Chúng ta sống trong một thế giới tuyệt vời. Một thế giới phong phú với nhiều kho tàng châu báu: vàng, bạc, kim cương, ngọc quý, dầu xăng, than đá, v. v. Một thế giới dư dật thực phẩm: ngũ cốc, trái cây, rau đậu, nước uống. Một thế giới chứa chan cảnh trí nên thơ: rừng cây trùng điệp, núi non hùng vĩ, bông hoa xinh tươi khoe ngàn sắc thắm. . . . Một thế giới đầy những sinh vật sống động: chim, cá, súc vật. . . với muôn màu sắc, hình dạng. Một thế giới có những con người thông minh và đẹp đẽ.
Dĩ nhiên chúng ta muốn tìm hiểu: Thế giới từ đâu mà có? Nguồn gốc loài người thế nào? Có người cho rằng sự việc xảy ra phần lớn do may rủi, mọi vật tự nhiên mà có, chứ không có đấng nào dựng nên vũ trụ. Lại có người chủ trương rằng thế giới và nhân loại tiến hóa qua bao nhiêu triệu năm mới trở nên như ngày nay. Còn người khác thì tin rằng mọi vật phát xuất từ bốn yếu tố: gió, lửa, nước và đất (thường được gọi là tứ đại). Nhưng bốn thứ này từ đâu mà ra? Ai đã tạo nên chúng? Có thể nào những yếu tố như gió, lửa, đất và nước tự tổ chức để làm thành tạo vật trong thế gian chăng? Hoặc những bộ phận của đóa hoa, của cây cối, của con người tự nhiên hợp thành chăng? Có thể vì người ta không thấy được quyền lực tạo dựng cây cỏ hay bông hoa nên tin rằng chúng tự nhiên mà có. Họ chẳng khác nào một người nhà quê mới lên tỉnh. Anh ta thấy đèn đường bật sáng mỗi đêm vào lúc trời tối. Anh không thấy ai châm dầu và thắp sáng chúng, nên nghĩ rằng những ngọn đèn ấy tự nhiên cháy sáng với nhiên liệu riêng của chúng. Anh không biết có những sợi dây nối liền những bóng đèn kia với một máy phát điện làm cho đèn cháy sáng mỗi đêm.
1. MỘT ĐẤNG TẠO HÓA DIỆU KỲ
Trong các bài trước, chúng ta đã biết rằng có một quyền năng rất lớn hướng dẫn mặt trời trong vũ trụ, làm cho hột giống nảy mầm, giữ cho phổi chúng ta thở, và tim chúng ta đập. . . . Chúng ta không thấy được quyền năng ấy, nhưng quyền năng đó có thật, như máy phát điện trong thành phố là có thật. Đó chính là quyền năng của Đức Chúa Trời. Chính Ngài đã tạo nên thế gian tuyệt mỹ này. Ngài dùng màu lục mát dịu để làm thảm cỏ cho đất, màu xanh lam êm ái để vẽ nền trời. Ngài tô điểm ngàn hoa với muôn màu sắc rực rỡ, mây trắng giăng trên trời xanh để làm vui mắt ta. Ngài là Đệ Nhất Nguyên Nhân của mọi vật hiện có. Ngài là kiến trúc sư của vạn vật, từ mặt trời to lớn cho đến côn trùng nhỏ bé nhất. Ngài treo trái đất trong khoảng không và tô điểm cánh bướm tuyệt đẹp. Ngài tạo nên núi non hùng vĩ và những nguyên tử nhỏ li ti.
“Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất” (Sáng thế Ký 1:1). Đó là câu đầu tiên trong Kinh Thánh. Có bao giờ bạn tự hỏi, Đức Chúa Trời đã dựng nên vũ trụ, thế giới, con người như thế nào chưa? Ngài phải mất bao nhiêu thời gian để thực hiện? Mọi vật được tạo nên chỉ trong khoảnh khắc của lời phán Ngài.
“Các từng trời được làm nên bởi lời Đức Giê-hô-va, cả cơ binh trời bởi hơi thở của miệng Ngài mà có. . . . Vì Ngài phán, thì việc liền có; Ngài biểu, thì vật bèn đứng vững bền” (Thi thiên 33:6, 9).
Câu này không có nghĩa là Đức Chúa Trời dựng nên muôn vật trong vũ trụ cùng một lúc. Đây chỉ nói đến phương pháp sáng tạo của Ngài. Ngài chỉ cần phán một lời, chỉ nói lên ý muốn của Ngài, thì các phân tử liền vâng theo ý Ngài.
Nếu nói rằng phải mất hằng triệu năm để thực hiện việc tiến hóa của tạo vật trên địa cầu là đặt giới hạn cho quyền phép của Đức Chúa Trời. Ngài có thể dùng thời gian nếu Ngài muốn. Ngài cũng có thể hủy bỏ cả thời gian vì Ngài không phải lệ thuộc vào thời gian.
2. SÁU NGÀY ĐỂ DỰNG NÊN MỘT THẾ GIỚI
Đấng Tạo Hóa toàn năng có thể dựng nên thế giới trong một khoảnh khắc “bởi hơi thở của miệng Ngài.” Nhưng khi quyết định sáng tạo mọi vật trên địa cầu, Ngài muốn dùng sáu ngày để hoàn thành. Đó là đặc quyền của Ngài. Ngài không cần đến sáu ngày, chỉ sáu phút, hoặc sáu giây thôi cũng đã quá đủ rồi.
Tại sao Ngài dùng sáu ngày mà không dùng sáu năm hoặc sáu triệu năm? Khi đọc hai đoạn đầu của sách Sáng thế Ký trong Kinh Thánh, bạn sẽ hiểu rõ Ngài có một chủ đích đặc biệt. Đây là tóm lược của hai đoạn sách đó:
Lúc đó trái đất ở trong sự mờ tối. Ngày thứ nhất, Ngài phán, “Phải có sự sáng; thì có sự sáng. Đức Chúa Trời thấy sáng là tốt lành, bèn phân sáng ra cùng tối. Đức Chúa Trời đặt tên sự sáng là ngày; sự tối là đêm. Vậy, có buổi chiều và buổi mai; ấy là ngày thứ nhất” (Sáng thế Ký 1:3-5). Chúng ta thấy Ngài đã làm hai việc: Ngài dựng nên sự sáng, và Ngài đặt tên cho ngày và đêm.
Ngày thứ hai, Ngài phán, “Phải có một khoảng không” (câu 6). Tức thì một khoảng không xuất hiện giữa nước và mây trời.
Ngày thứ ba, Ngài phán thì đất khô và biển cả xuất hiện. Ngài cũng dựng nên các loại cây cỏ trên mặt đất (câu 9-12).
Ngày thứ tư, Đức Chúa Trời phán, “Phải có các vì sáng trong khoảng không trên trời.” Tức thì mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao xuất hiện (câu 14-19). Mặt trời để cai trị ban ngày, mặt trăng và các ngôi sao để soi sáng ban đêm.
Ngày thứ năm, Đức Chúa Trời dựng nên các loài chim và các loài cá—đủ mọi màu sắc, hình thể và kích thước (câu 20-23).
Ngày thứ sáu, Đức Chúa Trời dựng nên các loài thú ở trên mặt đất: súc vật, côn trùng, và thú rừng. Thế giới Ngài sáng tạo thật tuyệt mỹ. Mọi vật Ngài dựng nên đều rất tốt lành (câu 24, 25, 31).
3. TÁC PHẨM TUYỆT VỜI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Trong ngày thứ sáu, Đức Chúa Trời còn sáng tạo một tác phẩm đặc biệt. Khi mọi vật đã sẵn sàng cho giai phẩm tuyệt tác, Đức Chúa Trời phán, “Chúng ta hãy làm nên loài người” (Sáng thế Ký 1:26). Đã có sự sáng cho thế gian. Đã có không khí để thở. Đã có lương thực cho người dùng và bông hoa cho người ngắm. Đã có chim hót cho người nghe và thú để nô đùa với người.
“Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời” (câu 27). Ngài dùng đất nắn nên thân thể người nam với chính hai bàn tay Ngài. Kế đó, Ngài cúi xuống sát mặt người, hà sanh khí của Ngài vào lỗ mũi, và người trở nên một loài sanh linh. Đức 5 Chúa Trời đặt tên là A-đam.
Khi A-đam mở mắt chào đời, người thấy mặt của Đức Chúa Trời đầu tiên. Đoạn Ngài nâng người lên và chỉ cho xem thế giới tuyệt mỹ mà Ngài đã dựng nên cho người. Ngài ban cho người quyền quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống trên mặt đất. Ngài đem chúng đến cùng A-đam để người đặt tên cho chúng. A-đam thấy mọi loài thú đều có bạn đời, còn mình thì lẻ loi. Đức Chúa Trời đọc được tư tưởng của người. Ngài phán, “Loài người ở một mình thì không tốt” (Sáng thế Ký 2:18). Ngài làm một cuộc giải phẫu đầu tiên. “Đức Chúa Trời làm cho A-đam ngủ mê, bèn lấy một xương sườn, rồi lấp thịt thế vào” (Sáng thế Ký 2:21). Ngài dùng xương sườn đó làm nên một người nữ cho A-đam. Niềm hân hoan của A-đam thật trọn vẹn. Đức Chúa Trời thỏa lòng biết bao khi thấy A-đam và vợ người là Ê-va, cùng nhau tay trong tay, nhẹ bước, dạo chơi trong thế giới tuyệt đẹp mà Ngài đã dựng nên cho họ. Đức Chúa Trời tạo dựng A-đam và Ê-va theo hình ảnh của Ngài với đặc tính mà Ngài phú cho loài người để: suy tư, lựa chọn, thương nhớ, yêu đương, quả thật họ đã được dựng nên theo hình ảnh của Đức Chúa Trời. Họ là mão triều của công cuộc sáng tạo Ngài. Họ cao trọng hơn tất cả mọi loài thọ tạo khác. Họ là con trai, con gái của Đức Chúa Trời, nên Ngài yêu họ vô cùng.
Ban đầu loài người giống Đức Chúa Trời, không những về hình dung, mà còn về bản tính nữa. Nhưng chúng ta sẽ thấy trong những bài học tới, loài người đã sa ngã và xa lánh Đức Chúa Trời. Sáu ngàn năm chìm đắm trong tội ác đã hủy hoại hầu hết hình ảnh của Đấng Tạo Hóa trong con người.
Khi sáng tạo loài người, Đức Chúa Trời đã hoàn thành ý định của Ngài đối với địa cầu, vì Ngài đã tạo nên đất “để dân ở” (Ê-sai 45:18). Đức Chúa Trời là Thần phước hạnh, Ngài dựng nên thế giới cho một giống dân phước hạnh ở. Ngài muốn chia xẻ niềm vui và hạnh phúc với con cái của Ngài. Khi tạo nên người nam và người nữ đầu tiên, Đức Chúa Trời truyền cho họ phải sinh sản để có dân cư ở khắp trên mặt đất. Vì thế sau sáu ngàn năm, dân số địa cầu đã tăng gia lên tới hơn 7 tỷ người.
Ôi! Thật nhiệm mầu thay! Con người được tạo nên giống hình ảnh của Đấng Tạo Hóa và Đấng Chủ tể của vũ trụ. Bạn có biết chăng bạn thuộc dòng dõi hoàng gia, vì Đức Chúa Trời, Cha của chúng ta là Vua trên muôn vua. Bạn có cảm thấy hãnh diện chăng? Bạn có thấy vui mừng được làm con của Đức Chúa Trời chăng? Số phận và địa vị của bạn thật cao quý thay!
4. ĐÀI KỶ NIỆM CHO SỰ TẠO THẾ
Tại sao Đức Chúa Trời chỉ dùng sáu ngày để tạo thế? Chính Ngài đã trả lời, “Vì trong sáu ngày Đức Giê-hô-va đã dựng nên trời, đất, biển, và muôn vật ở trong đó, qua ngày thứ bảy thì Ngài nghỉ: vậy nên Đức Giê-hô-va đã ban phước cho ngày nghỉ và làm nên ngày thánh” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:11). Sáng thế Ký 2:1-3 thuật lại sự tích như sau, “Ấy vậy, trời đất và muôn vật đã dựng nên xong rồi. Ngày thứ bảy, Đức Chúa Trời làm xong các công việc Ngài đã làm. . . . Rồi, Ngài ban phước cho ngày thứ bảy, đặt là ngày thánh; vì trong ngày đó, Ngài nghỉ các công việc đã dựng nên và đã làm xong rồi.”
Đức Chúa Trời đã thiết lập chu kỳ tuần lễ—không phải vì lợi ích cho Ngài, mà cho con người. Vì lòng ưu ái đối với hai nhân vật diệu kỳ mà Ngài vừa tạo nên, Ngài định rằng suốt đời họ, mỗi ngày thứ Bảy phải là một ngày phước hạnh. Mỗi ngày thứ Bảy mà Ngài gọi là Sa-bát, phải là ngày nghỉ cho phần thể 7 xác, và ngày bồi dưỡng cho phần thuộc linh của họ. Ngày này được biệt riêng làm ngày thông công với Đấng Tạo Hóa. Không phải lo âu với công việc thường ngày, con người được cùng đi, cùng chuyện trò với Chúa, suy gẫm về sự nhân từ và lòng yêu thương của Đức Chúa Trời.
Đó là một kế hoạch tuyệt diệu để vĩnh viễn kết chặt con người với Đức Chúa Trời. Nếu A-đam, Ê-va và con cháu họ làm theo đúng chương trình ấy thì họ đã tránh được vô số đau khổ vì đã nhận được những ơn phước Chúa ban. May mắn thay ơn phước ấy không dành riêng cho A-đam và Ê-va. Ngài dành nhiều ơn phước tuyệt vời cho ngày Sa-bát, là ngày kỷ niệm duy nhất và vĩnh cửu cho việc sáng tạo. Bạn có thể được hưởng những ơn phước ấy nếu bạn giữ ngày thứ Bảy theo lệnh truyền của Đấng Tạo Hóa.
5. TỘI ÁC XÂM NHẬP THẾ GIỚI TOÀN THIỆN
Khi Đức Chúa Trời dựng nên A-đam và Ê-va, họ có đủ tất cả để được phước hạnh. Họ là những cá nhân toàn thiện trong một thế giới toàn thiện. Nhưng, Đức Chúa Trời còn ban thêm cho họ một thứ khác để họ thật sung sướng. “Đức Chúa Trời lập một cảnh vườn tại Ê-đen, ở về hướng đông, và đặt người mà Ngài vừa dựng nên ở đó” (Sáng thế Ký 2:8).
Phước hạnh lớn nhất của A-đam và Ê-va trong vườn Êđen là mỗi ngày được thông công với Đấng Tạo Hóa. “Lối chiều, nghe tiếng Giê-hô-va Đức Chúa Trời đi ngang qua vườn. . .” (Sáng thế Ký 3:8).
Cuộc đời như thế thanh bình, hạnh phúc biết bao! Một cuộc đời không bệnh hoạn, không ưu tư, không sợ kẻ thù! Được tương giao mật thiết với Đấng Tạo Hóa nhân lành! Thật là thiên đàng! Nhưng thế giới chúng ta đang sống ngày nay thế nào? Có phải là thiên đàng chăng? Chỉ cần đọc báo chí, xem tin tức trên đài truyền hình cũng đủ thấy rằng thế giới bây giờ đầy dẫy tội ác. Ngày nào cũng có chuyện giết người, vô luân, bạo động, trộm cướp. Gia đình nào cũng đầy lo âu, như sợ đau ốm, sợ mất việc, v. v.
Tại sao thế giới toàn thiện lúc ban đầu lại suy đồi như tình trạng ngày nay? Bài học tới sẽ giải đáp.
Bài học 6 sẽ trả lời câu hỏi:
TỘI LỖI PHÁT XUẤT TỪ ĐÂU?
Trắc Nghiệm 5
1. Xin điền vào những chỗ trống.
“Ban đầu Đức Chúa Trời _________ _______ trời đất.”
“Các từng trời được __________ _________ bởi lời Đức Giê-hô-va; cả cơ binh trời bởi ___________ ___________ của miệng Ngài mà có.”
2. Xin kể mỗi ngày Chúa tạo nên gì trong tuần lễ tạo thế.
Ngày thứ nhất _________________________________
Ngày thứ hai _________________________________
Ngày thứ ba _________________________________
Ngày thứ tư _________________________________
Ngày thứ năm _________________________________
Ngày thứ sáu _________________________________
3. Câu nào trúng, xin viết chữ T; câu nào sai, viết chữ S.
___ Đức Chúa Trời dựng nên loài người giống như hình Ngài.
___ Đức Chúa Trời dùng gỗ để tạo nên A-đam.
___ Đức Chúa Trời hà sanh khí Ngài vào lỗ mũi A-đam.
___ Đức Chúa Trời dùng đất nắn nên Ê-va.
4. Đức Chúa Trời dành ba đặc điểm nào cho ngày Sa-bát?
(a) _____________________________________________
(b) _____________________________________________
(c) _____________________________________________
5. Phước hạnh lớn nhất của A-đam và Ê-va tại Ê-đen là gì?
Tải về bài học (pdf) theo liên kết sau đây:
Sự Sáng Tạo Trời Đất (Bài 5 – CON ĐƯỜNG SỐNG)
Tải về file trắc nghiệm (pdf) theo liên kết sau đây: