Home / Dưỡng linh / Niềm tin & Cuộc sống / Vị Giáo Sư Từ Trời (Chương 7 – Hoàng Tử & Phản Thần)

Vị Giáo Sư Từ Trời (Chương 7 – Hoàng Tử & Phản Thần)

Chương 7: Vị Giáo Sư Từ Trời

Buổi chiều hôm sau, thầy Lắm khởi đầu câu chuyện:

– Buổi thiếu thời, Hoàng tử sống trong một làng bé nhỏ tên Na-xa-rét, ở miền núi. Ngài làm việc trong một công xưởng mộc với dưỡng phụ Ngài là Giô-sép. Em Tèo ơi, thử đoán xem Ngài là đứa bé thế nào?

– Một đứa bé tốt.

– Đúng vậy! Bé Giê-su là một người thợ sẵn lòng làm việc. Khi mó tay vào bất luận việc gì, Ngài cũng đem hết sức ra làm. Khi Ngài đóng một cái bàn hay cái ghế, thì bàn hay ghế ấy thật chắc và đẹp.

Ngài học chữ trong khi làm với tay chân. Chính mẹ hiền đã dạy Ngài đọc sách, mà quyển sách Ngài đọc nhiều hơn cả là quyển Kinh Thánh nên hiểu sách ấy từ đầu đến cuối. Sáng sớm, trước khi mặt trời mọc, Ngài đi đến nơi yên tịnh dưới bóng cây để nghiên cứu Kinh Thánh và cầu nguyện với Đức Chúa Cha. Chính trong giờ khắc yên tịnh, chỉ có một mình với Đức Chúa Trời mà Ngài nhận được sự giúp đỡ và năng lực lớn lao vậy.

Chúa Giê-su là một nhà nghiên cứu thiên nhiên thật cặn kẽ. Ngài quan sát cây, cỏ, hoa, lá. chim muông và cả những động vật nhỏ bé nữa – là những vật mà Ngài tạo nên trong buổi xa xưa kia, khi Ngài dựng nên thế gian. Sau này, khi Ngài trở nên một giáo sư đại tài, Ngài dùng những sự vật của thiên nhiên để dẫn chứng những nguyên tắc mà Ngài muốn dạy cho dân chúng.

Nhưng đời sống của Ngài không phải dễ dàng đâu. Tên phản loạn rất giận dữ vì Hoàng tử đã vào để xúi giục Đức Chúa Giê-su phạm tội, dầu chỉ một lần thôi, thì chương trình cứu chuộc loài người bị hư ngay. Vì thế, kẻ thù cố đưa Ngài vào tội lỗi. Nó làm cho đời sống của Ngài rất khó khăn. Khi Đức Chúa Giê-su còn là một thiếu niên, các trẻ khác chế giễu về sự ra đời của Ngài. Chúng cười nhạo Ngài vì Ngài không chịu theo chúng để làm điều ác. Nhưng dầu việc gì xảy ra, Đức Chúa Giê-su vẫn tử tế và kiên tâm chịu đựng. Ngài chẳng bao giờ phạm tội dầu trong việc làm, lời nói hay tư tưởng. Ngài là người trọn lành duy nhất đã từng sống trên thế gian này.

Đức Chúa Giê-su làm việc trong xưởng mộc cho đến khi ba mươi tuổi. Sau đó, Ngài khởi đầu nhiệm vụ cứu thế. Ngài không làm việc bằng cách tự tôn mình làm vua oai quyền để chống lại kẻ thù. Ngài đến để biến đổi lòng người, để cất đi sự thù hằn, tư kỷ và sợ hãi mà tên phản loạn đã gieo rắc, và thay vào bằng những hạt giống chân lý.

Đức Chúa Giê-su là một giáo sư tài nhất xưa nay. Ngài có thể giảng dạy về thiên đàng vì Ngài đã từng sống nơi ấy; Ngài có thể dạy về đất, trời và ngôi sao vì Ngài đã tạo nên. Nhưng điều Ngài dạy bảo dân chúng nhiều hơn cả là tình yêu.

Ngài thường phán dạy rằng, “Vì Vua quyền thế kia là Cha của các con. Ngài yêu thương các con luôn tuy các con phản nghịch lại Ngài.” Nhưng dân chúng thật chậm hiểu. Một lần nọ, Ngài kể cho dân chúng nghe câu chuyện này để giúp họ hiểu được Đức Chúa Trời yên họ đến mức nào:

– Một người nọ có hai đứa con trai. Thằng em, một hôm nói với cha, “Thưa cha, xin cha chia cho con phần gia tài của con.” Nó muốn lãnh phần gia tài trong khi cha nó vẫn còn sống. Khi người cha ban phần cho nó rồi, nó thâu tóm cả và bỏ nhà mà đi. Nó không muốn vâng phục cha cũng không thích làm việc gì nữa cả. Nó chỉ muốn được vui chơi.

– Nó đi đến một đô thị rộng lớn ở chốn xa xăm nọ. Chẳng bao lâu, nó quyến rũ được một số bạn hữu quanh mình, là những kẻ sẵn lòng tìm cách cho nó tiêu tiền. Nó phung phí cả tài sản, sức khỏe và tuổi trẻ huy hoàng cho rượu, đàn bà và khoái lạc.

Ít lâu sau, tiền đã sạch túi, chàng thanh niên đi tìm việc làm, nhưng chỉ có thể tìm được việc hàn hạ nhất là chăn heo.

Trong khi chăm lo cho bầy heo dơ dáy, nó có thì giờ nghĩ lại. Nó đã thâu gặt được gì trong những năm vui thú nọ? Những bạn bè vui chơi, là những kẻ đồng ăn nhậu và phung phí tiền bạc của nó trong khi nó còn giàu có, nay đã lìa bỏ nó hết rồi. Tiền bạc đã hết, bụng rỗng chưa no, lòng kiêu căng gãy đổ, tâm tri và thân thể đã tàn phế. Nó đã ở trong cảnh cùng tột của những kẻ khốn cùng.

Đột nhiên, nó nhận thức được sự điên rồ của nó. Nó nhủ thầm, “Mình đâu cần phải chết đói. Trong nhà cha mình, ngay như hàng tôi tớ cũng có dư lương thực kia mà. Giờ phải đứng dậy mà trở về nhà cha.”

Nó quyết định phải xưng tội với cha như vậy, “Con đã phạm tội với Trời và với cha, con không đáng được gọi là con của cha nữa. Xin cha hãy đối với con như tên đầy tớ thôi.”

Nghĩ vậy, chàng thanh niên liền bỏ bầy heo mà trở về nhà. Vì đói khát nên chàng rất yếu, và áo quần đã rách tả tơi; nhưng đã quên được tính kiêu căng của mình trong khi mau chân trở về để xin một chân đầy tớ trong chốn trước kia chàng đã từng là con cưng.

Mấy năm trước, khi lìa nhà đi, chàng không bao giờ nghĩa đến nỗi đau đớn của cha. Chỉ lo quay cuồng bên vũ nữ, say sưa trong đám tiệc với bạn hữu mà không biết rằng bức màn ảm đạm đã bao trùm trên gia đình mình. Ngay giờ đây, khi đã đến gần nhà rồi, chàng cũng không biết đang có người chăm nhìn mình. Nhưng tận đằng xa, cha chàng đã nhìn thấy, liền chạy ra tiếp đón chàng về. Ông cha đã nhận biết con mình tuy chàng rách rưới. Cha đưa tay ôm chầm đứa con vào lòng rất lâu trong tình yêu chan chứa.

Ông cha không cho phép bất cứ người nào được chế giễu sự đói rách của con mình. Ông cởi chiếc áo choàng quý giá ra khỏi mình mà phủ cho đứa con. Đứa con thổn thức với những lời chàng đã định nói, “Thưa cha, con đã có tội với Trời và trước mặt cha, con không đáng được gọi là con của cha nữa…” Nhưng người cha không nghe. Ông không cho đứa con có cơ hội để xin làm tôi tớ. Ông ra lệnh cho tôi tớ mình rằng, “Hãy đem áo tốt nhất mà mặc áo cho con ta. Hãy đeo nhẫn vào tay và mang giày vào chân cho con ta. Hãy giết bò tơ mập nhất và chúng ta ăn uống vui vẻ với nhau vì con ta đã chết mà nay được sống, đã mất và đã tìm lại được.”

– Người cha thật thương con mình. – Trung nói.

– Và đó là cách mà Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta. – Thầy Lắm thêm.

Cụ trưởng ấp góp lời:

– Tôi rất ngạc nhiên mà thấy người cha có thể tha thứ cho đứa con hoang đàng như vậy. Làm sao ông ta biết được đứa con mình sẽ tử tế trở lại khi thâu nhận nó về?

Thầy Lắm giải thích:

– Tình yêu đã thay đổi lòng cậu ta. Từ đó trở đi, nó không bao giờ quên được sự không ra chi của mình cùng tình yêu cao quý của cha. Một lần nọ, Đức Chúa Giê-su có nói rằng ai được tha tội nhiều thì yêu nhiều. Từ đó mãi về sau đứa con yêu và hầu việc cho cha một cách trung thành hơn cả anh nó là đứa không có bỏ nhà đi hoang.

Bây giờ quý vị đã thấy trong câu chuyện này thì đứa con không đáng được hưởng gì cả. Chàng có làm gì tốt đâu, ngoại trừ việc trở về cùng cha. Tuy vậy, người cha tiếp nhận chàng với lòng vui mừng. Thiên Phụ của quý vị cũng vậy. Bất luận quý vị đã làm gì, hay quý vị đã xấu xa cách nào mặc lòng, nếu trở về cùng Đức Chúa Trời, Ngài sẽ nhận quý vị trở lại.

Ông Ba, cha của Trung nói:

– Ngài phải yêu chúng ta nhiều lắm!

– Thật vậy. – Thầy Lắm tiếp – Khi chúng ta hiểu được Đức Chúa Trời yêu ta dường nào, chúng ta sẽ yêu Ngài trở lại thế ấy. Chính tình yêu mà Đức Chúa Trời có trong lòng Ngài sẽ nẩy nở trong lòng chúng ta.

Quý vị biết rằng có rất nhiều tôn giáo và chính phủ trên thế gian này và họ đều có bộ luật riêng. Nhưng Đức Chúa Giê-su phán chỉ có hai điều luật trọng đại. Quý vị có biết bộ luật ấy là luật gì không?

Sự yên lặng bao trùm đám người kia khi thầy Lắm lật Kinh Thánh, sách Mathi- ơ 22:37-40 và đọc “Con phải hết lòng, hết linh hồn hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời con. Ấy là điều răn thứ nhất và lớn hơn hết. Còn điều thứ hai đây, cũng như vậy: Con hãy yêu kẻ lân cận như mình…”

Chúng ta có thể tóm tắt hai điều luật này rằng, “Hãy yêu Đức Chúa Trời và yêu người đồng loại.” Chỉ có hai điều luật cần thiết. Quý vị thử nghĩ, nếu người ta yêu nhau thì làm gì có cãi lẫy, ganh tỵ, cướp bóc, thù hằn, chiến tranh. Chúng ta cũng không cần có quan tòa, pháp đình, cũng không cần khám đường nữa.

Thầy Lắm nhìn cụ trưởng ấp nói tiếp:

– Công việc của cụ sẽ nhàn hạ hơn, phải không thưa cụ? Vì không có sự gây gỗ để giảng hòa, không có tranh tụng để xét xử.

– Tôi sẽ sung sường nếu không cần phải lo những việc ấy.

– Nếu người ta yêu nhau thì thế gian này sẽ như thiên đàng vậy. Thoạt kỳ thủy nước của Đức Chúa Trời là như vậy. Tên phản loạn là kẻ đã thay đổi lòng người để họ tự yêu mình hơn là yêu người khác, và đó là nguyên do của mọi điều ác. Đức Chúa Giê-su có kể một câu chuyện khác để dạy cho chúng ta phải yêu người đồng loại như thế nào. Quý vị có muốn nghe chăng?

Họ đồng thanh trả lời:

– Có chứ. Chúng tôi muốn nghe lắm.

– Trong thời của Đức Chúa Giê-su, người Do Thái và người Sa-ma-ri không hề nói chuyện nhau nếu không phải là việc tối ư cần thiết. Dĩ nhiên họ không hề giúp đỡ nhau. Lần nọ, có một người Do Thái đi trên đường đến thành Giê-ri-cô. Con đường lại xuyên qua một vùng núi non hoang vắng, là nơi ẩn mình của phường trộm cướp. Khi người này đi đến khoảng ấy, thình lình có một bọn cướp tràn ra bắt và đánh đập ông ta; cướp mọi vật chúng có thể cướp được, rồi bỏ ông ta nửa chết nửa sống trên đường. Chẳng bao lâu, có một thầy tu Do Thái đi đến. Ông thấy người kia bị thương, máu ra dầm dề, nhưng nép tránh một bên rồi đi luôn. Ông tự nhủ rằng việc này đâu có ăn thua tới mình mà phải lo cho mệt. Kế đó, một người “thánh” đi đến, nhưng ông ta tự nghĩ rằng nếu giúp đỡ nạn nhân thì bọn cướp có thể bắt ông ta, nên mau chân đi thẳng.

Một lúc sau có một người Sa-ma-ri đi đến. Thấy người Do Thái khốn khổ nằm trên đường, người này biết rõ lắm nếu chính mình bị nạn mà có người Do Thái đi ngang qua, chắc chắn người Do Thái sẽ nhổ lên mặt mình. Nhưng ông không nghĩ đến việc ấy. Ông ta chỉ thấy có một người cần được sự giúp đỡ. Ông cho nạn nhân uống và băng bó vết thương cho người, lấy áo quần mình mặc cho nạn nhân và nhẹ nhàng đặt nạn nhân lên lưng lừa của mình. Ông ta cẩn thận đưa nạn nhân đi đến quán trọ và canh chừng cho nạn nhân trọn đêm ấy. Hôm sau vì bận việc phải đi, ông ta trả cho chủ quán trọn số tiền phí tổn để săn sóc nạn nhân này. Ông ta thật lòng thương người lân cận đó chớ? Tôi dám quả quyết rằng người Do Thái bị nạn sau đó sẽ thương người Sa-ma-ri, vì người Sa-ma-ri cứu giúp mình trong khi hai người cùng giống không giúp.

Đức Chúa Giê-su dạy rằng chúng ta phải yêu thương mọi người, bất kể giống dân hay quốc tịch nào. Chúa dạy chúng ta phải yêu luôn kẻ thù nghịch mình. Quý vị biết chăng, nếu quý vị yêu kẻ thù nghịch mình thì chẳng bao lâu người ấy không còn là người thù mình nữa, mà trở nên bạn.

Hẳn quý vị đã thấy, tình yêu trọng tâm của sự dạy dỗ của Đức Chúa Giê-su. Ngài dạy rằng tuy chúng ta chống nghịch lại, Đức Chúa Trời vẫn yêu chúng ta. Ngài dạy rằng chúng ta phải yêu thương Đức Chúa Trời như yêu chúng ta, và chúng ta phải yêu người lân cận nhiều như yêu chúng ta yêu mình vậy. Người lân cận chúng ta đều là người – dầu là người khác giống – dầu là kẻ thù!

Cụ trưởng ấp kết thúc:

– Thật đó là một ý tưởng mới mà chúng ta cần phải suy gẫm.

Check Also

Cứu Cấp

Vào tháng Giêng năm 2010, Wesley Autrey đang chờ đợi chiếc xe điện ngầm ở …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *