Home / Dưỡng linh / Niềm tin & Cuộc sống / Tin Đức Chúa Trời Được Chăng? (Chương 3: Hoàng Tử & Phản Thần)

Tin Đức Chúa Trời Được Chăng? (Chương 3: Hoàng Tử & Phản Thần)

Thầy Lắm hỏi trong khi chuẩn bị ra về:

– Trước khi tôi về, có ai muốn hỏi gì chăng?

Lê Thanh đứng dậy nói:

– Tôi có học ít nhiều về khoa học và tôi được dạy chỉ tin những gì mà chúng tôi minh chứng được. Câu chuyện ông vừa kể về cách Đức Chúa Trời dựng nên quả địa cầu này thật lý thú, nhưng làm sao ông biết được câu chuyện ấy là đúng? Làm sao tôi tin Đức Chúa Trời dựng nên địa cầu trong khi tôi chưa từng thấy Ngài bao giờ?

– Câu hỏi ấy hay lắm. Khi trái đất được dựng nên thì em đâu có mặt ở đó. Cả tôi cũng không. Như vậy làm sao chúng ta tin được rằng Đức Chúa Trời đã tạo nên nó? Làm sao chúng ta tin được mọi sự không phải tự nhiên mà có như phần đông dân chúng tin?

– Trước hết xin cho phép tôi nhắc em rằng chúng ta không thể chứng minh những kiện của lịch sử bằng phương pháp khoa học được. Chúng ta cũng không thể đi lùi thời gian để chứng kiến những việc đã xảy ra hằng trăm, hàng ngàn năm trước và nói rằng: Tôi biết việc ấy đã xảy ra thật vì chính mắt tôi đã thấy! Như vậy, làm sao chúng ta biết được những gì đã xảy ra ở thời xa xưa kia?

– Bây giờ, chúng ta hãy để ý đến cố đô Huế. Quý vị ở đây đã có mặt tại chỗ khi cố đô đã xây dựng không?

Cụ trưởng ấp càu nhàu:

– Tôi đâu đủ già để chứng kiến chuyện ấy.

– Thật vậy, thưa cụ. Nếu ai muốn nhớ lại hình ảnh thành Huế lúc được dựng nên, thế nào cụ cũng phải được ít nữa 160 tuổi. Nhưng có một điều ta có thể biết chắc chắn được khi đứng trước cố đô nhìn kỳ đài, viếng nội điện chẳng hạn, ta nghĩ rằng: Có người dựng nên chúng. Các bạn nghĩ thế nào nếu tôi nói với các bạn rằng những đền đài ấy tự xuất hiện lấy?

– Tôi sẽ cho ông là một người không biết gì cả. – Thanh nói.

– Tại sao?

– Vì phải có người nào đó tạo nên chúng. Những thứ ấy không thể tự nhiên mọc lên được.

– Đồng ý. Đây là một điều luật mà tôi muốn các bạn suy tưởng đến: “Mọi vật được tạo nên phải có người tạo nên chúng.” Điều ấy nghe có lý chớ?

– Có lý thật. – Cụ Sáu đáp.

– Làm sao mình biết được người ta xây thành Huế như thế nào? Có một vài sử liệu được ghi lại, nhưng chẳng bao nhiêu. Hầu hết những bản ghi chép đã bị thất lạc. Nhưng chính di tích của thành ấy tự thuật rất nhiều. Chỉ nhìn, chúng ta cũng đã học được biết bao nhiêu đều rồi. Chúng ta có thể tưởng tượng đến hàng trăm người và thú tận dụng sức lực để nâng những khối đá to lớn và đặt chúng vào đúng vị trí của chúng. Tôi không hiểu làm sao con người có thể làm nổi công việc nặng nề như thế. Có thể nào có máy móc giúp đỡ người xưa chăng? Khi nhìn đến những tàn tích ấy chúng ta thấy rõ ràng người Việt Nam đã có một nền văn minh cực thịnh, một chánh phủ hùng cường để tổ chức công tác, những kiến trúc sư đại tài để vẽ kiểu những ngôi đền, vô số nhân công đã góp sức xây dựng, những nhà điêu khắc thực tài để khắc đá thành những bức chạm tuyệt đẹp như thế. Chúng ta biết rằng dân tộc Việt Nam là một giống dân vĩ đạo vì họ đã từng làm cho các giống dân khác phải nể sợ.

Bây giờ, một lần nữa, chúng ta hãy nghĩ đến thế giới. Nếu tin rằng có một Đấng nào đó tạo dựng nên thế giới chúng ta thì điều đó có lý hay không? Những vật thiên nhiên như núi non, cây cỏ và thú vật có cần một Đấng tạo nên chăng?

– Không, xin ông đừng so sánh những vật do con người tạo nên với thiên nhiên. Chúng tôi biết rằng thành Huế có người xây dựng nó, nhưng vạn vật thì tự nhiên mà có.

Thầy Lắm đáp:

– Đó là điều mà hầu hết người ta tin theo. Nhưng tôi muốn em nghĩ đến thiên nhiên một lát đã. Nếu em nghiên cứu thiên nhiên như cách người ta khảo cổ, tôi tưởng rằng em sẽ quyết đoán phải có một kiến trúc sư nhiệm mầu đã tạo nên thế gian này.

Trước hết, khi sự vật hòa hợp nhau thì ta biết rằng phải có người hoạch định trước. Hôm nọ, tôi thấy một ông thợ may cắt vải với những hình thể khác nhau, tôi không hiểu những miếng vải ấy được dùng để làm gì? Nhưng khi người thợ may kết chúng lại với nhau, chúng hợp thật chặt chẽ và thành một cái áo. Tôi thấy có người lại mặc thử và áo ấy thật vừa với người nọ. Do đó, tôi biết người thợ may cắt vải theo kích thước của người kia.

Những sự vật thiên nhiên cũng hòa hợp với nhau như vậy. Hãy nghĩ đến mọi sinh vật và chúng rất cần không khí. Không khí quá thông thường đến chúng ta khó nhận thức được giá trị của nó. Tuy chúng ta có thể nhịn ăn sống được vài tuần lễ, nhịn uống sống được nhiều ngày, nhưng không một con thú hay một con người nào sống hơn vài phút nếu không có không khí. Có chất đạm cho cây dùng và dưỡng khí cho loài thú. Mỗi thứ đều phải đúng số lượng không quá cũng không kém. Nếu ít dưỡng khí quá, người và thú đều chết ngộp. Nếu nhiều dưỡng khí, một ánh lửa có thể thiêu cả thế giới.

Bây giờ, nếu không khí tự nhiên mà có, mọi sinh vật tự nhiên mà ra thì cái gì làm cho chúng hòa hợp với nhau như vậy? Làm sao cây cỏ lại có những lỗ li ti trong lá để nhận sự nuôi dưỡng trong không khí? Làm sao chúng biết được có không khí cho chúng thở? Làm sao không khí có đủ những hợp chất đúng lượng cho các loài sinh vật dùng? Có phải do sự ngẫu nhiên mà mọi điều này có chăng?

Không đâu! Thầy Lắm nhấn mạnh. Tôi tin có một Đức Chúa Trời Chí Tôn dựng nên thế gian trong bảy ngày. Ngày thứ nhì Chúa đã chuẩn bị không khí cho cây cỏ và thú vật mà Ngài sẽ dựng nên trong các ngày sau đó. Ngài đã hoạch định như thế rất cẩn thận…

Mặt trời đã chìm ở phương tây nhưng không ai tỏ ý muốn về cả. Ai nấy đều muốn nghe mọi lời thầy Lắm nói ra.

– Quan điểm thứ hai của tôi là khi chúng ta thấy những bộ luật, chúng ta biết luật ấy là do chính phủ đặt ra. Như ở Sài Gòn, đường sá đều có lằn trắng, ở ngã tư có đèn đỏ đèn xanh để xe cộ khỏi đâm sầm vào nhau. Chúng ta biết rằng chánh phủ đã đặt ra những luật này để sự lưu thông được dễ dàng mà không có tai nạn.

Thầy Lắm chỉ lên các ngôi sao đang bắt đầu lấp lánh, nói tiếp:

– Trên trời cũng có lưu thông nữa. Có hằng triệu tinh tú trên trời nhưng chúng không bao giờ va chạm nhau. Các thiên thể vận chuyển trên con đường được định sẵn theo một chương trình rất đúng. Các nhà thiên văn coi giờ bằng ngôi sao. Chúng không bao giờ trễ dầu là một giây.

Các khoa học gia khám phá rằng có những luật lệ chế ngự trên thiên nhiên, từ một nguyên tử tí hon đến vì sao khổng lồ. Họ biết được độ nào nước sẽ sôi hoặc sẽ đông đặc lại, họ biết được tốc độ của những vật bị rớt xuống; Họ biết luật lệ từ khí và điện lực. Vì cớ thiên nhiên theo đúng những luật lệ này, các khoa học gia mới có thể dùng chúng để chế tạo máy thâu thanh, phi cơ, hỏa tiễn, vệ tinh và mọi vật diệu kỳ mà chúng ta có được ngày nay. Những luật lệ này há không bày tỏ rằng có một chánh phủ siêu phàm cai quản trên trời đất sao? Chúng không bày tỏ quyền năng và sự khôn ngoan của Thượng Đế sao?

Thầy Lắm ngừng một chút rồi lại tiếp tục:

– Khi chúng ta thấy cái máy chạy chúng, ta biết có người làm nên để dùng trong mục đích nào đó. Con người đã sáng chế ra một vài bộ máy vô cùng phức tạp. Nhưng tôi muốn các bạn nghĩ đến bộ máy diệu kỳ nhứt là: Cơ thể con người. Hầu hết chúng ta không biết bên trong thân thể ta có gì. Chúng ta chẳng khác gì người tài xế nói: Tôi không biết bên trong xe có gì. Điều tôi biết là khi mở chìa khóa rồi nhấn bàn đạp thì xe chạy.

Hãy nghĩ đến những bộ phận bên trong thân thể của các bạn chốc lát. Bộ óc các bạn chẳng hạn, là một kỳ quan về hệ thống dây điện. Nó biết những gì các bạn thấy, rờ, ngửi, nghe và nếm. Nó có thể suy nghĩ và ghi nhớ. Óc cùng với tủy xương sống điều khiển mọi cơ quan trong cơ thể và mọi cử động của các bạn. Nếu người ta phải làm một cái máy như vậy, họ cần phải có một tòa nhà đồ sộ với nhiều từng lầu để chứa mọi dây điện cần thiết, nhưng nó cũng không thể nào làm hết mọi công việc của bộ óc các bạn làm được.

Bộ máy nhân thế tốt hơn những bộ máy do con người tạo ra. Khi nó bị đứt hay bị gãy, nó có thể tự hàn gắn lấy. Hầu hết những bộ máy nhân tạo bị hư sau vài năm sử dụng, và một vài bộ phận cần phải được thay bằng bộ phận mới. Nhưng cơ thể của các bạn tự đổi mới do lương thực mà các bạn dùng, cho nên mỗi bảy năm các bạn lại là một người mới hoàn toàn với da mới, tóc mới, huyết mới, xương mới và các bộ phận mới. Hầu hết máy móc không thể chạy khoảng thời gian lâu mà không cần dừng lại nghỉ để cho nguội máy. Trong khi ấy, quả tim của các bạn tiếp tục làm việc 60 hoặc 70 năm mà không thiếu một nhịp nào.

Không một bộ máy nhân tạo nào có thể có máy bé lớn lần trong máy lớn; Nhưng nhân thể tự truyền giống được. Cái trứng trong noãn sào của nữ giới lớn bằng dấu chấm (.), còn con tinh trùng của nam giới rất nhỏ đến phải nhìn qua kính hiển vi mới thấy được. Hãy nghĩ đến những cái mà những tế bào tí hon ấy chứa đựng: Năng lực để trở thành một người mới. Những tế bào bé tí ấy khởi sự lớn lên để thành cái đầu, tay, chân, tim, phổi, óc – toàn thể những bộ phận phức tạp của bộ máy nhân thể. Nhưng đâu phải chỉ có bấy nhiêu đó thôi. Khi nhìn một đứa bé ta nói, “Ờ, cặp mắt nó thật giống mẹ của nó. Nó hát hay như cha nó. Nó học mau thuộc như ông nội nó…” Và những đặc điểm ấy được truyền sang qua những tế bào tí hon. Năng lực lớn lao như vậy lại được gói ghém trong một bọc nhỏ tí xíu. Thật kỳ diệu dường bao! Cơ thể là một máy nhiệm mầu đến nỗi những vị bác sĩ đại tài nhất cũng chưa thông hiểu hết. Phải có Đấng nào khôn ngoan và quyền thế hơn con người để tạo ra nó. Đấng ấy là Đấng nào? Chính là Đức Chúa Trời vậy!

Khi chúng ta thấy những đường nét đẹp đẽ, ta biết nó đã được sắp như vậy. Khi nhìn đến những cây cao su mọc ngay hàng thẳng lối, ta biết không phải tự nhiên chúng mọc lên như vậy được. Đã có người đo đất và trồng chúng. Cũng một cách ấy từng hàng cánh hoa trên một đóa hoa, từng hàng hột trên trái như nói với ta rằng: “Đức Chúa Trời đã sắp đặt chúng tôi như thế đấy!” Chính Ngài đã tạo nên thế gian tuyệt mỹ. Ngài dùng màu lục mát dịu để tô điểm đất, màu lam êm ái để vẽ nền trời, rồi Ngài thêm những màu sáng chói cho ngàn hoa, tơ trắng cho mây trời, để làm vui mắt ta. Dầu vậy, vẫn có người tin rằng mọi vật trong cõi đời thiên nhiên đều tự nhiên mà có! Có thể nào những yếu tố của gió, lửa, nước và đất tự tổ chức ra để làm thành mọi sinh vật và bất động vật trong thế gian chúng ta chăng?

Như vậy, những bộ phận của đóa hoa, của cây hoặc con người tự nhiên hợp thành chăng? Có thể vì chúng ta không thấy được quyền lực nào làm cây hay hoa mọc lên nên tin rằng chúng tự nhiên mà có. Chúng ta chẳng khác nào một người nhà quê mới ra thăm thành phố. Anh ta nhìn đến đèn đường bật sáng mỗi đêm vào lúc chạng vạng. Anh ta không thấy ai châm dầu và đốt chúng cả, nên nghĩ rằng những ngọn đèn ấy tự nhiên cháy sáng với năng lực riêng của chúng. Anh ta đâu biết có những sợi dây điện nối liền những bóng đèn kia với một máy phát điện để dẫn điện cho đèn cháy sáng.

Các bạn biết, có một quyền năng rất lớn đã hướng dẫn mặt trời trong các từng trời, làm cho hạt giống mọc lên khỏi mặt đất, giữ cho phổi các bạn thở và tim các bạn đập. Các bạn không thể thấy được quyền năng ấy nhưng quyền năng của Đức Chúa Trời, như máy phát điện trong thành phố là có thật.

Trong khi nhìn thế giới và thấy những việc kỳ diệu mà chúng ta không thể hiểu thấu, chúng ta biết rằng Đấng Tạo Hóa phải kỳ diệu hơn nhiều. Ngài chắc chắn có quyền năng rất lớn, trí khôn vô lường và tình yêu cao cả trên vẻ đẹp.

Có một nhà sư theo dõi câu chuyện từ sớm xin hỏi một câu:

– Đức Chúa Trời từ đâu mà có?

– Đức Chúa Trời không phát hiện từ đâu cả. Ngài tự nhiên mà có và sẽ còn mãi. Ngài không có khởi đầu cũng không có ngày cuối cùng.

– Tôi không tin điều ấy được. – Nhà sư nói. – Mọi sự vật mà tôi biết đều có buổi đầu tiên và lúc cuối cùng cả.

Thầy Lắm đáp:

– Trong hầu hết mọi sự thì điều ấy thật vậy. Nhưng về thời gian thì sao? Nó có bao giờ có ngày đầu không? Và nó sẽ dứt chăng? Không đâu. Bất kỳ chúng ta cố ngược dòng bay xa đi nữa, chúng ta cũng sẽ chẳng bao giờ đến khởi điểm được. Trí óc chúng ta không thể hiểu thấu nổi. Thời gian là vô tận còn trí óc chúng ta thật nhỏ bé.

Bấy giờ hãy suy nghĩ đến bầu trời. Hãy tưởng tượng như các bạn đang ngồi trên phi thuyền không gian và vượt qua mặt trăng, mặt trời cùng các ngôi sao. Có bao giờ các bạn đụng phải bức tường là giới tuyến của bầu trời chăng? Không đâu vì nó không có mức cuối, cũng không có mức khởi đầu. Chúng ta không thể nào hiểu thấu được điều này, dầu vậy chúng ta biết điều đó là đúng. Bầu trời thì bao la, còn trí óc chúng ta có hạn.

Đức Chúa Trời lớn như thời gian và không gian vậy. Trong Ngài có sự vô tận. Ngài thật quá lớn, còn trí óc chúng ta lại quá nhỏ bé. Chúng ta đừng cố hạ Ngài xuống, bắt Ngài phải nhỏ bé như chúng ta.

Sự phong phú của Ngài là vô lường và đường lối Ngài vượt quá mọi sự suy xét. Đang khi các bạn thấy sự vĩ đại và vinh hiển của Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên mình, các bạn không muốn thờ lạy Ngài sao?

 

Check Also

Cứu Cấp

Vào tháng Giêng năm 2010, Wesley Autrey đang chờ đợi chiếc xe điện ngầm ở …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *