tù. La Mã chính là hình tượng của Ba-by-lôn. Là bản sao của Ba-by-lôn, La Mã là lịch sử được lặp lại! Nhưng trở lại người đàn bà ngồi trên bảy ngọn đồi, hội thánh này tọa lạc ngay tại La Mã— đã làm sống lại sự dạy dỗ ngoại giáo của Ba-by-lôn thời cổ. La Mã đã chấp nhận, thánh hóa, và đem những giáo điều ấy vào hội thánh. Ngàn năm trước, khi những kẻ kiêu ngạo xây tháp Ba-bên ngay trên vùng đất tại Ba-by-lôn, Đức Chúa Trời đã làm lộn xộn tiếng nói của họ (Sáng thế Ký 11:1-9). Giờ đây trong quyển sách cuối cùng của Kinh Thánh, “Ba-by-lôn” theo nghĩa thiêng liêng là lộn xộn. Không phải là sự lộn xộn về ngôn ngữ như thời Cựu Ước, mà là sự lộn xộn về tôn giáo khi hội thánh càng ngày càng đi xa Lời Đức Chúa Trời.
Con Dâm Phụ Và Sự Thờ Hình Tượng. Nhiều giáo điều sai lạc đã xâm nhập vào hội thánh, nhưng chúng ta chỉ bàn đến ba điều thôi: thờ hình tượng, linh hồn bất tử, và thờ mặt trời. Trước hết, Ba-by-lôn là trung tâm của sự thờ hình tượng. Bất cứ nơi nào cũng có tượng của các thần ngoại giáo, không phải chỉ tượng của thần Bel-Marduk, là thần chính của họ mà còn đủ thứ thần khác. Chính vua Nê-bu-cát-nết-sa đã dựng nên một pho tượng vĩ đại bằng vàng và bắt toàn dân phải thờ lạy tượng ấy. Nhưng điều răn thứ hai của Đức Chúa Trời trong Xuất Ê-díp-tô-ký 20:4, 5 cấm thờ lạy hình tượng. Ngày nay, quyền thế giáo hoàng chẳng những nhìn nhận sự thờ hình tượng mà còn bỏ điều răn thứ hai khỏi sách giáo lý của họ.
Con Dâm Phụ Và Linh Hồn Bất Tử. Người Công giáo thường thờ lạy và cầu nguyện cách kính cẩn trước tượng các thánh, mặc dầu họ đã chết. Nhưng giáo hội La Mã dạy rằng linh hồn họ không chết, mặc dù thuyết linh hồn bất tử là của ngoại giáo! Tất cả các ngoại giáo thời cổ đều tin rằng linh hồn, hay là phần quan trọng nhất trong con người, là bất tử. Kinh Thánh không bao giờ dạy như vậy. Tư tưởng linh hồn bất tử được lưu truyền từ thời Ba-by-lôn, Ai Cập, và Hy Lạp. Thí dụ, tại Ai Cập, các kim tự tháp là những tòa lâu đài mà những linh hồn bất tử của kẻ chết trú ngụ. Thuyết linh hồn bất tử là trái với sự dạy dỗ của Kinh Thánh. Xin đọc I Ti-mô-thê 6:15, 16; Ê-xê-chi-ên 18:4, 20; Truyền đạo 9:5; Thi thiên 6:5; 115:17; Giăng 11:11-14; Thi thiên 13:3; Ê-phê-sô 5:14; v.v…
Con Dâm Phụ Và Sự Thờ Mặt Trời. Thần chính mà dân Ba-by-lôn và Ai Cập thờ là thần Mặt Trời. Khoa chiêm tinh học và sự thờ lạy các ngôi sao trên trời bắt nguồn từ Ba-by-lôn. Nhưng Đức Chúa Trời gọi đó là một trong những sự gớm ghiếc lớn nhất như trong Ê-xê-chi-ên 8:15, 16! Vua Constantine của La Mã là một người thờ mặt trời và không bao giờ bỏ sự thờ lạy ấy. Giáo hội La Mã không những bỏ Điều răn thứ hai cấm thờ lạy hình tượng, mà còn bỏ cả Điều răn thứ tư dạy về giữ ngày thứ Bảy Sa-bát của Đấng Tạo Hóa, và thay vào đó bằng ngày thứ Nhất (Chủ Nhật—”Sun”day) là ngày Kinh Thánh không bao giờ truyền dạy phải giữ!
TRẮC NGHIỆM – 22
1. Kinh Thánh dùng người đàn bà để tiêu biểu cho hội thánh như sứ đồ Phao-lô đã nói về dân sự Chúa, “Vì về anh em, tôi rất sốt sắng như sự sốt sắng của Đức Chúa Trời, bởi tôi đã gả anh em cho một ___________ mà thôi, dâng anh em như người _________ ________ tinh sạch cho Đấng Christ.”
(Hãy xem II Cô-rinh-tô 11:2; Ê-sai 54:5, 6; Giê-rê-mi 3:14.)
2. o Đúng o Sai
Vì người nữ tinh khiết tiêu biểu cho hội thánh trong sạch, và người đàn bà tà dâm tiêu biểu cho hội thành bỏ đạo; chúng ta biết người đàn bà mặc màu tía màu điều là hội thánh bại hoại vì sứ đồ Giăng gọi người nữ ấy là con đại dâm phụ.
(Hãy xem Khải huyền 17:1; 19:2.)
3. o Đúng o Sai
Bất cứ quyển tự điển lớn hay bách khoa tự điển nào cũng xác nhận rằng La Mã nổi tiếng “là thành xây trên bảy ngọn núi” hay là “thành của bảy ngọn núi.”
(Hãy xem Khải huyền 17:9 và một sách tự điển.)
4. Hội thánh sứ đồ Giăng miêu tả là một giáo hội giàu có, vì “người đờn bà mặc màu tía màu điều, và trang sức những ________ , bửu thạch và ________ ________ ; tay cầm một cái chén vàng.”
(Hãy xem Khải huyền 17:4; 18:16.)
5. o Đúng o Sai
La Mã là “thành lớn hành quyền trên các vua ở thế gian” trong thời Giăng viết sách Khải huyền.
(Hãy xem Khải huyền 17:18, Lu-ca 2:1.)
6. o Đúng o Sai
Ngoài sự thờ mặt trời, một tín điều khác mà ngoại giáo của cổ Ba-by-lôn và cổ Ai Cập dạy là “linh hồn bất tử,” mặc dầu Kinh Thánh luôn luôn dạy trái với sự tin tưởng ấy.
(Hãy xem Truyền đạo 9:5; I Ti-mô-thê 6:15, 16; Ê-xê-chi-ên 18:4, 20; Thi thiên 6:5; 115:17.)
7. Kinh Thánh cảnh cáo chúng ta, “Ba-by-lôn lớn kia, đã _____ ______ , đã _____ ______ ,” và Đức Chúa Trời với lòng thương vô biên đã kêu gọi chúng ta, “Hãy ______ _________ Ba-by-lôn, kẻo các ngươi ______ __________ tội lỗi với nó, cũng chịu những tai họa nó nữa chăng.”
(Hãy xem Khải huyền 14:8; 18:2-4.)