Home / Dưỡng linh / Lời sống hằng ngày / Tội Lỗi Phát Xuất Từ Đâu? (Bài 6 – CON ĐƯỜNG SỐNG)

Tội Lỗi Phát Xuất Từ Đâu? (Bài 6 – CON ĐƯỜNG SỐNG)

Cậu bé nhìn con mèo vờn con chuột. Giỡn đã, con mèo giết con chuột, rồi ăn. Cậu bé hoang mang và thắc mắc, cậu hỏi cha, “Có phải Đức Chúa Trời đã dựng nên mọi vật không?”

“Đúng vậy con à, Đức Chúa Trời đã dựng nên tất cả.”

“Ngài có dựng nên chim với cá không?”

“Dĩ nhiên là có.”

Cậu bé suy nghĩ hồi lâu, rồi chau mày hỏi, “Tại sao Ngài dựng nên con mèo làm chi?”

Vì những điều khó hiểu, tàn ác trong thiên nhiên, nên nhiều người không tin Đức Chúa Trời là Đấng nhân từ. Họ nghĩ rằng Ngài chịu trách nhiệm về tất cả mọi điều ác trong thế gian. Người ta than trời, oán trời.

Có người hỏi bà Evangeline Booth, Đại tướng Đội quân Cứu tế (Salvation Army), khi bà đã 80 tuổi, “Có phải lúc nào Đại tướng cũng chắc chắn về lòng tin của mình chăng?”

Bà trả lời, “Tôi đã từng trải qua những giờ phút đau buồn. Tôi tự hỏi tại sao mẹ tôi chết vì ung thư? Cha tôi phải mù lòa? Tại sao thế giới đầy đau khổ?”

Rồi bà tiếp, “Đức Chúa Trời không phải là Đức Chúa Trời nếu tôi thấu triệt Ngài. Vũ trụ chẳng còn nghĩa lý gì nếu tôi thông hiểu được vũ trụ.”

Thật vậy, nhiều người cũng tự hỏi, “Tại sao có đau khổ, bệnh hoạn và tang tóc?” Nếu Đức Chúa Trời là Đấng toàn thiện, toàn mỹ, tại sao thế gian mà Ngài đã tạo nên lại đầy xấu xa, tội lỗi? Tại sao Ngài cho phép có tội ác?”

Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Trời dựng nên một thế giới hoàn hảo. Sách Sáng thế Ký khi thuật lại công việc tạo thế đã viết, “Đức Chúa Trời thấy các việc Ngài đã làm thật rất tốt lành” (Sáng thế Ký 1:31).

Khi Đấng Tạo Hóa toàn năng phán việc gì là tốt lành, thì việc đó phải thật hoàn hảo, tuyệt mỹ. Ngài đặt vào thế giới tuyệt vời ấy một người nam và một người nữ hoàn toàn, đó là A-đam và Ê-va.

1. LUẬT PHÁP ĐEM LẠI HẠNH PHÚC

Khi dựng nên vũ trụ, Đức Chúa Trời đã thiết lập những thứ luật cần thiết vì nếu không có luật lệ thì thế giới sẽ hỗn loạn. Luật hấp dẫn là một trong những luật Đức Chúa Trời đặt ra cho vũ trụ. Theo định luật ấy, nếu nhảy từ trên cao, ta sẽ bị rớt xuống bởi sức hút của trái đất. Nếu không có luật ấy thì ta phải luôn luôn bám víu vào một vật gì đó để khỏi văng ra ngoài trái đất. Như vậy, luật hấp dẫn cần thiết cho sự an toàn của chúng ta.

Đức Chúa Trời đặt ra luật vật lý để điều khiển thiên nhiên thế nào, thì khi tạo nên loài người, Ngài 3 cũng đặt ra luật luân lý để hướng dẫn hành động của họ như vậy. Những luật ấy tóm tắt trong Mười Điều răn. Mười điều này dạy chúng ta sống đạo đức đối với Đức Chúa Trời và tha nhân. Xuất Ê-díp-tô Ký 20:3-17 ghi chép Mười Điều răn. (Xin xem bản Luật này ở trang 4).

Nếu ai cũng vâng giữ Mười Điều răn thì mọi người đều được hạnh phúc. Sự vi phạm luật pháp Chúa cũng là nguyên nhân của đau khổ. Thí dụ, điều răn thứ bảy dạy, “Ngươi chớ tà dâm.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:14). Khi người ta vi phạm luật này thì gia đình tan vỡ. Kết quả là cha mẹ và con cái đều đau khổ. Vậy nên sự bất tuân luật pháp Đức Chúa Trời đưa tới sự đau khổ cho con người.

Kinh Thánh định nghĩa tội là gì? “Tội lỗi tức là sự trái luật pháp” (I Giăng 3:4).

Vậy nguyên nhân của chiến tranh, bệnh tật, bạo động, bất công, gia đình đổ vỡ là gì? Đó là kết quả của sự vi phạm luật pháp Đức Chúa Trời, và sự trái luật pháp là tội lỗi. Vì thế nguyên nhân của mọi tội lỗi là sự vi phạm luật pháp.

2. LUẬT PHÁP MƯỜI ĐIỀU RĂN TRONG CỰU ƯỚC

Ai chép Mười Điều răn?

“Đức Giê-hô-va. . . cho người hai bảng chứng bằng đá, bởi ngón tay Đức Chúa Trời viết ra” (Xuất Ê-díp-tô Ký 31:18).

“Hai bảng chứng có viết hai bên, mặt nầy và mặt kia. Hai bảng đó là việc của Đức Chúa Trời làm ra; chữ cũng là chữ của Đức Chúa Trời khắc trên bảng” (Xuất Ê-díp-tô Ký 32:15, 16). Mười Điều răn do chính ngón tay Đức Chúa Trời viết trên bảng đá, rồi ban cho loài người. Như vậy Mười Điều răn thật quan trọng thay! Ai có quyền thay đổi những điều răn ấy?

Luật Pháp Đức Chúa Trời

I Trước mặt ta, ngươi chớ có các thần khác.

II Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình, cũng chớ làm tượng nào giống những vật trên trời cao kia, hoặc nơi đất thấp này, hoặc trong nước dưới đất. Ngươi chớ quỳ lạy trước các hình tượng đó, và cũng đừng hầu việc chúng nó; vì ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, tức là Đức Chúa Trời kỵ tà, hễ ai ghét ta, ta sẽ nhơn tội tổ phụ phạt lại con cháu đến ba bốn đời, và sẽ làm ơn đến ngàn đời cho những kẻ yêu mến ta và giữ các điều răn ta.

III Ngươi chớ lấy danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi mà làm chơi, vì Đức Giê-hô-va chẳng cầm bằng vô tội kẻ nào lấy danh Ngài mà làm chơi.

IV Hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh. Ngươi hãy làm hết công việc mình trong sáu ngày; nhưng ngày thứ Bảy là ngày nghỉ của Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi: trong ngày đó, ngươi, con trai, con gái, tôi trai tớ gái, súc vật của ngươi, hoặc khách ngoại bang ở trong nhà ngươi, đều chớ làm công việc chi hết; vì trong sáu ngày Đức Giê-hô-va đã dựng nên trời, đất, biển, và muôn vật ở trong đó, qua ngày thứ Bảy thì Ngài nghỉ: vậy nên Đức Giê-hô-va đã ban phước cho ngày nghỉ và làm nên ngày thánh.

V Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho.

VI Ngươi chớ giết người.

VII Ngươi chớ phạm tội tà dâm.

VIII Ngươi chớ trộm cướp.

IX Ngươi chớ nói chứng dối cho kẻ lân cận mình.

X Ngươi chớ tham nhà kẻ lân cận ngươi, cũng đừng tham vợ người, hoặc tôi trai tớ gái, bò, lừa, hay là vật chi thuộc về kẻ lân cận ngươi. Luật Pháp Đức Chúa Trời.

Luật pháp này có hiệu nghiệm bao lâu? “Cứ theo chứng cớ Chúa, tôi đã biết từ lâu rằng Chúa lập các điều răn ấy đến đời đời” (Thi thiên 119:152).

3. LUẬT PHÁP MƯỜI ĐIỀU RĂN TRONG TÂN ƯỚC

Đức Chúa Giê-su dạy gì về Mười Điều răn?

Một ngày nọ, có người đến hỏi Đức Chúa Giê-su, “Thưa Thầy, tôi phải làm việc lành chi cho được sự sống đời đời?” Ngài đáp, “Nếu ngươi muốn vào sự sống, thì phải giữ các điều răn.” Người đó lại hỏi, “Những điều răn nào?” Chúa kể nhiều điều trong Mười Điều răn (Ma-thi-ơ 19:16- 19).

Một người khác hỏi, “Thưa thầy, trong luật pháp, điều răn nào là lớn hơn hết?” Ngài đáp, “Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi. Ấy là điều răn thứ nhất và lớn hơn hết. Còn điều răn thứ hai. . . Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình. Hết thảy luật pháp và lời tiên tri đều bởi hai điều răn đó mà ra” (Ma-thi-ơ 22:35-40).

Đức Chúa Giê-su vừa phán về hai nguyên tắc chính của Mười Điều răn, là “kính Chúa, yêu người.” Đạo Chúa là đạo duy nhất nhấn mạnh về lòng yêu mến Đức Chúa Trời. Còn các tôn giáo khác chỉ nói về lòng yêu người mà thôi. Nếu yêu mến Chúa, ta sẽ không phạm bốn điều răn đầu (Thiên đạo). Nếu yêu đồng loại, ta sẽ không phạm sáu điều răn sau (nhân đạo). Quý bạn thử kiểm điểm Mười Điều răn xem mình có thể chấp thuận toàn thể hay không. Xin đọc Xuất Ê-díp-tô Ký 20:3-17.

4. TỘI LỖI PHÁT XUẤT TỪ ĐÂU?

Trong một quá khứ cực kỳ xa xăm, trước khi trái đất được dựng nên, Đức Chúa Trời đã tạo các thiên sứ trên trời. Thiên sứ là 6 loài thọ tạo thuộc đẳng cấp cao hơn loài người và là kẻ hầu việc Ngài. Khi được dựng nên, các thiên sứ đều vô tội và vui mừng làm theo ý muốn Đức Chúa Trời. Lu-xi-phe là thiên sứ trưởng, hầu cận ngôi Đức Chúa Trời, và được dựng nên rất hoàn hảo.

Ê-xê-chi-ên 28:15 chép về Lu-xi-phe như vầy, “Đường lối ngươi trọn vẹn từ ngày ngươi được dựng nên, cho đến lúc thấy sự gian ác trong ngươi.” Tội lỗi phát sinh từ trong lòng Lu-xi-phe. Tuy được dựng nên trọn vẹn, Lu-xi-phe đã biến mình thành quỷ sứ. Kinh Thánh nói nguyên nhân chính khiến hắn sa ngã là sự kiêu ngạo và ganh tị. Hắn bất mãn với địa vị của mình, và muốn bằng Đức Chúa Trời. Xin đọc thêm Ê-sai 14:12-14.

Khi Lu-xi-phe nổi loạn chống lại quyền lực của Chúa thì hắn cũng thuyết phục các thiên sứ khác theo hắn. Hắn rao truyền rằng Đức Chúa Trời rất chuyên chế, luật pháp Ngài quá khắt khe. Hắn hứa nếu họ theo hắn, thì sẽ được tự do, không bị ràng buộc bởi luật lệ nào cả. Cuối cùng, một phần ba trong số thiên sứ nghe hắn chống lại Đức Chúa Trời. Kết quả là Lu-xi-phe và đồng bọn bị đuổi ra khỏi Thiên đàng (Khải huyền 12:7-9).

5. TỘI LỖI XÂM NHẬP THẾ GIAN CÁCH NÀO?

Khi dựng nên A-đam và Ê-va, Chúa đặt họ trong vườn Ê- đen với đầy đủ mọi thứ để họ được thỏa nguyện. Họ được phép ăn tất cả các thứ trái cây trong vườn, ngoại trừ “cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến”, vì khi ăn trái cây ấy thì phải chết (Sáng thế Ký 2:17).

Sa-tan cải dạng thành con rắn và nằm chờ cơ hội. Một ngày kia hắn đã dụ dỗ được tổ phụ chúng ta ăn trái cấm. Họ đã bị 7 Sa-tan phỉnh gạt và bất tuân mạng lệnh Chúa (Sáng thế Ký 3:6). Từ đó tội lỗi xâm nhập thế gian và đã gây ra biết bao đau khổ cho nhân loại.

6. HẬU QUẢ CỦA TỘI LỖI

Tội lỗi vừa xâm nhập thì thế gian liền có những sự thay đổi. Đất bị rủa sả. Loài người phải làm việc cực khổ để sống. Gai góc, cỏ dại mọc lan tràn khắp nơi. Hoa tàn, lá rụng. Riêng loài người đầy lòng đố kỵ. Con trai đầu tiên của A-đam giết em mình vì ghen ghét. Loài người và thú vật giết hại lẫn nhau. Kết quả là muôn vật đều khốn khổ và đau thương. Hậu quả hãi hùng hơn cả là sự chết. Sự chết đến cho tất cả. A- đam phải chết vì hậu quả của tội lỗi. Từ đó con người phải trải qua sự chết vì những tội lỗi mình đã phạm.

7. AI CHỊU TRÁCH NHIỆM VỀ TỘI LỖI?

Tại sao Đức Chúa Trời không tạo nên loài người không có khả năng phạm tội. Ngài có thể không ban cho ta quyền tự do lựa chọn. Nhưng nếu làm vậy, thì ta chẳng khác gì một người máy.

Ngài tạo nên thiên sứ và loài người với khả năng biết suy tư. Ngài ban cho họ sự tự do lựa chọn. Họ có thể lựa chọn yêu mến, vâng phục Ngài hoặc ghen ghét và bất phục tùng Ngài. Tình yêu không thể ép buộc. Ngài muốn chúng ta yêu mến, vâng phục Ngài để được sống. Nhưng nếu lựa chọn sự bất phục tùng, chúng ta sẽ đi vào con đường tội lỗi và dẫn đến sự chết. Ngài rất đau lòng, nhưng Ngài cũng rất tôn trọng sự tự do lựa chọn của chúng ta.

8. ĐỨC CHÚA TRỜI CÓ KẾ HOẠCH DIỆT TRỪ TỘI LỖI

Trải qua hơn 6,000 năm, Sa-tan đã thống trị trái đất, thời gian đủ lâu để chứng tỏ sự công bình của Đức Chúa Trời và bản tính gian ác của hắn. Cả vũ trụ đều nhận thức rằng tội lỗi rất xấu xa, gây nên mọi đau thương và sầu khổ. Còn đường lối của Chúa đem lại sự bình an và hạnh phúc. Nếu Ngài không can thiệp, thì con người không còn niềm hy vọng. Vì hậu quả của sự bất tuân luật pháp Đức Chúa Trời dẫn đến sự chết. Tuy nhiên, Ngài không để loài người sống trong tuyệt vọng. Ngài có kế hoạch cứu họ bằng cách ban Con Một của Ngài để chết thế cho họ, hầu cho họ được sự sống đời đời, nếu họ chấp nhận sự chết của Con Ngài.

Bạn ơi! Bạn có muốn chấp nhận Đức Chúa Giê-su là Đấng đã chết thế cho mình để bạn được sự sống đời đời chăng?

Bài học 7 sẽ trả lời câu hỏi:

AI LÀ SỰ HY VỌNG CỦA THẾ GIỚI?

Trắc Nghiệm 6

1. Xin điền vào các chỗ trống:
Kinh Thánh định nghĩa, “Tội lỗi là sự trái ______________ ______________.”

2. Xin trả lời những câu hỏi sau đây:
Ai viết Mười Điều răn? ________ __________ _________
Luật pháp Chúa có hiệu nghiệm bao lâu? _______ ______

3. Nếu muốn được sống, ta phải làm gì? ________________________________________________

4. Câu nào trúng, xin viết chữ T; câu nào sai, viết chữ S:
___ Trước kia Sa-tan là một thiên sứ trọn vẹn ở trên trời.
___ Lu-xi-phe mới được dựng nên đã có tội trong mình.

5. Tội lỗi xâm nhập thế gian bằng cách nào? ________________________________________________

6. Hậu quả hãi hùng nhất của tội lỗi là gì? ________________________________________________

7. Khi vâng phục Chúa, ta sẽ được gì? ________________________________________________

8. Đức Chúa Trời có kế hoạch gì để cứu loài người? ________________________________________________

Tải về bài học (pdf) theo liên kết sau đây:

Tội Lỗi Phát Xuất Từ Đâu? (Bài 6 – CON ĐƯỜNG SỐNG)

Tải về file trắc nghiệm (pdf) theo liên kết sau đây:

Tội Lỗi Phát Xuất Từ Đâu? (Bài 6 – CON ĐƯỜNG SỐNG)

Check Also

Cứu Cấp

Vào tháng Giêng năm 2010, Wesley Autrey đang chờ đợi chiếc xe điện ngầm ở …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *